Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Làm cha mẹ là một “nghề” vô cùng đặc biệt

Trần Huyền
Trần Huyền

"Làm cha mẹ như một “nghề” vô cùng đặc biệt, một công việc hết sức thiêng liêng, hạnh phúc nhưng cũng chứa đựng không ít khó khăn, thách thức...", bà Tôn Ngọc Hạnh, UV dự khuyết BCH TW Đảng.

Làm cha mẹ là một “nghề” vô cùng đặc biệt

Tại Diễn đàn Làm cha mẹ vừa diễn ra tại tỉnh Bình Dương, ví việc làm cha mẹ như một “nghề” vô cùng đặc biệt, một công việc hết sức thiêng liêng, hạnh phúc nhưng cũng chứa đựng không ít khó khăn, thách thức, bà Tôn Ngọc Hạnh, UV dự khuyết BCH TW Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đồng cảm, trong hành trình này, chắc chắn không ít lần chúng ta – những người đã và đang làm cha mẹ đã rất bối rối, hoang mang. 

Làm cha mẹ là một “nghề” vô cùng đặc biệt - 1
Tham dự Diễn đàn Làm cha mẹ, các đại biểu sẽ có cơ hội trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình nuôi dạy con cái (Ảnh: BTC).

Bởi trong thực tế, chưa có một trường lớp nào “dạy” phương pháp/kỹ năng làm cha mẹ một cách bài bản, khoa học. Chỉ sau khi có con, các bậc phụ huynh mới bắt đầu hành trình học Làm cha mẹ.   

Một nghiên cứu cho thấy, tại Việt Nam, hỗ trợ giáo dục làm cha mẹ và người chăm sóc trẻ trực tiếp vẫn còn nhiều hạn chế. Trước khi kết hôn, hầu như thanh niên chưa được trang bị kiến thức, kỹ năng và thái độ cần thiết để làm cha, mẹ.

Trong quá trình chăm sóc, nuôi dạy con, cha mẹ cũng thiếu hụt các thông tin khoa học và sự hỗ trợ cần thiết để giải quyết các vấn đề liên quan đến sự phát triển toàn diện của trẻ trên cả 3 lĩnh vực: chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ.

Đa số cha mẹ chưa đóng vai trò là người “bạn” đồng hành, chia sẻ với trẻ những vấn đề trẻ quan tâm như: sức khỏe sinh sản, định hướng nghề nghiệp, kỹ năng sống.

Nhiều cha mẹ chưa chưa nhận thức đầy đủ về quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân, của gia đình trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ. Đồng thời, việc tiếp cận của cha mẹ/người chăm sóc trẻ đến các chương trình hỗ trợ thông tin, kiến thức, kỹ năng về chăm sóc nuôi dạy con còn thấp. 

Theo khảo sát ban đầu được thực hiện tại 27 xã thuộc 9 huyện ở 3 tỉnh (Lai Châu, Điện Biên và Kon Tum) tham gia Chương trình Làm cha mẹ cho phát triển toàn diện trẻ thơ do UNICEF hỗ trợ những năm 2018-2021, chỉ có 28,2% phụ huynh có trẻ 0-8 tuổi tin rằng, việc nuôi dạy trẻ đáp ứng theo nhu cầu của trẻ và không bạo lực là tốt nhất cho con cái của họ, và 7,3% trẻ em 0-3 tuổi được cha mẹ/ người chăm sóc cung cấp dinh dưỡng phù hợp với tuổi. 

 Gia đình là cái nôi ảnh hưởng tới nhân cách của trẻ

Trong quá trình chăm sóc, nuôi dạy trẻ, gia đình - nhà trường và xã hội là những nhân tố quan trọng có mối quan hệ chặt chẽ, ảnh hưởng trực tiếp tới sự định hình, phát triển nhân cách của trẻ trong tương lai. 

Nếu gia đình là cái nôi đầu tiên có ảnh hưởng đến tính cách của trẻ thì nhà trường, xã hội lại là nơi giúp trẻ nuôi dưỡng nhân cách, đạo đức, lối sống, giúp trẻ có thể học hỏi thêm những kiến thức nền tảng, kỹ năng sống…tạo hành trang vững vàng để bước vào đời.

Do đó, trách nhiệm to lớn giáo dục trẻ em luôn luôn phải có sự đồng hành của gia đình, nhà trường và toàn xã hội mà ở đó, cha mẹ đóng vai trò là cầu nối đặc biệt quan trọng. 

Tuy nhiên, trong thực tế, không ít các bậc phụ huynh vẫn đang phó mặc việc giáo dục con cái, giao phó hết cho nhà trường, lơ là việc liên hệ phối hợp khi con cái xảy ra vấn đề và luôn đùn đẩy hết trách nhiệm cho nhà trường, dẫn đến trường hợp các em có những suy nghĩ chưa chín chắn và hành động thiếu suy nghĩ, mất kiểm soát gây tổn hại cho bản thân, gia đình, bạn bè, thầy cô, nhà trường.

Mặt khác, cơ chế thị trường đã và đang tạo ra một số tác động tiêu cực, dẫn đến tình trạng biến chất, lệch lạc trong mối quan hệ giữa giáo viên, học sinh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của người thầy giáo và sự phát triển, rèn luyện của các con. 

Hơn bao giờ hết, các bậc cha mẹ cần phải tự trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng đủ để phát huy vai trò là cầu nối, dẫn dắt, định hướng các con trong hành trình trưởng thành, lớn lên. 

Giúp cha mẹ đủ kiến thức để hỗ trợ tốt nhất cho sự phát triển của trẻ

Là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em, nhiều năm qua, Hội LHPN Việt Nam luôn coi trọng và thực hiện công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em thông qua vai trò của người mẹ và gia đình.

Nhiều hoạt động, phong trào, cuộc vận động, Đề án, mô hình tập trung vào các nội dung của giáo dục làm cha mẹ đã và đang mang lại những kết quả rất đáng ghi nhận như: Đề án 704 “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi, dạy con tốt”, Đề án 938 “Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội có liên quan đến phụ nữ, trẻ em”; Chương trình Mẹ đỡ đầu…

Trước nhu cầu ngày càng bức thiết về vấn đề chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, đặc biệt là việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em thông qua vai trò của người phụ nữ trong gia đình, TW Hội LHPN Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung nội dung giáo dục làm cha mẹ nhằm hỗ trợ cho cán bộ, hội viên phụ nữ có thêm cơ hội tiếp cận, nâng cao kiến thức, kỹ năng làm Cha mẹ. 

Trong đó, tập trung vào các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ về quyền trẻ em, cách chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em phù hợp theo từng độ tuổi, góp phần hỗ trợ phát triển toàn diện trẻ em;

Triển khai các hoạt động chăm sóc sức khoẻ tâm thần cho trẻ em, trẻ em mồ côi và yếu thế; bảo vệ trẻ khỏi các nguy cơ mất an toàn, bạo lực và xâm hại; Xây dựng, nhân rộng các mô hình làm cha mẹ gắn liền với việc phát huy các sáng kiến về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, góp phần xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện, đảm bảo trẻ được phát triển toàn diện trong môi trường gia đình, cộng đồng…

Mục đích của các hoạt động này đều hướng đến việc xây dựng năng lực cho các cha mẹ, giúp họ có đủ kiến thức để hỗ trợ tốt nhất cho sự phát triển của con cái.