Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Vì trẻ em

Ðồng hành cùng trẻ khiếm thính

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - “Khi gặp khó khăn, trẻ em có thể gọi điện đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em 111 để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời, nhưng trẻ khuyết tật nghe nói thì không thể…” - Đó là chia sẻ của chị Chử Thị Thanh Hương, Chủ tịch Hội Cha mẹ trẻ khiếm thính và người khiếm thính Việt Nam, đồng thời cũng là một người mẹ đã đồng hành cùng con bị khiếm thính suốt 18 năm qua.

Khó khăn và rào cản khi trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng

Trẻ khiếm thính không nghe được nên cũng không nói được. Bản lĩnh và kiên trì, nhiều năm qua, chị Thanh Hương quyết tâm tìm lại thính lực cho con, giúp con hòa nhập cộng đồng.

Thấu hiểu những khó khăn các bậc cha mẹ có con khiếm thính gặp phải, năm 2012, chị thành lập Hội Cha mẹ trẻ khiếm thính và người khiếm thính Việt Nam, thuộc Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, để chia sẻ và giúp đỡ những bậc phụ huynh có hoàn cảnh giống mình.

Anh 3 Chao mung Ngay cham soc thinh luc.jpg
 Các em nhỏ khiếm thính chào mừng ngày “Chăm sóc thính lực” 3/3 năm 2024.

Không chỉ dừng ở đó, năm 2018, chị thành lập Quỹ Ước mơ xanh vì trẻ em khiếm thính Việt Nam để tổ chức các hoạt động hướng nghiệp, dạy nghề cho các bạn khiếm thính lớn tuổi; tìm kiếm việc làm cho người khuyết tật; đào tạo kỹ năng mềm cho gia đình và trẻ khiếm thính...

Báo cáo mới nhất của Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam cho biết, nước ta hiện có khoảng 7 triệu người khuyết tật, chiếm 7% dân số từ 2 tuổi trở lên.

Chỉ có 31,7% người khuyết tật từ 15 tuổi trở lên có việc làm so với 83,8% người không khuyết tật. Hơn 41% số người khuyết tật từ 6 tuổi trở lên không biết chữ và số có trình độ từ tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên chỉ chiếm 19,5%.

Hơn 93% người khuyết tật từ 16 tuổi trở lên không có trình độ chuyên môn; số có bằng cấp từ chứng chỉ nghề trở lên chỉ chiếm 6,5%.

Theo chị Thanh Hương, hiện nay còn nhiều khó khăn và rào cản để trẻ em khuyết tật nói chung và trẻ khiếm thính nói riêng cùng gia đình các em hòa nhập cộng đồng.

Các dịch vụ hỗ trợ trẻ em khuyết tật hòa nhập cộng đồng chưa rõ nét và sẵn có tại các địa phương. Một số tỉnh không có trường học dành cho trẻ khuyết tật hoặc không đủ để đáp ứng nhu cầu. Trong khi đó, các kỹ năng sống, kỹ năng thích ứng và hòa nhập cộng đồng của trẻ khuyết tật còn rất yếu.

Nhiều phụ huynh coi con bị khuyết tật như là một sản phẩm lỗi, thậm chí có những quan điểm sai lầm dẫn đến việc trẻ bị đối xử bất bình đẳng ngay trong chính gia đình. Trẻ bị xao nhãng, bị vi phạm quyền của mình (một cách vô tình) và tước đi cơ hội phát triển mà đáng nhẽ trẻ được hưởng.

Các gia đình có con khuyết tật cũng vì điều kiện sống khó khăn, muốn giúp đỡ con nhưng lực bất tòng tâm, đành phó mặc cho số phận. Sự tham gia của những người thân còn lại trong gia đình cũng ở hai thái cực, hoặc hỗ trợ tích cực hoặc vô tình lấy đi động lực của cha mẹ trong việc chăm lo cho trẻ khuyết tật.

Bên cạnh đó, các kênh thông tin hỗ trợ về chính sách và các dịch vụ hỗ trợ hòa nhập cộng đồng chưa có nhiều để hỗ trợ cha mẹ, trẻ khuyết tật. Việc thực hiện các chính sách tại địa phương còn nhiều rào cản. Các trung tâm dạy nghề, cung cấp kỹ năng mềm cho người khuyết tật còn rất ít…

3885678-giao-duc-victoria-de-xuat-0.jpg
Ðồng hành cùng trẻ khiếm thính.

Giải pháp nào để trẻ khiếm thính hòa nhập cộng đồng?

