Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Vì trẻ em

Hiểm họa từ pháo tự chế

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Mặc dù có nhiều cảnh báo nguy hiểm khi tự chế pháo nổ tại nhà, các cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo nhưng tai nạn do chế tạo, sử dụng pháo tự chế vẫn xảy ra.

Ngày 14/11, anh N.T.A. (27 tuổi, ở phường Quang Trung, TP Hà Giang, tỉnh Hà Giang) mua vật liệu về nhà rồi tự chế pháo. Trong quá trình tự chế, quả pháo bất ngờ phát nổ khiến anh N.T.A. trọng thương, được đưa đi cấp cứu. Tuy nhiên, do vết thương quá nặng, tối cùng ngày, anh đã tử vong tại bệnh viện.

Trước đó, ngày 13/11, tại Bắc Giang cũng xảy ra vụ nổ lớn làm 1 người chết. Vụ tai nạn khiến anh B.V.C. (SN 1991, trú tại thôn Đồng Mận, xã Vô Tranh, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) tử vong. Nhà ở của anh C. bị bay hoàn toàn, chỉ còn lại bức tường. Theo người dân địa phương, có rất nhiều tiếng nổ lớn, khiến mọi người hoảng sợ, nghi vấn nổ do thuốc pháo.

Hiểm họa từ pháo tự chế - 1
 Tang vật các vụ tự chế tạo pháo nổ trái phép.

Trước đó tại thị trấn Đak Đoa (tỉnh Gia Lai), em N.A.V., học sinh lớp 10, cùng em trai là N.A.K.và P.A.K. (học lớp 6) rủ nhau chế tạo pháo bằng thuốc nổ đen. Tai nạn đã xảy ra khi V. nhồi thuốc nổ vào các cuộn giấy và đốt. Vụ nổ khiến N.A.V. bị thương nghiêm trọng ở bàn tay trái, cổ và gối trái, P.A.K. bị thương nhẹ ở mặt. 

Đại tá, PGS, TS Đào Hữu Dân, giảng viên Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy (Bộ Công an) cho biết, việc tự chế tạo pháo nổ gây những hệ lụy không thể lường trước được, là tiếng chuông cảnh báo cho các đơn vị quản lý và là hành vi vi phạm pháp luật.

"Điều nguy hiểm nhất là trong quá trình thực hiện chế pháo, ví như trong quá trình trộn các hóa chất với nhau để tạo ra thuốc nổ thì một va chạm mạnh hay ma sát là lập tức phát cháy sẽ tạo ra vụ nổ, gây hệ lụy kinh khủng", ông Dân cảnh báo.

ThS, BS Lưu Danh Huy, Phó Trưởng khoa phẫu thuật chi trên và y học thể thao (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức Hà Nội) cho biết, đa phần các ca tai nạn do sử dụng pháo tự chế đều phải phẫu thuật trong tình trạng cấp cứu do vết thương bẩn, nguy cơ nhiễm trùng cao.

Hầu hết trường hợp đều có vết thương bàn tay, tỷ lệ cụt ngón bàn tay rất cao. Ngoài ra còn gây các tổn thương như phần mềm, da, gân, ngón tay và thần kinh. Đặc biệt ở những người trẻ tuổi, tổn thương ở tay thuận sẽ ảnh hưởng chức năng sinh hoạt, lao động và để lại di chứng cả cuộc đời. 

Theo Điều 5 Nghị định 137 về quản lý, sử dụng pháo quy định nghiêm cấm các hành vi như nghiên cứu, chế tạo, sản xuất pháo nổ, trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ theo quy định. Cấm hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện cách thức chế tạo, sản xuất,  sử dụng trái phép pháo dưới mọi hình thức.

Việc đăng tải các clip hướng dẫn người khác tự chế pháo nổ cũng là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Nghị định 137 về quản lý, sử dụng pháo, do đó hành vi này có thể bị xử phạt từ 10 - 20 triệu đồng.

Hòa Cù

Báo Lao động và Xã hội số 142