Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Vì trẻ em

Khi trẻ em nghiện thiết bị điện tử

LĐXH
LĐXH

(VTE) - Bên cạnh những tác động tích cực như phục vụ học tập và tìm kiếm thông tin, giải trí…, sử dụng các thiết bị điện tử sớm gây nhiều hệ lụy xấu đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ em.

Theo báo cáo Digital Việt Nam 2024 của Datareportal, tính đến đầu năm 2024, có 78,44 triệu người sử dụng Internet tại Việt Nam, tỉ lệ tiếp cận đạt 79,1%. Việt Nam có 72,7 triệu người sử dụng mạng xã hội, tương đương với 73,3% tổng dân số.  

Theo số liệu mới nhất của Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH, hiện nay có tới 89% trẻ em truy cập và sử dụng Internet mỗi ngày, thời gian 5 - 7 tiếng/ngày. 

Độ tuổi trung bình trẻ em Việt Nam sở hữu điện thoại di động là 9, trên thế giới là 13. Nghĩa là trẻ em nước ta có điện thoại sớm hơn 4 năm so với trẻ em trên thế giới (khảo sát của Google thực hiện năm 2022).

Khi trẻ em nghiện thiết bị điện tử - 1
82% trẻ em Việt Nam từ 12 - 13 tuổi sử dụng Internet hằng ngày, con số này ở lứa tuổi 14 - 15 là 93%.

Nhiều quốc gia cấm học sinh sử dụng điện thoại 

Ngày 27/8/2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Pháp cho biết nước này sẽ thí điểm thực hiện lệnh cấm sử dụng điện thoại di động tại trường đối với học sinh dưới 15 tuổi. Nếu thành công, lệnh cấm này có thể được triển khai trên toàn quốc từ tháng 1/2025. Gần 200 trường tiểu học và THCS của Pháp sẽ tham gia thí điểm bắt đầu từ ngày 2/9/2024. Theo đó, nhà trường yêu cầu học sinh cất điện thoại thông minh vào tủ khóa hoặc để ở lối vào trong cả ngày học.

Tháng 8/2024, nhà mạng lớn nhất nước Anh - EE cũng đưa ra khuyến cáo, phụ huynh không nên cung cấp điện thoại thông minh cho trẻ trong độ tuổi tiểu học. EE khuyến nghị, đối với trẻ dưới 11 tuổi, cha mẹ chỉ nên cung cấp "các thiết bị có chức năng hạn chế", cho phép trẻ nhắn tin hoặc gọi điện nhưng không thể truy cập mạng xã hội hoặc các nội dung không phù hợp.

Vào tháng 5/2024, các nghị sĩ trong Ủy ban Giáo dục đã hối thúc Chính phủ Anh cân nhắc lệnh cấm hoàn toàn điện thoại thông minh với trẻ dưới 16 tuổi và cấm dùng di động trong trường học. 

Một cuộc khảo sát toàn quốc tại Mỹ năm 2021 cho thấy, 43% trường THPT và 77% trường THCS nước này cấm sử dụng điện thoại di động cho các mục đích không liên quan đến học tập trong giờ học. 

Theo The Washington Post ngày 27/8/2024, trong số 20 học khu lớn nhất của Mỹ, ít nhất 7 học khu cấm hoặc có kế hoạch cấm học sinh sử dụng điện thoại di động khi đến trường. 7 học khu khác áp đặt các biện pháp hạn chế như cấm sử dụng trong giờ học nhưng cho phép dùng trong giờ ăn trưa hoặc nghỉ giữa tiết.

Được biết, Hà Lan, Phần Lan, Australia, Canada, Hy Lạp và nhiều quốc gia khác cũng đã ban hành lệnh cấm học sinh dùng các thiết bị điện tử trong giờ học để giảm thiểu tình trạng mất tập trung khi nghe giảng.

Tại Việt Nam, Điều 37 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 quy định học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép. Trên thực tế, hầu hết các trường học đều cấm học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học. Tuy nhiên, các em vẫn được phép mang điện thoại tới trường và sử dụng trước, sau giờ học và trong giờ giải lao.

Khi trẻ em nghiện thiết bị điện tử - 2
Khi bên cạnh có nhiều hoạt động bổ ích và hấp dẫn, trẻ sẽ không còn đắm chìm trong thế giới công nghệ số.

