Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Vì trẻ em

Hành trang trước ngưỡng cửa trưởng thành

LĐXH
LĐXH

(VTE) - Giáo dục giới tính ở độ tuổi THCS đang trở thành một nội dung cần thiết trong chương trình học, nhằm trang bị cho học sinh kiến thức cơ bản về sự phát triển tâm lý, sức khỏe sinh sản.

Giáo dục giới tính cho độ tuổi này không chỉ là kiến thức sinh học, mà còn là những kỹ năng cần thiết giúp các em bước vào tuổi trưởng thành một cách an toàn, lành mạnh.

Hành trang trước ngưỡng cửa trưởng thành - 1
Tuyên truyền giáo dục giới tính cho các em học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (Bình Phước). (Ảnh: Ngọc Cương).

Giai đoạn THCS đánh dấu bước chuyển từ trẻ em sang tuổi vị thành niên. Nếu không có những kiến thức đầy đủ và đúng đắn về giới tính, học sinh độ tuổi này có thể rơi vào những tình huống không mong muốn.

Theo các chuyên gia, giáo dục giới tính đúng thời điểm không chỉ giúp các em hiểu rõ hơn về sự phát triển cơ thể mà còn góp phần nâng cao nhận thức, định hình nhân cách và hành vi có trách nhiệm trong tương lai.

Nhà trường không chỉ là nơi cung cấp kiến thức mà còn phải tạo điều kiện cho học sinh được thảo luận, chia sẻ và thực hành các kỹ năng sống cần thiết. Giáo dục giới tính cần được đưa vào chương trình học một cách hệ thống và khoa học, với sự tham gia của các chuyên gia y tế, giáo viên và các tổ chức xã hội. 

Từ thực tiễn, các chuyên gia tâm lý đã tổng hợp một số biện pháp để giáo dục giới tính học sinh bậc THCS hiệu quả. 

Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên

Đội ngũ giáo viên đóng vai trò then chốt trong việc truyền đạt kiến thức và hình thành nhận thức đúng đắn về giới tính cho học sinh.

Hằng năm, các trường THCS cần có kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên, định kỳ cho đội ngũ giáo viên tham gia giảng dạy giáo dục giới tính, nhằm trang bị kiến thức khoa học, cập nhật về các vấn đề liên quan đến giới tính, sức khỏe sinh sản và các khía cạnh xã hội của giới tính. Điều này giúp giáo viên có thể truyền đạt thông tin chính xác và phù hợp với từng độ tuổi của học sinh.

Lồng ghép các nội dung giáo dục giới tính trong học chính khóa

Hành trang trước ngưỡng cửa trưởng thành - 2
Giáo dục giới tính với trang thiết bị, tài liệu phong phú, sáng tạo.

Nhà trường nên chú trọng lồng ghép các nội dung giáo dục giới tính trong học chính khóa thông qua việc tăng cường áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực và tăng thời gian cho các nội dung này với các môn sinh học, địa lí, giáo dục công dân.

Khi tăng thêm thời lượng cho các môn sinh học, địa lí, giáo dục công dân, nhà trường cần có kế hoạch cụ thể và nói rõ quy chế giảng dạy, thời gian tăng thêm được sử dụng thế nào.

Giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản là những vấn đề rất nhạy cảm, khó trình bày trước đông người nên các phương pháp giảng dạy tích cực (theo nhóm, trò chuyện, trao đổi giải quyết vấn đề...) có hiệu quả trong vấn đề này. 

Chú trọng hoạt động ngoại khóa về giáo dục giới tính

Ngại đề cập, chia sẻ một cách trực tiếp những vấn đề nhạy cảm như tình dục, sức khỏe sinh sản, mang thai... cho học sinh vẫn là một trở ngại của các trường THCS hiện nay. Đây là một đặc điểm của văn hóa phương Đông, chứ không phải giáo viên hay nhà trường không ủng hộ việc giáo dục giới tính cho học sinh.

