Sáng 29/9, tại Hội trường Diên Hồng, Toà nhà Quốc hội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội Trung ương chủ trì, phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các bộ, ban ngành liên quan tổ chức phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ hai - năm 2024.
Tham dự phiên họp có Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long.
Cùng lãnh đạo các cơ quan thuộc Quốc hội, Chính phủ, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đoàn, Thường trực Hội đồng Đội Trung ương, các cơ quan thông tấn báo chí và 306 đại biểu thiếu nhi đến từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Trong số các đại biểu thiếu nhi có 24 đại biểu “Quốc hội trẻ em” lần thứ I - năm 2023 tái cử tham dự Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ II - năm 2024.
Thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề liên quan đến trẻ em
Tại chương trình, ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Quốc hội phát biểu: “Sau phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" năm 2023, một số kiến nghị của các đại biểu trẻ em đã được các bộ, ngành quan tâm, tổ chức triển khai, thực hiện. Đây là điều đáng mừng".
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng với lần thứ hai tổ chức phiên họp, lại được gặp gỡ các cháu, "cháu nào cũng tươi vui, rạng rỡ, tự tin, lễ phép".
"Qua báo cáo phóng sự vừa trình chiếu, các đại biểu trẻ em ngày hôm nay đều là những tấm gương tiêu biểu học tập, rèn luyện, đặc biệt có 11 em từng đoạt giải thưởng quốc tế, 28 em đoạt giải thưởng cấp quốc gia... và nhiều em đoạt được nhiều thành tích trong các hoạt động nghệ thuật... Các cháu thật xứng đáng với niềm tin yêu của mọi người, xứng đáng với công ơn sinh thành của cha mẹ, công lao dạy dỗ của thầy cô giáo", ông Mẫn nói
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, Đảng và Nhà nuớc luôn dành sự quan tâm, chăm lo đặc biệt tới sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” tổ chức nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Trẻ em năm 2016, cụ thể hoá chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030.
Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” là diễn đàn để trẻ em thể hiện tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của mình; đồng thời tập dượt sinh hoạt chính trị nhằm hun đúc ước mơ, xây hoài bão lớn cho thiếu nhi, chủ nhân tương lai của đất nước; thể hiện sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và toàn xã hội đối với trẻ em và công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên nhi đồng.
Đây cũng là mô hình hoạt động mới thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề liên quan đến trẻ em phù hợp với tâm lý, khả năng của trẻ em, tạo điều kiện để trẻ em phát huy năng lực, kỹ năng trình bày ý kiến, quan điểm, nhận thức và tham gia vào quá trình ra quyết định về các vấn đề liên quan đến trẻ em.
Thông qua hoạt động giúp các em thiếu nhi được trải nghiệm, tìm hiểu bộ máy cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất là Quốc hội, tiếp tục khẳng định sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, phát huy vai trò của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em.
130 "đại biểu" Quốc hội đăng ký phát biểu các vấn đề "nóng" học đường
Ở phiên chất vấn, các đại biểu Quốc hội trẻ em giả định đã tham gia phát biểu các ý kiến, nêu lên những mong muốn, nguyện vọng của các cử tri trẻ em tại địa phương với hai vấn đề “Phòng, chống bạo lực học đường” và “Phòng chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường”, làm rõ các vấn đề được “cử tri trẻ em” cả nước quan tâm.
Theo đó, phiên chất vấn đã có 268 đại biểu đăng ký chất vấn, trong đó có 138 đại biểu Quốc hội trẻ em đăng ký phát biểu với vấn đề “Phòng, chống bạo lực học đường”, 130 đại biểu Quốc hội trẻ em đăng ký phát biểu với vấn đề “Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường”.
Những câu hỏi nóng hổi về vấn đề bạo lực học đường được đại biểu trẻ em nêu lên như: Tình trạng bạo lực học đường đã diễn ra từ nhiều năm nay tuy nhiên vẫn chưa giải quyết được triệt để; vấn đề xây dựng văn hóa học đường để đẩy lùi bạo lực; sản phẩm phim, ảnh bạo lực tràn lan trên không gian mạng và chưa được kiểm soát hiệu quả...
Bên cạnh đó là các vấn đề xoay quanh tác hại của thuốc lá điện tử như: Tình hình học sinh sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng; lo ngại những sản phẩm thuốc lá phối trộn đang hướng vào giới trẻ; yêu cầu công bố chính thức về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng...
15 đại biểu thực hiện quyền chất vấn, trong đó có 11 đại biểu chất vấn và 4 đại biểu tranh luận với Bộ trưởng Bộ Giáo dục trẻ em giả định, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL trẻ em giả định, Bộ trưởng Bộ TT&TT trẻ em giả định, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH trẻ em giả định, Bộ trưởng Y tế trẻ em giả định, Bộ trưởng Bộ Công Thương trẻ em giả định, Bộ trưởng Bộ Công an trẻ em giả định.
Sau phần chất vấn của các "đại biểu" nhí, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã phát biểu, trao đổi với đại biểu Quốc hội trẻ em về 2 chủ đề của phiên họp.
Tại phiên họp, các đại biểu cũng được Ban Tổ chức thông tin, báo cáo về kết quả giải quyết những nội dung kiến nghị của trẻ em tại phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ I - năm 2023; công tác chuẩn bị phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ II - năm 2024 và các hoạt động diễn ra tại phiên họp trong 2 ngày 27-28/9.
Kết thúc phiên họp đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhận xét: "Tôi cũng như Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Bộ Y tế rất ấn tượng về sự thể hiện của các đại biểu trẻ em hôm nay. Dù nhỏ tuổi nhưng các cháu đã rất chịu khó tìm hiểu, nghiên cứu, phát biểu mạch lạc, phong thái tự tin, chững chạc. Nhiều câu nói kiến nghị, đề xuất của các cháu rất xác đáng, xuất phát từ thực tiễn.
Các Bộ trưởng cũng đã trao đổi với các em trên tinh thần cầu thị, thẳng thắn. Với các câu hỏi, kiến nghị của các cháu, các bộ, ngành, đoàn thể sẽ ghi nhận, nghiên cứu trong quá trình soạn thảo văn bản, ban hành các chính sách, pháp luật có liên quan đến trẻ em".
Chủ tịch Quốc hội cũng động viên và tặng quà cho các đại biểu Quốc hội trẻ em giả định, nhắn nhủ các em chăm chỉ học tập và rèn luyện để xây dựng đất nước trong tương lai.