Những tác hại của thiết bị điện tử đối với trẻ em

Các chuyên gia khuyến cáo, máy tính, điện thoại là những thiết bị di động phát ra tia HEV (ánh sáng xanh) rất có hại cho mắt. Nếu nhìn nhiều, trẻ sẽ bị nhức mỏi, khô hoặc đau mắt. Duy trì trong một thời gian dài, HEV có thể gây suy giảm thị lực, thậm chí ung thư mắt. Bức xạ điện thoại cũng gây căng thẳng thần kinh não, tạo cảm giác hồi hộp, lo âu. Sử dụng điện thoại nhiều khiến trẻ có cảm giác cô đơn, thậm chí trầm cảm.

Nếu trẻ ngồi sai tư thế khi sử sụng điện thoại, máy tính bảng có thể gây ra các bệnh về xương khớp. Việc cúi xuống để nhìn trong thời gian dài khiến xương cổ bị tổn thương. Xương ngón tay, bàn tay cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu trẻ dùng bàn phím liên tục. 

Trẻ em thường xuyên sử dụng các thiết bị điện tử dễ bị mất ngủ, ngủ không sâu giấc. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần, suy giảm nhận thức.

Nếu một đứa trẻ dành quá nhiều thời gian cho các thiết bị điện tử, chúng gần như không di chuyển. Hoạt động thể chất bị hạn chế, trẻ sẽ tăng cân, béo phì. 

Đối với những trẻ chưa biết nói (dưới 2 tuổi) nếu thường xuyên tiếp xúc với điện thoại, máy tính bảng sẽ khiến trẻ bị hạn chế về khả năng sử dụng ngôn ngữ, chậm nói. Với trẻ lớn hơn, khi sa đà vào các trò chơi trên điện thoại, các trang mạng xã hội,… trẻ sẽ không còn thời gian để giao tiếp với cha mẹ, bạn bè và thầy cô. Mặt khác, việc trẻ sử dụng các thiết bị điện tử trong thời gian dài sẽ gia tăng nguy cơ mất tập trung. Những thông tin, hình ảnh và video bạo lực trên mạng có thể ảnh hưởng xấu, khiến trẻ bớt nhạy cảm với bạo lực. Video và trò chơi trực tuyến cũng hạn chế khả năng sáng tạo và trí tưởng tượng của trẻ, làm chậm phát triển các giác quan vận động và thị giác. Mải mê với thế giới ảo trên các thiết bị điện tử, trẻ dần mất đi khả năng suy nghĩ độc lập, lệ thuộc vào các thiết bị điện tử.

Nguy hiểm hơn, các thiết bị điện tử còn có khả năng gây nghiện. Nhiều trẻ bứt dứt, khó chịu khi bị cha mẹ tịch thu hoặc giới hạn thời gian sử dụng điện thoại/máy tính bảng, thậm chí có trẻ phải điều trị tâm lý.

Cai nghiện các thiết bị điện tử cho trẻ thế nào?

Cha mẹ không nên và không thể cấm trẻ sử dụng các thiết bị điện tử mà quan trọng là giải thích cho con hiểu về những ích lợi cũng như tác hại của chúng để trẻ có cái nhìn khách quan và đúng đắn về vấn đề này.

Cha mẹ không nên nói với con rằng: Bố mẹ mua điện thoại/máy tính bảng này cho con, mà hãy nói: Bố mẹ cho con mượn thiết bị này và con phải tuân thủ các quy tắc chúng ta sẽ cùng thảo luận sau đây. Ví dụ, thời gian dùng tối đa là 1 tiếng/ngày với học sinh tiểu học, THCS và 2 tiếng/ngày với học sinh THPT; Không dùng sau 9 giờ tối.

Các gia đình hạn chế cho trẻ sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng, laptop trong phòng riêng; Sử dụng bộ lọc quy định những nội dung cấm (chặn các trang web/ trò chơi độc hại); Không cho phép trẻ tự ý nạp tiền cho các trò chơi hay ứng dụng; Thảo luận phương án xử lý nếu trẻ không tuân theo các quy tắc đã đề ra. 

Tuy nhiên, để trẻ không nghiện các thiết bị điện tử thì bản thân cha mẹ phải làm gương. Người lớn trong gia đình nên hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử khi ở nhà; thay vào đó, hãy thường xuyên trò chuyện với trẻ; Khuyến khích trẻ làm việc nhà và tham gia các hoạt động ngoài trời. Khi bên cạnh có nhiều hoạt động bổ ích và hấp dẫn, trẻ sẽ không còn đắm chìm trong thế giới công nghệ số.

Thanh Huyền

Ấn phẩm Vì trẻ em số 17