Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Vì trẻ em

Hành trình chinh phục học bổng của cô gái nghèo Khơ Mú

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Có hoàn cảnh đặc biệt, mẹ vướng vòng lao lý, nhà thuộc hộ nghèo, bố phải về quê nội làm thuê cuốc mướn, nhưng nữ sinh Ốc Thị Quỳnh Anh đã nỗ lực giành học bổng trị giá khoảng 1 tỷ đồng.

Vượt khó để chinh phục giấc mơ giảng đường

Quỳnh Anh sinh năm 2004 tại một bản làng thuộc huyện rẻo cao Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Gia đình Quỳnh Anh thuộc diện hộ nghèo, mẹ là người dân tộc Khơ Mú, bà ngoại là người dân tộc Thái.

nu4.jpg
Quỳnh Anh tại Dự án “Sách này là để xây trường”.

Quỳnh Anh kể, gia đình em rất nghèo, bữa ăn thường chỉ có cơm trắng, rau rừng, muối lạc, thỉnh thoảng mới có thịt. Năm lên 4 tuổi, Quỳnh Anh rời xa vòng tay gia đình để xuống TP Vinh sống với cô ruột. Học kỳ 2 năm lớp 9, em quay trở lại học tập tại Tương Dương cùng gia đình và đấy cũng là khoảng thời gian nhiều biến cố nhất khiến gia đình em suy sụp. "Trưa một ngày tháng 4/2021, có hai người đàn ông lạ mặt đến nhà dẫn mẹ đi vì "có chút chuyện". Em sợ hãi, khóc không thành tiếng, bố đang đi làm thuê cũng tất tả chạy về. Không ngờ đấy là chuyến đi dài của mẹ, kéo dài 11 năm", Quỳnh Anh bần thần nhớ lại.

Gia đình phải bán nhà, bố và hai em trai về quê nội ở huyện Đô Lương đi làm thuê, Quỳnh Anh ở lại  ký túc xá của trường thuộc huyện miền núi xa xôi. Dù sống trong điều kiện thiếu thốn, cô đơn, nhưng mọi trở ngại không khiến em từ bỏ học tập. Quỳnh Anh cho biết: “Có những thời điểm, cứ đêm xuống là em lại khóc và muốn bỏ học, đi làm phụ giúp gia đình. Tuy nhiên, được ông bà ngoại động viên và nói rằng “ông còn sống, sẽ lo cho con ăn học tử tế”. Toàn bộ số tiền lương 2 triệu đồng mỗi tháng của ông đều dành hết cho em. Đó là động lực, ánh sáng để em cố gắng mỗi ngày. Xung quanh em, bạn bè đồng trang lứa đều lấy chồng sinh con, nhiều người khuyên em đừng suy nghĩ viển vông nữa. Thế nhưng, em không muốn lặp lại vòng luẩn quẩn lấy chồng, sinh con, đói nghèo… Những năm học cấp 3 trường huyện, em đi thi học sinh giỏi nhiều môn, đoạt giải 3 kỳ thi học sinh giỏi Văn cấp tỉnh và được bình chọn là học sinh “3 tốt” cấp tỉnh”. 

Với những thành tích đó, Quỳnh Anh đã đỗ xét tuyển sớm Khoa ngôn ngữ Anh, Trường Đại học Hà Nội. Đó là kỳ tích đối với học sinh miền núi có hoàn cảnh như em. 

Từ bản làng xa xôi em được đặt chân đến Hà Nội, giấc mơ của em đã thành hiện thực. Là sinh viên dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo nên em được miễn giảm 100% học phí, thế nhưng số tiền sinh hoạt phí là bài toán khó đối với em. Chân ướt chân ráo ra Thủ đô, em tìm đến các trung tâm đăng ký dạy gia sư, bán hàng vào tất cả các khung giờ trống trong tuần. Nhưng niềm vui “ngắn chẳng tày gang”, khó khăn lại chồng chất khi em nhận tin ông ngoại, chỗ dựa duy nhất đã qua đời. Quỳnh Anh quyết định bảo lưu kết quả và tìm kiếm các khóa học bổng. Dám ước mơ, không từ bỏ, tinh thần này đã giúp Quỳnh Anh chinh phục được nhiều học bổng, trong đó có học bổng “Trái tim sư tử” của Trường Đại học Anh quốc Việt Nam năm 2024 trị giá khoảng 1 tỷ đồng.

