Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Vì trẻ em

Giáo dục thẩm mỹ hướng trẻ đến cái đẹp toàn diện

LĐXH
LĐXH

(VTE) - Giáo dục thẩm mỹ là một phần rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách và phát triển toàn diện của trẻ em.

Thông qua giáo dục thẩm mỹ, trẻ em hiểu được cái hay, cái đẹp của cuộc sống, từ đó có cách ứng xử tốt đẹp với gia đình và những người xung quanh. 

Phát triển nhân cách từ cái đẹp

Giáo dục thẩm mỹ hướng trẻ đến cái đẹp toàn diện - 1
Nguồn gốc của cái đẹp luôn bắt nguồn từ sự phong phú của đời sống tinh thần. 

Giáo dục thẩm mỹ cho trẻ em là cả một quá trình bền bỉ dài lâu của gia đình và nhà trường để giúp trẻ nhận ra cái đẹp, yêu thích cái đẹp, mong muốn tạo ra cái đẹp trong cuộc sống. Giáo dục thẩm mỹ có mối liên hệ mật thiết với việc giáo dục đạo đức, giáo dục trí tuệ và thể chất. 

Cha mẹ cùng thầy cô giáo hãy tạo cơ hội cho trẻ được tiếp cận cái đẹp một cách nhẹ nhàng và hiệu quả; Dạy trẻ thể hiện cái đẹp từ lời nói đến việc làm; Dạy trẻ yêu thiên nhiên, yêu con người qua hành vi ứng xử có văn hóa; Biết tự làm đẹp cho mình và mọi người xung quanh, từ đó định hình, phát triển nhân cách hướng tới cái đẹp.

Phát triển thẩm mỹ cho trẻ em là quá trình rèn luyện, hướng dẫn để trẻ nhận biết những điều tốt đẹp trong cuộc sống, bao gồm cả thẩm mỹ bên ngoài cũng như điều hay, ý đẹp trong giao tiếp, trong các mối quan hệ. 

Ngoài ra, việc phát triển thẩm mỹ còn giúp trẻ cảm nhận rõ vẻ đẹp bằng cảm xúc và thị giác, bắt đầu từ những hành động đơn giản ngày thường như sắp xếp bàn học ngăn nắp, cất đồ chơi đúng vị trí, để rác đúng nơi quy định…

Việc phát triển thẩm mỹ từ sớm sẽ mang đến cho trẻ rất nhiều lợi ích như: Giúp trẻ nảy sinh các cảm xúc đối với sự vật, hiện tượng xung quanh (biết khen cái đẹp, phê phán cái xấu…); Thể hiện cảm xúc đúng trong từng tình huống và hoàn cảnh cụ thể. Giáo dục thẩm mỹ sớm còn kích thích sự phát triển não bộ, giúp trẻ sẽ vận dụng tối đa năng lực sáng tạo. Điều này sẽ rất hữu ích khi trẻ học tập, nhất là trong nghệ thuật. 

Thẩm mỹ, thể chất, trí tuệ, đạo đức gắn liền với nhau, cho nên khi trẻ được giáo dục về thẩm mỹ cũng sẽ có bước tiến trong quá trình phát triển toàn diện các khía cạnh còn lại. Từ đó, trẻ được hình thành nhân cách tích cực, nhận biết cái đẹp trong cuộc sống như lòng vị tha, tình yêu, nhân ái; Biết phân biệt đúng - sai, tốt - xấu, sống tự tin và có thái độ chuẩn mực trong ứng xử.

Dạy trẻ biết cảm thụ và lĩnh hội cái đẹp 

Giáo dục thẩm mỹ hướng trẻ đến cái đẹp toàn diện - 2
Giáo dục thẩm mỹ từ nhỏ giúp trẻ yêu thích và mong muốn tạo ra cái đẹp.

Việc giáo dục thẩm mỹ cho trẻ rất quan trọng, vì thế, cha mẹ hãy giáo dục thẩm mỹ cho trẻ sớm nhất và đúng cách để trẻ có sự phát triển toàn diện, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.

Có nhiều cách giáo dục thẩm mỹ và mỗi trẻ sẽ phù hợp với một phương pháp khác nhau. Cha mẹ có thể tham khảo một số cách dưới đây để giáo dục thẩm mỹ cho con:

Quan sát và cảm thụ vẻ đẹp của thiên nhiên: Thiên nhiên và cuộc sống xung quanh luôn chứa đựng rất nhiều vẻ đẹp cùng những điều bất ngờ thú vị. Trẻ càng nhìn được nhiều màu sắc của thiên nhiên, càng nghe được nhiều âm thanh sống động của cuộc sống thì cảm giác và tri giác càng trở nên nhạy bén, tinh tế. Khi được tiếp xúc với thiên nhiên (cỏ cây, hoa, lá, các con vật...), trẻ sẽ cảm nhận cái đẹp ở xung quanh, từ đó khơi nguồn cảm hứng cũng như đánh thức tri giác.

Để dạy trẻ cảm thụ vẻ đẹp thiên nhiên, cha mẹ có thể cho con vui chơi trong vườn, về quê hay đi tham quan... Khi cảm nhận được vẻ đẹp thiên nhiên, trẻ sẽ biết cách giữ gìn, bảo vệ môi trường và những thứ xung quanh.

Cảm nhận cái đẹp trong mối quan hệ với mọi người: Cha mẹ dạy trẻ lối cư xử lễ phép, hòa nhã, biết cảm ơn khi được giúp đỡ, biết xin lỗi trong trường hợp nào. Thông qua đó, trẻ sẽ có thái độ tôn trọng, lễ phép với người lớn, biết cư xử phải phép và yêu thương mọi người xung quanh. Khi những điều hay lẽ phải được dạy bảo hằng ngày và lặp đi lặp lại, dần dần sẽ hình thành thói quen và nhân cách tốt trong trẻ.

Cảm nhận cái đẹp qua các sự vật: Trẻ nhỏ thường rất thích đồ vật, đồ chơi có màu sắc sặc sỡ, phát ra âm thanh hoặc có thể chuyển động. Do đó, phụ huynh cần giúp trẻ biết cách quan sát, phát hiện được vẻ đẹp của các đồ vật.

Đồng thời, cha mẹ dạy trẻ các quy tắc ứng xử đúng với những đồ vật xung quanh mình như giáo dục trẻ biết sắp xếp, trang trí phòng học, phòng chơi, phụ giúp việc nhà, chăm sóc cây cối, động vật... 

Làm quen với nghệ thuật: Nghệ thuật là một phương tiện hữu hiệu để giáo dục thẩm mỹ cho trẻ. Thông qua việc quan sát các tác phẩm nghệ thuật, trẻ nhận ra vẻ đẹp của cuộc sống. Cha mẹ nên lựa chọn các tác phẩm nghệ thuật phù hợp với nhận thức, tâm lý của trẻ.

Sau đó, hướng dẫn trẻ cảm thụ tính thẩm mỹ ở mỗi tác phẩm. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động nghệ thuật như kể chuyện, đọc thơ, đóng kịch, múa, hát, vẽ tranh...

Thùy Dương

Ấn phẩm Vì trẻ em số 16