Hàng hóa bị tẩy chay vì có sử dụng lao động trẻ em
Việt Nam đã tham gia, phê duyệt các điều ước quốc tế nhằm đảm bảo thực hiện quyền trẻ em. Đồng thời ban hành hệ thống pháp luật và chính sách nhằm đảm bảo hiện thực hóa quyền của trẻ em, đặc biệt là phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em. Nhiều dự án mô hình liên quan đến phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em đã được triển khai.
Trẻ em được biết về quyền trẻ em để tránh phải lao động sớm.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp, phòng ngừa, giảm thiểu và tiến tới chấm dứt lao động trẻ em gặp những thách thức mà trước hết là nhận thức của chính trẻ em, gia đình, cộng đồng và của cả chính người sử dụng lao động. Khi Việt Nam hội nhập kinh tế toàn cầu, tham gia các hiệp định thương mại thì các cam kết về tiêu chuẩn lao động về giảm thiểu và tiến tới chấm dứt sử dụng lao động trẻ em ngày càng quan trọng. Theo ILO, trong quá trình sản xuất các hàng hóa và dịch vụ có tính toàn cầu, có thể nhiều trẻ em phải tham gia vào lao động sản xuất. Lao động trẻ em thường diễn ra ở các xưởng sản xuất nhỏ hoặc tại hộ gia đình khiến cho việc xác định và can thiệp rất khó khăn.
Cục trưởng Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) Đặng Hoa Nam cho biết, tới đây, Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác thực thi các hiệp định kinh tế quốc tế thì vấn đề lao động trẻ em sẽ được quan tâm một cách đặc biệt. Các điều khoản về tiêu chuẩn lao động trẻ em trong chuỗi cung ứng hàng hóa đều có mặt trong tất cả các hiệp định quốc tế như hiệp định TPP, hiệp định với Liên minh Châu Âu, một số nước Đông Âu… Chuỗi cung ứng hàng hóa là khái niệm rất rộng, không chỉ bao hàm một quy trình sản xuất mà xét trong tổng thể lớn hơn, gồm cả các khâu khai thác nguyên, nhiên liệu đến cung ứng Việt Nam phải đối mặt với tình trạng, sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sẽ khó có “cửa” vào các thị trường tiêu thụ lớn của thế giới.
Các nước trên thế giới đã thực thi rất nghiêm túc các điều khoản này. Tại Thụy Sỹ, một số công ty sản xuất sôcôla nổi tiếng bị cáo buộc sử dụng lao động trẻ em do lấy nguồn nguyên liệu tại các đồn điền trồng ca cao có sử dụng lao động trẻ em. Một số công ty sản xuất mỹ phẩm nổi tiếng châu Âu cũng đang vướng vào cáo buộc này do sử dụng các vỏ sò, vỏ ốc do trẻ em Ấn Độ nhặt để sản xuất lớp nhũ trong sơn móng tay.
Truyền thông để xóa bỏ lao động trẻ em
Bộ LĐ-TB&XH đã chọn Hà Nội là một trong 3 địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai thí điểm dự án Hỗ trợ kỹ thuật tăng cường năng lực quốc gia phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em do Chính phủ Mỹ tài trợ thông qua Tổ chức Lao động thế giới (ILO) tại Việt Nam.
Bà Đỗ Thị Hải Đường cho biết, Hà Nội là địa phương có nhiều làng nghề nhất cả nước với 1.350 làng nghề. Đây là khu vực vừa cung cấp nguồn nguyên vật liệu cho các ngành sản xuất công nghiệp vừa có nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ tinh xảo và đặc sắc, có nhiều tiềm năng xuất khẩu. Tuy nhiên, làng nghề có nhiều công việc dành cho lao động nhàn rỗi, trong đó có những công việc vừa sức, phù hợp với sức khỏe, độ tuổi và thời gian của trẻ em. Theo khảo sát tại huyện Thường Tín của ILO cho thấy, có nguy cơ trẻ em và người chưa thành niên tham gia lao động và một số lao động trẻ em, người chưa thành niên. Chủ yếu lao động trẻ em và người chưa thành niên tập trung ở độ tuổi 15 – 17 tuổi. Hầu hết các em đang đi học, các em nghỉ học là do học kém nên không muốn đi học nữa.
Triển khai dự án, Hà Nội thực hiện tại 21 xã của 4 huyện là Thạch Thất, Hoài Đức, Chương Mỹ và Gia Lâm với khoảng 300 làng nghề. Đây là một bước tiến mới trong việc phòng ngừa lao động trẻ em bởi dự án giải quyết ngăn chặn được từ gốc của vấn đề. Một trong những hoạt động được Hà Nội tập trung nhằm nâng cao nhận thức phòng chống lao động trẻ em là đẩy mạnh truyền thông. Các hoạt động tập huấn, truyền thông được thiết kế những nội dung khác nhau phù hợp với từng nhóm đối tượng theo những cách thức, năng lực riêng.
Với nhóm trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em tập trung tập huấn về quyền trẻ em, giá trị của giáo dục và đời sống tương lai, về ảnh hưởng của lao động sớm, về kỹ năng sống và hướng dẫn, khuyến khích các em tìm sự trợ giúp từ chính quyền địa phương, các tổ chức có liên quan khi các em bị lạm dụng. Ngoài ra còn tổ chức tập huấn cho cán bộ các cán bộ, cộng tác viên và gia đình các em về quyền trẻ em, hậu quả của lao động trẻ em cũng như cách thức để giúp các em thoát ra khỏi công việc nặng nhọc độc hại.