Chạm vào vinh quang

nu2.jpg
Cô gái dân tộc Khơ Mú xuất sắc nhận học bổng Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV)

"Tôi vừa đi thăm mẹ từ nhà tù về", câu đầu tiên trong bài luận gửi đến ứng tuyển học bổng "Trái tim sư tử" của Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV), Ốc Thị Quỳnh Anh đã viết như vậy. 

Không theo bất cứ khuôn mẫu nào, Quỳnh Anh đã kể về những biến cố trong cuộc đời mình. Bằng sự chân thành thẳm sâu tận đáy lòng, câu chuyện của em đã chạm đến trái tim của Ban tổ chức. “Em đã bỏ qua mặc cảm, viết lên những trải nghiệm và cách vượt qua thực tế của hoàn cảnh. Có những thời điểm viết đi viết lại một bài luận, em mệt đến mức muốn bỏ cuộc. Có những giai đoạn thức đêm liên tiếp khiến bản thân muốn kiệt sức. Và em cũng biết ơn chính mình vì đã không bỏ cuộc. Có lẽ điều em thuyết phục được ban tuyển sinh của nhà trường để giành học bổng này là sự chân thành và những ước mơ em mong muốn được mang đến cho xã hội. Em đã tham gia dự án "Nuôi em" - một trong những dự án thiện nguyện được nhiều bạn trẻ tham gia. Em ước mơ trở thành diễn giả để truyền cảm hứng cho các bạn trẻ người dân tộc thiểu số, mong các bạn dù có tiền hay không đều dám thực hiện ước mơ. Có câu nói em từng rất thích và hay nói với nhiều trẻ em khi tham gia các hoạt động cộng đồng: “Đừng bao giờ vin vào sự nghèo khổ, bởi cái nghèo, cái khổ không đáng là lý do để các em bỏ học hoặc từ bỏ ước mơ”. Em đã đưa tất cả những điều này vào bài luận để xin học bổng", Quỳnh Anh chia sẻ.

nu3.jpg
Quỳnh Anh tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện và cộng đồng.

Trên hành trình mà sinh viên Ốc Thị Quỳnh Anh đã và đang đi, có thể có những phút giây cô đơn, những thiệt thòi khó chia sẻ, nhưng chắc chắn không cô độc. Quỳnh Anh nhận được rất nhiều yêu thương từ mọi người và nguyện trao yêu thương đến tất cả những số phận kém may mắn hơn. Quỳnh Anh chia sẻ: “Em may mắn khi nhận được sự giúp đỡ của mọi người, như suất học bổng hằng tháng của “Khù khờ học” do nghệ sĩ Lê Cát Trọng Lý trao tặng; chiếc laptop cũ từ chương trình “Được học” thuộc dự án Nuôi em. Em hiểu rằng, con đường học tập, thoát nghèo của các em nhỏ vùng cao vô cùng khó khăn. Em muốn qua câu chuyện của mình sẽ làm động lực cho các em, các bạn vượt qua nghịch cảnh có niềm tin, cố gắng sẽ chiến thắng”.

Nói về dự định sắp tới, Quỳnh Anh cho biết: “Em sẽ theo học chuyên ngành Quản trị marketing của Trường Đại học Anh quốc Việt Nam. Đây là ngành học thu hút nhiều bạn trẻ khi đăng ký tuyển sinh bởi tính chất năng động. Ngành học này giúp em học hỏi và khám phá được nhiều điều.

Đáp đền những yêu thương mình nhận được, Quỳnh Anh đã “trao lại” bao tình cảm chân thành dành cho các em nhỏ vùng cao. Quỳnh Anh là tình nguyện viên của Dự án “Sách này là để xây trường” - xin sách cũ và bán sách để góp quỹ xây trường cho các em nhỏ vùng cao. Đồng thời, là một trong những thành viên tích cực của nhóm tình nguyện Niềm tin với nhiều hoạt động thiết thực như dự án Nuôi em, xây trường cho trẻ vùng cao, hỗ trợ máy tính cho sinh viên nghèo… “Hơn ai hết, em hiểu rằng con đường học tập, thoát nghèo, hoàn thiện bản thân của các em nhỏ vùng cao vô cùng khó khăn. Nếu không làm được, các em sẽ phải ở lại với những thiệt thòi, những định kiến giới. Em muốn làm hết sức mình giúp các em nhỏ được đi học, được tiếp cận với tri thức, được chạm tay vào những cơ hội tốt để có được một tương lai tốt. Đây cũng chính là nguyện vọng lâu dài mà em hướng đến”, Quỳnh Anh nói.

Đào Thọ

Báo Lao động và Xã hội số 96