Trong điều kiện thời gian học chính khóa hạn hẹp và tùy thuộc vào khả năng tích hợp lồng ghép của mỗi giáo viên nên các hoạt động ngoại khóa sẽ rất phù hợp để giáo dục giới tính cho học sinh. Các hình thức ngoại khóa phong phú, sinh động sẽ tạo ra sự chủ động, tích cực của người học.

Các hình thức này vừa là sự nối tiếp của chính  khóa, vừa là sự nâng cao các kiến thức thu được trong chính khóa. Mặt khác, các hoạt động ngoại khóa dễ dàng đáp ứng nhu cầu của mỗi nhóm đối tượng nên dễ thu hút học sinh. Do đó, nhà trường cần lựa chọn hình thức hoạt động ngoại khóa phù hợp và cần coi các hình thức này như là các hình thức bắt buộc.

Các hoạt động ngoại khóa cần được quản lý chặt chẽ như học chính khóa và vẫn cần sự hướng dẫn của giáo viên các môn học có liên quan cũng như sự cộng tác của các tổ chức  khác trong nhà trường.

Nâng cao hiệu quả tư vấn lý học đường 

Qua thực tế cho thấy, giáo dục giới tính không chỉ là những vấn đề được giảng dạy trên lớp, càng không phải chỉ là nói giáo lý. Học sinh cần được giáo dục thông qua tư vấn với những kiến thức đầy đủ, đúng đắn và với lời khuyên kịp thời, dễ chấp nhận, từ đó xác định đúng thái độ và có quyết định phù hợp với từng hoàn cảnh.

Vì vậy, các trường học cần thành lập và nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ tư vấn tâm tư vấn lý học đường. Thành viên tổ tư vấn phải là những người có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn, thường xuyên được bồi dưỡng kiến thức về giới tính.

Đặc biệt, thành viên tổ tư vấn phải có uy tín với học sinh, am hiểu về tâm lý lứa tuổi để các em có thể tin tưởng tìm đến chia sẻ những vấn đề thầm kín, riêng tư khi gặp vướng mắc, khó khăn.

Đầu tư cơ sở vật chất phục vụ giáo dục giới tính 

Các trường cần bố trí phòng tư vấn tâm lý đảm bảo tính riêng tư, kín đáo, dễ tiếp cận. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu, học liệu của phòng tư vấn tâm lý phải phù hợp để tổ chức hoạt động tư vấn hiệu quả.

Tăng cường phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội 

Tham gia giáo dục giới tính cho học sinh không chỉ có giáo viên mà còn rất nhiều lực lượng trong và ngoài nhà trường. Lực lượng giáo dục trong nhà trường gồm: Công đoàn, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh…

Lực lượng giáo dục ngoài nhà trường gồm: Gia đình, chính quyền địa phương, công an, phụ nữ, y tế, Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ... Nhà trường cần huy động sức mạnh tổng hợp của tất cả các lực lượng vào công tác giáo dục giới tính cho học sinh, đặc biệt là các em học sinh độ tuổi THCS.

TS Tâm lý học Nguyễn Thị Chính (Viện Tâm lý học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam):

“Để giải quyết được câu chuyện giáo dục giới tính trong trường học, cần đi từ hệ thống chính sách, chương trình của Nhà nước. Bộ GD&ĐT yêu cầu sự phối hợp từ phía nhà trường trong việc đưa nội dung giáo dục giới tính vào giảng dạy chính thức.

Cùng với đó là các văn bản hướng dẫn, lộ trình đào tạo chi tiết cho giáo viên. Đó là sự thay đổi mang tính hệ thống. Còn từ phía giáo viên và phụ huynh có thể linh hoạt lên kế hoạch bổ sung nội dung giáo dục giới tính vào các hoạt động trải nghiệm của trường với nhiều hình thức sáng tạo, cách làm phong phú, đổi mới.

Nội dung sao cho học sinh có thể hứng thú đón nhận và thay đổi nhận thức đã là thành công bước đầu”.

Thanh Ngọc

Ấn phẩm Vì trẻ em số 19