Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Vì trẻ em

Giám sát thực hiện Luật Trẻ em và những văn bản pháp luật liên quan đến trẻ em

Ngày 10/12, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức hội thảo “Đánh giá kết quả thực hiện năm 2018 và xây dựng kế hoạch năm 2019 dự án Bảo vệ và thúc đẩy quyền trẻ em tại Việt Nam”.

 

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh, sau Hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo vệ trẻ em tổ chức ngày 6/8/2018 vừa qua, công tác trẻ em được quan tâm nhiều hơn, có sự chuyển biến tích cực, chính quyền địa phương đã có bố trí cán bộ làm công tác trẻ em ở cấp xã, ở cơ sở, cũng quan tâm đầu tư, phân bổ ngân sách tăng từ 5 – 50%.

 

Kỷ luật tích cực trẻ em không cần phải dùng bạo lực.

 

Kế thừa những kết quả đã đạt được của năm 2018, cũng như xem xét những vấn đề về trẻ em cần quan tâm trong năm 2019, Thứ trưởng đề nghị Ban quản lý dự án và các đối tác cùng thực hiện Dự án quan tâm các nội dung chính. Thứ nhất, nâng cao năng lực trong việc xây dựng, theo dõi và giám sát thực hiện pháp luật, chính sách và các chương trình liên quan đến quyền trẻ em, nhất là việc triển khai Luật Trẻ em, các văn bản hướng dẫn Luật. Việc triển khai luật Trẻ em vào cuộc sống còn hạn chế, vẫn còn những vấn đề nóng về vi phạm quyền trẻ em do thầy cô giáo và học sinh đều không biết về quyền trẻ em. Cần quan tâm triển khai các chương trình đã được phê duyệt giai đoạn 2016 - 2020; và Đề án chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng và Đề án hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng giai đoạn 2018 – 2025.

Thứ hai, tăng cường triển khai các biện pháp an sinh xã hội nhằm giải quyết vấn đề nghèo đa chiều và trẻ em dễ bị tổn thương; tiếp tục triển khai thực hiện đề án “Đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn 2017 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030”. Đại diện Cục BTXH và Vụ Pháp chế cũng cần phối hợp với Cục TE để triển khai.

Thứ ba, tiếp tục nghiên cứu, xây dựng khung pháp lý, chính sách, tài liệu để hệ thống bảo vệ trẻ em vận hành tốt hơn, trong đó có dịch vụ tư pháp thân thiện với trẻ em và thúc đẩy phát triển nghề công tác xã hội. Nghiên cứu xây dựng Luật công tác xã hội, Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

Thứ tư, đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức; xây dựng Chiến lược truyền thông quốc gia về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em và tăng cường sự tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em hoặc có liên quan đến trẻ em.

Phát biểu về những khuyến nghị ưu tiên cho kế hoạch 2019, một trong 4 nội dung bà Lesley Miller nhấn mạnh chính là phòng chống bạo lực trẻ em. Theo bà Lesley Miller, bạo lực đối với trẻ em có thể xảy ra mọi nơi, ngay cả những nơi lẽ ra an toàn nhất đối với trẻ đó là gia đình và trường học. Vừa qua, nhiều vụ bạo hành trẻ em bị phát hiện và lên án. Điều này không có nghĩa ngày càng có nhiều vụ bạo hành trẻ em mà ngày càng có nhiều người hiểu là lên tiếng về những vụ bạo hành trẻ em. “Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực nghiêm túc để phòng, chống bạo lực trẻ em. Cần nâng cao nhận thức cho giáo viên về quyền trẻ em để kỷ luật học sinh không nhất thiết phải dùng bạo lực”, bà Lesley Miller nhấn mạnh.