Để trẻ khiếm thính sớm hòa nhập cộng đồng, theo chị Thanh Hương, điều đầu tiên là cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần thay đổi nhận thức và kiến thức về các dạng tật, cách chăm sóc trẻ khuyết tật.

Các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội cần đẩy mạnh truyền thông hơn nữa để các bậc cha mẹ và người chăm sóc trẻ biết đến các tổ chức hỗ trợ trẻ em khuyết tật, các hội nhóm cha mẹ theo các dạng tật để có thể tham gia và được hỗ trợ.

Các cơ quan hỗ trợ người khuyết tật nên phối hợp với mạng lưới cha mẹ có con khuyết tật tổ chức các chương trình nâng cao năng lực, kiến thức cho phụ huynh; Tổ chức các hoạt động gắn kết giữa cha mẹ và trẻ, tập huấn về quyền của trẻ em khuyết tật; Thiết kế các chương trình thảo luận, kênh hỗ trợ để cha mẹ có con khuyết tật được lắng nghe và chia sẻ, có động lực và thay đổi để đồng hành cùng con.

Chị Thanh Hương cho rằng, nên có đối thoại và chia sẻ từ các tổ chức của người khuyết tật và vì người khuyết tật để giảm tải các khó khăn, rào cản, rút ngắn khoảng cách khác biệt. Các tổ chức này có thể phối hợp với mạng lưới cha mẹ trẻ khuyết tật xây dựng kênh tư vấn về chính sách hoặc tiếp nhận các vấn đề mà trẻ em khuyết tật đang gặp phải để hỗ trợ kịp thời hoặc chuyển tiếp đến các đơn vị liên quan giải quyết.

Chị cũng hy vọng, ngành Y tế cân nhắc mở rộng danh mục chi trả bảo hiểm cho các dịch vụ phục hồi chức năng, Công cụ phục hồi chức năng và thúc đẩy mở rộng các cơ sở cung cấp dịch vụ hỗ trợ can thiệp - phục hồi chức năng tại địa phương…

“Mong rằng, Việt Nam sẽ sớm thống nhất việc xây dựng bộ ngôn ngữ ký hiệu phổ thông, có chương trình hỗ trợ phụ huynh học ngôn ngữ ký hiệu để có thể giao tiếp với trẻ khiếm thính và hỗ trợ đồng hành cùng trẻ trong cuộc sống”, chị Thanh Hương mong muốn.

Thông thường, nếu giao tiếp bằng lời nói bị trở ngại, con người có thể sử dụng các hình thức giao tiếp khác như: Dùng dấu, cử chỉ, nét mặt, cử động miệng, hình vẽ...

Theo bác sĩ Nguyễn Thái Ngọc Châu, Khoa Nhi - Sơ sinh của một Bệnh viện, khi giao tiếp với trẻ khiếm thính, cha mẹ, người thân cần lưu ý:

- Nói to hơn một chút: Không thì thầm hoặc nói nhỏ và không quát lên - chỉ cần nói to hơn bình thường một chút.

- Nói rõ ràng: Chú ý nói từng âm rõ ràng, không lầm bầm trong miệng.

- Giảm tạp âm: Nên nói chuyện ở trong không gian càng yên tĩnh càng tốt bởi tạp âm làm biến đổi tín hiệu âm thanh truyền tới trẻ.

- Giữ khẩu hình rõ ràng: Trẻ khiếm thính khi đã thành thạo có thể đọc khẩu hình rất giỏi và có thể đánh giá những gì bạn nói thông qua việc đọc khẩu hình. Việc giữ khẩu hình rõ ràng giúp trẻ dễ nhận biết ý của bạn hơn.

- Sử dụng điệu bộ cử chỉ thoải mái: Để mô tả những gì bạn đang nói hãy kết hợp giữa từ ngữ và điệu bộ cử chỉ, việc này giúp cho trẻ dễ nắm bắt được tình huống bạn đang nói.

- Học ngôn ngữ ký hiệu: Nếu bạn là người chăm sóc sức khỏe cho trẻ đang sử dụng máy trợ thính và bị điếc hoàn toàn thì ngôn ngữ ký hiệu sẽ giúp cả hai giao tiếp với nhau hiệu quả hơn. 

Và một điều, các bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ cần đặc biệt lưu ý, để giao tiếp với trẻ khiếm thính, hãy thật sự kiên nhẫn và nhẹ nhàng.

Thanh Huyền

Tin liên quan
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình

Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình

(LĐXH) - Với tâm niệm học tập Bác Hồ không chỉ ở đức tính giản dị, khiêm tốn mà còn ở tấm lòng nhân ái, luôn nghĩ cho mọi người, cựu chiến binh Vũ...