Theo đó, tỉnh Đồng Tháp sẽ triển khai thực hiện Tháng hành động vì trẻ em từ ngày 1 - 30/6/2022.
Tháng hành động tập trung vào các hoạt động trọng tâm là truyền thông tư vấn kỹ năng làm cha mẹ, kỹ năng sống cho trẻ em, đặc biệt kỹ năng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em thông qua các kênh truyền thông báo chí, mạng xã hội, các tài liệu, sản phẩm truyền thông về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; truyền thông về Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em số 111 và đường dây bảo vệ trẻ em số 02778.51.61.71 của Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh để người dân và trẻ em được biết, nhằm kịp thời thông báo, tố giác các hành vi xâm hại, ngược đãi, vi phạm quyền trẻ em; tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ, đội, nhóm của trẻ em; tiếp nhận, tư vấn chăm sóc sức khỏe, tâm lý cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Cùng với đó, tổ chức tập huấn cho trẻ em, cha mẹ, người đang trực tiếp nuôi dưỡng trẻ em và hội thi cho giáo viên các trường mầm non công lập, tư thục, người làm công tác trẻ em ở địa phương về kiến thức, kỹ năng chăm sóc trẻ em từ 0 - 8 tuổi, nhóm trẻ em khuyết tật, tuyên truyền sâu rộng kiến thức, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em nhằm phòng ngừa xâm hại, tai nạn thương tích ở trẻ em; tiếp tục tổ chức các chương trình, hoạt động do trẻ em khởi xướng; tổ chức khảo sát lấy ý kiến trẻ em thông qua mạng internet về những vấn đề trẻ em quan tâm hoặc gây bức xúc đang diễn ra tại trường học, cộng đồng nơi các em đang sinh sống…
Để phòng ngừa các vụ việc cũng như xử lý vấn đề xâm hại và bạo lực trẻ em được hiệu quả, kịp thời, giảm tối đa việc tổn thương cho trẻ em, trước đó, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Tháp vừa có Công văn gửi UBND các huyện, thành phố về việc tăng cường các giải pháp bảo vệ trẻ em.
Trong đó, cần tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, đặc biệt về phòng ngừa xâm hại tình dục và bạo lực đối với trẻ em cho cha, mẹ, các thành viên gia đình, người chăm sóc trẻ em, người trực tiếp làm việc với trẻ em các kiến thức, kỹ năng phòng ngừa xâm hại cho trẻ em.
Cần chủ động thông báo, phối hợp với Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp của tỉnh trong việc tư vấn, can thiệp, hỗ trợ cho em bị xâm hại, bị bạo lực.
Cùng với đó là rà soát việc đăng ký, cấp phép hoạt động của các cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập, các quỹ từ thiện chăm sóc, nuôi dưỡng, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; việc tiếp nhận, quản lý các đối tượng trẻ em được chăm sóc, nuôi dưỡng trong các cơ sở trợ giúp xã hội.
Kiểm tra việc vận động xã hội, tiếp nhận, sử dụng các nguồn vận động xã hội của các cơ sở trợ giúp xã hội, quỹ từ thiện cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng, hỗ trợ trẻ em bảo đảm đúng mục đích, đúng đối tượng theo quy định của pháp luật.