Tuy nhiên vị thế của giáo viên lại có sự khác biệt đáng kể giữa các quốc gia. Việc đầu tư đúng mức vào đội ngũ nhà giáo không chỉ đáp ứng nhu cầu hiện tại mà còn xây dựng một hệ thống giáo dục bền vững, công bằng cho tương lai.
Các quốc gia có sự công nhận khác nhau về vai trò của giáo viên
Báo cáo từ Tổ chức Giáo viên Toàn cầu (Global Teacher) mới đây cho thấy, có sự khác biệt lớn trong việc tôn trọng và đánh giá vai trò của giáo viên giữa các quốc gia. Ở một số nước, giáo viên được xem như những người xây dựng tương lai và được đánh giá rất cao, trong khi ở những nước khác, vai trò này lại chưa được coi trọng đúng mức.
Theo khảo sát của Global Teacher, châu Á là khu vực dẫn đầu về mức độ tôn trọng giáo viên. Các quốc gia như Trung Quốc, Malaysia, Hàn Quốc, Singapore luôn đứng đầu bảng xếp hạng chỉ số vị thế giáo viên toàn cầu.
Ở những quốc gia này, giáo viên không chỉ được tôn trọng về mặt xã hội mà còn nhận được mức lương và chế độ đãi ngộ tương xứng với vai trò của họ trong xã hội. Giáo viên ở các quốc gia khác như Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp và Mỹ cũng được đánh giá cao.
Trong khi đó, ở một số quốc gia, giáo viên lại chưa được coi trọng đúng mức, dẫn đến mức lương thấp và điều kiện làm việc khó khăn. Điều này phần nào phản ánh những quan niệm xã hội về nghề giáo, khi ở nhiều quốc gia, giáo viên thường được so sánh với các nghề ít được đánh giá cao như thủ thư hoặc nhân viên xã hội.
Chính sự thiếu công nhận này đã ảnh hưởng tiêu cực đến động lực và hiệu quả giảng dạy.
Tại Brazil, giáo viên không chỉ phải đối mặt với lớp học đông đúc và chế độ đãi ngộ hạn chế, mà còn thiếu các nguồn tài nguyên giáo dục cơ bản. Những thách thức này làm giảm động lực và khả năng thu hút học sinh, khiến chất lượng giáo dục khó có thể cải thiện.
Báo động tình trạng thiếu giáo viên trên toàn cầu
Cùng với sự công nhận chưa tương xứng, thế giới cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt giáo viên nghiêm trọng. Theo các báo cáo từ Global Teacher và UNESCO, nếu không có những biện pháp kịp thời, mục tiêu phát triển bền vững và chương trình nghị sự giáo dục toàn cầu đến năm 2030 sẽ gặp phải nhiều rào cản.
Dự kiến đến năm 2030, toàn cầu sẽ thiếu khoảng 44 triệu giáo viên tiểu học và trung học. Tình trạng thiếu giáo viên không chỉ giới hạn ở các quốc gia đang phát triển, mà còn xảy ra ở các khu vực có thu nhập cao như châu Âu và Bắc Mỹ.
Dù có nguồn lực giáo dục phong phú, các khu vực này vẫn phải đối mặt với thách thức trong việc thu hút và giữ chân những giáo viên có trình độ và kinh nghiệm.
Đặc biệt, tình trạng giáo viên bỏ nghề sau 5 năm đầu tiên đã tăng đáng kể, từ 4,62% vào năm 2015 lên 9,06% vào năm 2022. Xu hướng này đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng và có thể đe dọa chất lượng giáo dục toàn cầu.
Theo UNESCO, tình trạng thiếu giáo viên dẫn đến các lớp học quá tải, tạo áp lực cho giáo viên và làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều học sinh không được tiếp xúc với giáo viên có trình độ và động lực giảng dạy tốt, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục của họ.
Những giải pháp toàn cầu cho vấn đề thiếu giáo viên
Từ tình trạng thiếu hụt giáo viên, UNESCO kêu gọi hợp tác quốc tế để giải quyết cuộc khủng hoảng giáo dục. Một trong những giải pháp quan trọng là tăng cường đầu tư cho giáo dục và cải thiện vị thế của giáo viên.
Để đảm bảo mọi trẻ em đều có cơ hội học tập với những giáo viên có trình độ, cần có nhiều chính sách hỗ trợ tốt hơn cho nghề giáo, từ việc tăng lương cho giáo viên đến việc tạo điều kiện làm việc thuận lợi hơn.
UNESCO cũng đề xuất các quốc gia cần đặt giáo viên vào trung tâm của mọi cải cách giáo dục. Việc đảm bảo giáo viên được tôn trọng, đãi ngộ công bằng và có cơ hội phát triển nghề nghiệp không chỉ là trách nhiệm của một quốc gia riêng lẻ mà là vấn đề toàn cầu. Đây là yếu tố then chốt để đảm bảo sự phát triển bền vững và công bằng cho mọi hệ thống giáo dục.
Nâng cao vị thế của giáo viên tại Việt Nam
Tại Việt Nam, giáo viên có vai trò và vị trí xã hội đặc biệt quan trọng. Dù chế độ đãi ngộ vẫn còn hạn chế nhưng truyền thống "tôn sư trọng đạo" vẫn luôn được người Việt gìn giữ và đề cao.
Theo Bộ GD&ĐT, Việt Nam hiện có khoảng 1,6 triệu nhà giáo, nhưng vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt giáo viên khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Trong năm học 2023-2024, ngành Giáo dục đã tuyển dụng được 19.474 giáo viên, tuy nhiên, số lượng học sinh tăng liên tục khiến cho số lớp học tăng, dẫn đến nhu cầu về giáo viên cũng tăng theo. Tình trạng giáo viên nghỉ việc cũng là một vấn đề lớn, đòi hỏi những biện pháp kịp thời.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ GD&ĐT đang nỗ lực hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật nhằm nâng cao vị thế của nhà giáo.
Các biện pháp bao gồm tạo hành lang pháp lý để ban hành chính sách đãi ngộ, tuyển dụng, sử dụng, quản lý, tôn vinh và khen thưởng giáo viên, cũng như trao quyền chủ động cho các cơ quan giáo dục trong việc tuyển dụng và bố trí giáo viên.
Ngoài ra, các chính sách đặc biệt hướng tới giáo viên ở các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú và ở các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn cũng đang được nghiên cứu và đề xuất. Những biện pháp này nhằm cải thiện chế độ lương, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà giáo ở những vùng khó khăn.
Luật Nhà giáo được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV, kỳ vọng sẽ là bước đột phá trong việc tạo hành lang pháp lý vững chắc để phát triển đội ngũ nhà giáo thời gian tới.
Xuân Quang
Ấn phẩm Vì trẻ em số 21