Tuy nhiên, bên cạnh những chương trình bổ ích, có tính giáo dục, không ít gameshow nhí lại khiến người xem lo ngại vì những tác động tiêu cực lên trẻ nhỏ.
Những chương trình mang nặng tính thương mại, thiếu giá trị giáo dục có thể khiến ảnh hưởng xấu đến trẻ.
Không nên coi gameshow là phương tiện giúp trẻ kiếm tiền
Trong những năm gần đây, các chương trình truyền hình dành cho thiếu nhi dần mở rộng phạm vi khai thác từ tập trung vào các chương trình thi ca hát, thời trang, trí tuệ đến talkshow, gameshow trải nghiệm thực tế… Điều này giúp phát hiện ra tài năng, nhân tố mới, nhưng cũng tồn tại nhiều vấn đề khi một số nhà sản xuất chỉ tập trung vào lợi nhuận.
Những chương trình như: Giọng hát Việt nhí, Vua đầu bếp nhí, Trí tuệ siêu Việt, Bước nhảy hoàn vũ nhí... đã giúp trẻ thể hiện tài năng âm nhạc, nhảy múa, nhưng đồng thời cũng tạo ra áp lực về thắng - thua cho các em.
Nhiều khán giả không thoải mái, thậm chí lo lắng khi thấy các em nhỏ hát những ca khúc bolero mùi mẫn chuyện yêu đương, thất tình hay thể hiện những bước nhảy gợi cảm với trang phục không phù hợp...
Trong một số chương trình, trẻ em bị ép buộc phải trưởng thành trước tuổi, lạm dụng các chiêu trò để mua vui và thu hút sự chú ý của khán giả, khiến các em mất đi sự hồn nhiên.
Một số trẻ có triển vọng nhưng do không được phát triển đúng hướng đã phải từ bỏ đam mê hoặc chịu những tác động tiêu cực. Hiện tượng "chín ép" khiến nhiều tài năng nhí rơi vào tình trạng "sớm nở tối tàn", sao nhãng việc học tập và phải đối mặt với những áp lực không đáng có.
Câu chuyện của một bé gái 5 tuổi khi tham gia gameshow về gia đình đã hồn nhiên nói với người dẫn chương trình rằng, đóng quảng cáo kiếm tiền quan trọng hơn việc đi học, đã khiến nhiều người đặt câu hỏi: Phải chăng khi trẻ tham gia quá sớm vào các chương trình truyền hình hoặc quảng cáo có thể ảnh hưởng đến tư duy và phát triển của các em?
Các chương trình giải trí, gameshow chỉ nên là một sân chơi để các em bồi đắp tình yêu nghệ thuật, thể hiện khả năng vốn có, rèn luyện kỹ năng, đừng biến đó thành nơi đào tạo “ngôi sao”, càng không nên coi là phương tiện giúp trẻ em kiếm tiền.
Cần những chương trình có giá trị nhân văn cho trẻ em
Dù gameshow tạo thêm sân chơi cho trẻ em, giúp các em thử sức và thể hiện tài năng, nhưng cũng có thể gây ra những hệ lụy như ảo tưởng bản thân hay chạy theo hào quang sân khấu mà không đánh giá đúng năng lực thực sự của mình.
Một số thí sinh nhỏ tuổi đã phải đối mặt với áp lực khi trở thành “ngôi sao nhí” quá sớm và phải lo lắng về cách hành xử trước công chúng thay vì được sống đúng với lứa tuổi. Thậm chí, các em còn bị chỉ trích bởi những hành động hoặc lời nói không đúng mực, gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý.
Các chương trình giải trí và gameshow nên là nơi để trẻ em thể hiện tình yêu nghệ thuật, rèn luyện kỹ năng, chứ không phải là nơi để đào tạo "ngôi sao" hay công cụ giúp trẻ kiếm tiền.
Hiện nay, số lượng chương trình dành cho thiếu nhi trên truyền hình giảm dần do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, những chương trình mang tính giáo dục và giải trí cao như: Thiếu niên nói, Trạng nguyên nhí, Siêu tài năng nhí, Mẹ vắng nhà ba là siêu nhân, Ngôi làng vui vẻ… vẫn nhận được sự quan tâm của khán giả.
"Thiếu niên nói" là một chương trình truyền hình thực tế dành cho trẻ em nhận được nhiều phản hồi tích cực của khán giả. Điểm hấp dẫn của chương trình là tạo diễn đàn để các em nhỏ chia sẻ những tâm tư, tình cảm của mình với gia đình, thầy cô và xã hội.
Chia sẻ về những khó khăn khi thực hiện các chương trình dành cho thiếu nhi, nhà báo Lại Bắc Hải Đăng, Phó Trưởng Ban sản xuất các chương trình giải trí (VTV3), Đài Truyền hình Việt Nam, cho biết: “Chúng tôi gặp áp lực vì các bé luôn muốn xem cái mới.
Mình làm dù hay đến đâu, các em luôn mong muốn sự thay đổi”. Theo anh, việc sản xuất các chương trình không nên đặt lợi nhuận lên hàng đầu mà cần coi đây là trách nhiệm với xã hội và với các em.
Tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A, giảng viên Trường Đại học Luật TPHCM, cho rằng: “Việc trẻ em tham gia cuộc thi là một trải nghiệm có lợi, giúp gia tăng kinh nghiệm và thực hành năng lực cho các em. Vấn đề cốt yếu là sự đồng hành của cha mẹ.
Cha mẹ cho con tham gia chương trình với tâm thế và mục tiêu nào, trẻ có thực sự tự nguyện và được cam kết an toàn? Nếu vì giải thưởng, khi bé không đạt được sẽ tạo ra những bất ổn về tâm lý. Ngược lại, tập cho con tính dạn dĩ, trải nghiệm tình huống xã hội phong phú, vượt qua áp lực… là mục tiêu chính đáng. Giải thưởng khi đó chỉ là giá trị tăng thêm”.
Việt Cường
Ấn phẩm Vì trẻ em số 20