Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Làng Hy vọng: Ươm những mầm xanh

Trần Huyền
Trần Huyền

Đà Nẵng không chỉ là một thành phố đáng sống, đây còn là thành phố của hy vọng bởi những điều tốt đẹp và tử tế, mà Làng Hy vọng là một trong những điều tốt đẹp ấy.

Những người mẹ đặc biệt

Trong suốt 30 năm qua, Trung tâm nuôi dạy trẻ em khó khăn thành phố Đà Nẵng - Làng Hy vọng, đã nuôi dưỡng hơn 800 trẻ em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn ở Đà Nẵng và các tỉnh lân cận. Hiện tại, Làng Hy vọng đang nuôi 122 em, mỗi em có một hoàn cảnh khác nhau: Mồ côi cha, mồ côi mẹ, gia đình đặc biệt khó khăn, khuyết tật. 

Ông Phan Thanh Vinh - Giám đốc Làng Hy vọng cho biết: “Làng thành lập năm 1993, chủ yếu nuôi những trẻ mồ côi, khuyết tật. Các em vào đây được chăm sóc và đi học. Làng không phải là nơi sinh ra các con nhưng đây là ngôi nhà thứ hai nuôi dưỡng các con lên người”.

Làng chia thành các ngôi nhà nhỏ. Nhà của các bạn nữ là nhà chim vành khuyên, còn nhà của các bạn nam là chim sơn ca. Ở đó có những người mẹ đặc biệt đã gắn bó cả đời với những đứa trẻ kém may mắn.

Làng Hy vọng: Ươm những mầm xanh - 1

Mẹ Phạm Thị Tiến, gắn bó với trẻ em tại Làng Hy vọng suốt 30 năm cho biết: “Hồi xưa, tôi học về nuôi dạy trẻ. Thấy môi trường Làng Hy vọng rất thích hợp với mình nên tôi vào làm từ năm 1993 cho đến tận bây giờ”.

Mẹ Tiến cho biết thêm, mẹ vô cùng xúc động khi thấy các con thành đạt, ra trường rồi lại quay về để giúp cho các em. Có thể nói, đây chính là nguồn động viên để mẹ Tiến cũng như các mẹ thêm gắn bó với Làng. 

Tại Làng Hy vọng, các bố mẹ thường làm việc từ 7h sáng hôm trước đến 7h sáng hôm sau. Để toàn tâm toàn ý chăm sóc các con ở Làng, các bố, mẹ đều được người thân và gia đình thông cảm, hỗ trợ hết mình. 

Hiện tại, trẻ nhỏ nhất trong Làng là 6 tuổi và trẻ lớn nhất 18 tuổi. Ngoài giờ học ở các trường phổ thông gần Làng, trẻ em Làng Hy vọng còn được học kỹ năng sống, học thêu, học may, học vẽ. Các em nhỏ khuyết tật thì được học văn hóa ngay tại Làng.

Trong những lớp dạy văn hóa cho trẻ em khuyết tật đó, có cô Hà Thị Thành đã đứng lớp suốt ba thập kỷ. Từ yêu thương và gắn bó, tình cảm cứ thế bồi đắp dần theo năm tháng mà cô Thành ở lại với Làng Hy vọng từ ngày mới thành lập cho đến tận hôm nay.

“Việc dạy học cho trẻ em câm điếc gặp khá nhiều khó khăn. Tuy nhiên, các em rất chăm học và nghe lời nên đó là nguồn động viên, khích lệ để chúng tôi đứng được trên bục giảng cho đến ngày hôm nay”, cô Hà Thị Thành chia sẻ.

Làng Hy vọng: Ươm những mầm xanh - 2

Trưởng thành từ Làng Hy vọng 

Niềm tự hào lớn nhất của những người cha, người mẹ ở Làng là thấy những đứa con khôn lớn và trưởng thành. Từ Làng Hy vọng, đã có 4 em du học ở Mỹ, 4 em du học Australia và 14 em ở Nhật Bản, nhiều em đã có việc làm ổn định...

Nhưng vui nhất là có những em sau khi học xong, có thể bay cao, bay xa lại quyết định trở về và gắn bó với Làng để làm mẹ của những lứa trẻ tiếp theo.

Chị Hồ Thị Hiền, một trong những người con đã quay trở về Làng chia sẻ: “Mình từng là một người con của Làng và mình thấu hiểu được nỗi vất vả của các mẹ và những tâm tư của trẻ. Sau khi trưởng thành và lập gia đình, làm mẹ thì mình cũng đã có những kinh nghiệm nuôi con nên quyết định quay trở lại Làng tiếp tục ươm những mầm xanh hy vọng”. 

Còn anh Trần Vũ Xuân, một người con đã từng sinh sống tại Làng Hy vọng, giờ đây đã trưởng thành, có gia đình chia sẻ, anh vào Làng khoảng năm 2000 và rời Làng lúc 18 tuổi là năm 2010. Hiện nay, anh Xuân là trưởng nhóm cựu học sinh của Làng Hy vọng. Nhóm của anh Xuân xây dựng website của Làng và đã vận động các nguồn tài trợ để có kinh phí mua nhu yếu phẩm 
cho Làng…

Trong thời gian ở Làng, anh Xuân được mẹ Phạm Thị Tiến chăm sóc, dìu dắt. Anh Xuân chưa bao giờ ngại ngùng khi chia sẻ với mọi người về việc mình từng sống trong Làng Hy vọng. Ngược lại, anh rất tự hào khi là một thành viên của Làng và được mẹ Tiến nuôi nấng, dạy bảo nên người.

Mùa xuân này, anh Xuân lại có cơ hội được gặp mẹ Tiến yêu quý. Tại chương trình “Việc tử tế - Chào tương lai” tháng 1/2024 của Đài truyền hình Việt Nam VTV1 mới đây, hai mẹ con đã có buổi nói chuyện rất xúc động.

Dường như, Đà Nẵng không chỉ là một thành phố đáng sống, đây còn là thành phố của hy vọng bởi những điều tốt đẹp và tử tế, mà Làng Hy vọng là một trong những điều tốt đẹp ấy.

Thanh Thảo