Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Vì trẻ em

Kỹ năng nuôi dưỡng sự tự tin cho trẻ

LĐXH
LĐXH

(VTE) - Mặc cảm, tự ti ở trẻ nhỏ có thể bắt nguồn từ những so sánh trong cuộc sống hoặc những trải nghiệm chưa tích cực.

Nếu không được điều chỉnh kịp thời, trạng thái này sẽ để lại nhiều hệ quả xấu đến sức khỏe tinh thần và thể chất của trẻ.

Từ nhỏ, trẻ đã phải đối mặt với những sự so sánh, một phần xuất phát từ kỳ vọng của cha mẹ. Tuy nhiên, việc liên tục đặt trẻ lên bàn cân với bạn bè, anh chị em hoặc người khác có thể khiến trẻ có cảm giác tự ti. Khi trẻ tin rằng mình thua kém người khác, chúng dễ rơi vào trạng thái tiêu cực, thấy mình không đủ tốt và dần mất niềm tin vào bản thân.

Tình trạng này nếu không được khắc phục sẽ cản trở trẻ khám phá và phát triển tiềm năng cá nhân. Vì vậy, các kỹ năng sau đây sẽ giúp cha mẹ đồng hành, giúp trẻ xóa bỏ mặc cảm để các em lớn lên tự tin và tràn đầy năng lượng tích cực.

Kỹ năng nuôi dưỡng sự tự tin cho trẻ - 1
Trẻ sẽ cảm thấy tự tin hơn khi được cha mẹ lắng nghe. Ảnh KT

Lắng nghe 

Một trong những cách hiệu quả nhất để giúp trẻ vượt qua mặc cảm tự ti là lắng nghe. Khi trẻ cảm thấy không được lắng nghe hoặc không ai quan tâm đến cảm xúc của mình, chúng dễ rơi vào trạng thái tự ti, thấy mình không quan trọng.

Cha mẹ cần tạo không gian an toàn để trẻ chia sẻ mọi cảm xúc, kể cả những cảm xúc tiêu cực như buồn bã, lo lắng hoặc sợ hãi. Việc lắng nghe không phán xét, không vội đưa ra lời khuyên sẽ giúp trẻ cảm thấy được yêu thương và tin tưởng.

Điều này cũng khuyến khích trẻ mở lòng hơn, giảm cảm giác cô lập. Tuy nhiên, lắng nghe và hỗ trợ trẻ cần sự kiên nhẫn, vì quá trình xóa bỏ sự mặc cảm không thể diễn ra trong ngày một ngày hai.

Tạo cơ hội để trẻ tin vào chính mình

Trẻ thường cảm thấy tự ti khi không nhận ra hoặc chưa khám phá được điểm mạnh của bản thân. Cha mẹ có thể giúp trẻ xây dựng sự tự tin bằng cách tạo cơ hội để trẻ tham gia các hoạt động yêu thích như: Nghệ thuật, thể thao, khoa học...

Khi được tự do khám phá và phát triển bản thân trong một môi trường không áp lực, trẻ sẽ dần xây dựng sự tự tin và cảm thấy tự hào về chính mình. Điều quan trọng là cha mẹ cần khuyến khích và khen ngợi những nỗ lực của con dù nhỏ, không cần chờ đến khi trẻ đạt thành tích cao. Một lời khen đúng lúc có thể trở thành động lực lớn để trẻ tiếp tục cố gắng.

Ngừng so sánh 

So sánh là một trong những nguyên nhân chính gây mặc cảm, tự ti ở trẻ. Khi trẻ thường xuyên bị so sánh với người khác, chúng dễ cảm thấy mình không đủ tốt và tự hạ thấp giá trị bản thân.

Vì vậy, thay vì so sánh, cha mẹ nên tập trung khuyến khích trẻ phát huy những điểm mạnh và giải thích cho con hiểu rằng không ai giống ai, sự khác biệt là điều tự nhiên. Khi trẻ hiểu rằng bản thân không nhất thiết phải giống người khác, chúng sẽ dần xây dựng được lòng tự trọng và thoát khỏi áp lực không cần thiết.

Phát triển tư duy tích cực

Tư duy tích cực là một kỹ năng quan trọng giúp trẻ vượt qua những suy nghĩ tiêu cực, đặc biệt khi chúng gặp thất bại hoặc khó khăn. Cha mẹ có thể dạy trẻ rằng, thất bại không phải là điểm dừng mà là cơ hội để học hỏi và trưởng thành.

Cha mẹ hãy giúp trẻ rút ra bài học từ những sai lầm, đồng thời khuyến khích trẻ tập trung vào mặt tích cực của vấn đề. Khi hiểu được rằng ai cũng có lúc vấp ngã, trẻ sẽ học cách chấp nhận bản thân và tự tin hơn khi đối mặt với thách thức.

Đặt mục tiêu phù hợp

Kỹ năng nuôi dưỡng sự tự tin cho trẻ - 2
Trẻ em tự tin khám phá sở thích bản thân. Ảnh: Đại Nam

Việc đặt mục tiêu quá cao hoặc không thực tế có thể khiến trẻ cảm thấy áp lực và tự ti khi không đạt được. Cha mẹ nên hỗ trợ trẻ đặt ra những mục tiêu vừa sức và cùng trẻ thực hiện.

Chẳng hạn, thay vì yêu cầu trẻ đạt thành tích xuất sắc ngay lập tức, hãy bắt đầu bằng những mục tiêu nhỏ như hoàn thành tốt bài tập hoặc tham gia đều đặn các buổi học thêm... Mỗi khi đạt được một mục tiêu nhỏ, trẻ sẽ cảm thấy hài lòng và tự tin hơn về khả năng của mình.

Xây dựng môi trường gia đình tích cực

Môi trường gia đình có tác động rất lớn đến tâm lý của trẻ. Một gia đình đầy áp lực, kỳ vọng cao hoặc thường xuyên xảy ra mâu thuẫn sẽ dễ khiến trẻ cảm thấy tự ti.

Cha mẹ nên tạo ra một không gian sống tích cực, nơi trẻ được yêu thương và chấp nhận vô điều kiện. Cha mẹ nên hạn chế chỉ trích, thay vào đó tập trung động viên, khen ngợi những nỗ lực của trẻ. Khi biết rằng cha mẹ luôn ủng hộ và yêu thương, trẻ sẽ cảm thấy an toàn và tự tin hơn.

Mặc cảm tự ti không chỉ là một trạng thái tâm lý mà còn là rào cản lớn trên hành trình phát triển của trẻ em. Vì vậy, việc hỗ trợ trẻ vượt qua trạng thái này là nhiệm vụ quan trọng của cha mẹ.

Từ việc lắng nghe, khuyến khích tư duy tích cực, đến việc tạo môi trường gia đình lành mạnh, mỗi hành động nhỏ đều có thể góp phần giúp trẻ cảm thấy được yêu thương, tự hào về bản thân và sẵn sàng đối mặt với mọi thử thách trong cuộc sống.

Theo Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, mặc cảm, tự ti là trạng thái tinh thần đặc trưng bởi cảm giác bất an và không đủ năng lực. Điều này có thể xuất phát từ sự thiếu hụt thực sự hoặc do tưởng tượng về mặt thể chất hoặc sinh lý.

Minh Châu

Ấn phẩm Vì trẻ em số 22