Tuy nhiên, sự thân thiện này cũng đặt ra thách thức trong việc duy trì kỷ luật và tôn trọng lẫn nhau.
Chị Ngọc Lan, phụ huynh của một học sinh lớp 10 tại một trường tư thục, ngạc nhiên khi biết cô giáo chủ nhiệm không chỉ lập nhóm Zalo chung với phụ huynh mà còn tạo thêm một nhóm Messenger cho cô và học sinh trong lớp. Điều này giúp các học sinh, đặc biệt là những bạn chưa có điện thoại riêng, dễ dàng kết nối với giáo viên qua mạng xã hội.
Chị Ngọc Lan càng ngạc nhiên hơn khi được con gái cho đọc nội dung các cuộc trò chuyện của học sinh với cô chủ nhiệm trên nhóm. Khi nói chuyện với phụ huynh, giọng điệu cô rất nghiêm túc, còn khi nói chuyện với học sinh, cô trẻ trung hơn, gần gũi như một người bạn. Cô vẫn xưng “cô” nhưng gọi học sinh là “bạn” thay vì “con”.
Ngoài các trao đổi các vấn đề liên quan đến học tập, cô giáo trẻ (hơn học sinh 9 tuổi) và các học sinh còn thường xuyên trao đổi về cách ứng xử trong cuộc sống, các vấn đề vui chơi, giải trí, các xu hướng trên mạng xã hội… Nhiều học sinh đã mạnh dạn chia sẻ các khúc mắc cá nhân và nhờ cô giáo tư vấn, hướng nghiệp.
Vì sao teen coi giáo viên trẻ như bạn?
Có nhiều lý do khiến học sinh tuổi teen ngày nay coi thầy cô giáo trẻ như một người bạn. Trước hết là khoảng cách tuổi tác giữa giáo viên trẻ và học sinh rất gần. Một số giáo viên trẻ chỉ hơn học sinh 5-7 tuổi, có khi bằng tuổi anh chị trong gia đình của các em. Điều này giúp tạo ra sự gần gũi tự nhiên, khiến học sinh dễ kết nối hơn.
Các thầy cô trẻ thường có phong cách giảng dạy hiện đại, thân thiện và khuyến khích trao đổi hai chiều. Điều này giúp học sinh cảm thấy được tôn trọng và thích chia sẻ hơn.
Bản thân những giáo viên trẻ không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn chủ động xây dựng mối quan hệ cởi mở với học sinh. Khi thầy cô hiểu rõ tâm lý và nhu cầu của học sinh, từ đó hỗ trợ các em tốt hơn trong học tập cũng như cuộc sống.
Không chỉ vậy, giáo viên trẻ và học sinh tuổi teen còn có những mối quan tâm chung về văn hóa, xã hội. Cả hai đều dễ dàng tìm thấy những chủ đề chung để thảo luận và chia sẻ, từ các xu hướng âm nhạc, thời trang, đến các xu hướng trên mạng xã hội. Điều này khiến mối quan hệ thầy trò ngày càng trở nên thân thiết.
Kết bạn với giáo viên trẻ, teen cần lưu ý điều gì?
Tuy nhiên, việc thầy trò gần gũi quá mức có thể dẫn đến những thách thức trong việc duy trì sự tôn trọng và kỷ luật trong lớp học, vì học sinh có thể dễ dàng vượt qua ranh giới giữa bạn bè và giáo viên.
Mặc dù mối quan hệ thân thiết có thể tạo ra môi trường học tập cởi mở, nhưng học sinh cần hiểu rõ rằng, giáo viên vẫn giữ vai trò người hướng dẫn, không phải là bạn thân hoàn toàn. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, học sinh phải tôn trọng giáo viên, đặc biệt là trong các vấn đề học tập và kỷ luật.
Giao tiếp giữa học sinh và giáo viên cần cẩn trọng, nhất là trên các nền tảng mạng xã hội. Học sinh không nên nhắn tin, gọi điện, hoặc gặp gỡ giáo viên ngoài giờ học nếu không có lý do chính đáng.
Học sinh không nên tận dụng mối quan hệ thân thiết với giáo viên để xin điểm hoặc yêu cầu được ưu tiên trong học tập. Điều này có thể khiến cả hai bên cảm thấy khó xử và ảnh hưởng đến sự công bằng.
Khi học sinh và giáo viên trẻ thân thiết, có thể thầy cô sẽ chia sẻ với các em một số vấn đề trong cuộc sống. Học sinh cần giữ bí mật và không tiết lộ thông tin này với người khác. Mối quan hệ thầy trò thân thiết cần được dựa trên sự tôn trọng và trách nhiệm.
Nếu teen gặp khó khăn trong học tập hay cuộc sống và cần lời khuyên, các em có thể tìm đến giáo viên để chia sẻ. Tuy nhiên, teen chỉ nên đề cập những vấn đề thực sự cần thiết, tránh những câu chuyện không phù hợp hoặc quá riêng tư.
Teen nên nhắn tin cho thầy cô trong nhóm chung của cả lớp, hạn chế nhắn tin riêng. Việc gặp gỡ riêng ngoài giờ học lại càng nên hạn chế, nhất là với thầy cô giáo là người khác giới để tránh những hiểu lầm không đáng có.
Mặc dù, nhiều bạn tuổi teen coi thầy cô trẻ như một người bạn thân thiết, tuy nhiên, không nên để mối quan hệ trở thành sự lệ thuộc. Teen cần giữ sự tự lập, không nên xem giáo viên như người bạn duy nhất để chia sẻ mọi khó khăn. Điều này có thể khiến giáo viên cảm thấy áp lực và làm mất đi sự cân bằng trong mối quan hệ.
Không ai cấm học sinh kết bạn với giáo viên, tuy nhiên, các em cần tôn trọng vai trò của người thầy và không nên vượt quá giới hạn. Một mối quan hệ thầy - trò cởi mở, thân thiện không chỉ giúp học sinh cảm thấy gần gũi, thoải mái hơn khi học tập, mà còn thúc đẩy sự kết nối giữa thầy và trò.
Tuy nhiên, việc giữ vững sự tôn trọng và kỷ luật là rất quan trọng để mối quan hệ này không trở thành sự lệ thuộc hay vượt qua những làn ranh cần thiết.
Thanh Huyền
Ấn phẩm Vì trẻ em số 21