Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Nam sinh đỗ đại học hàng đầu ở Mỹ nhờ đam mê công nghệ từ nhỏ

PV
PV

Em Bùi Quốc Minh Nhật (TP.HCM), trường THCS - THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, vừa nhận được lá thư trúng tuyển Đại học Illinois tại Urbana-Champaign (Mỹ), ngành khoa học máy tính.

Bùi Quốc Minh Nhật là học sinh lớp 12 chuyên Tin của trường THCS - THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM).

Nhật đã nhảy cẫng lên khi nhìn thấy dòng “Congratulations! (tạm dịch: Chúc mừng!)” trong lá thư trúng tuyển vào ngành khoa học máy tính, Đại học Illinois tại Urbana-Champaign (Mỹ).

Theo bảng xếp hạng US News năm 2024, ngành nam sinh trúng tuyển, thuộc Đại học Illinois tại Urbana-Champaign, xếp vị trí thứ 5 trong danh sách những trường đại học đào tạo ngành khoa học máy tính tốt nhất nước Mỹ. 

Nam sinh đỗ đại học hàng đầu ở Mỹ nhờ đam mê công nghệ từ nhỏ - 1
Em Bùi Quốc Minh Nhật, học sinh lớp 12 trường THCS - THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, đã trúng tuyển vào ngôi trường đại học đào tạo ngành khoa học máy tính top 5 tại Mỹ (Ảnh: NVCC). 

Ngoài ra, Minh Nhật còn trúng tuyển 15 trường đại học khác như Đại học Toronto (Canada), Đại học bang Pennsylvania (Mỹ), Đại học bang Michigan (Mỹ) với suất học bổng 82 nghìn USD, Đại học Massachusetts Amherst (Mỹ) với suất học bổng 64 nghìn USD,...

Minh Nhật đạt IELTS 8.0 và SAT 1.490/1.600. Nam sinh cũng từng đạt huy chương Bạc môn tin học kỳ thi Olympic 30/4, giải Ba hội thi Tin học trẻ TP.HCM, hai giải Nhì cuộc thi nghiên cứu khoa học,... Ngoài ra, Nhật luôn duy trì điểm trung bình học tập ở mức 9,7-9,8.  

Công trình nghiên cứu nhận diện rác thải

Từ nhỏ, Minh Nhật đã được tiếp xúc với công nghệ. Nam sinh nhớ lại: “Em thường trò chuyện với ba em thông qua ứng dụng Skype vì ba thường đi công tác nước ngoài. Lúc đó em khoảng 4-5 tuổi, nhưng em rất ấn tượng với một ứng dụng có thể kết nối người với người khi cách xa nhau hàng ngàn cây số”. 

Nam sinh đỗ đại học hàng đầu ở Mỹ nhờ đam mê công nghệ từ nhỏ - 2
Thầy cô trường THCS - THPT chuyên Trần Đại Nghĩa luôn ủng hộ Minh Nhật (ngoài cùng, bên trái) khi em thực hiện nghiên cứu khoa học về robot xử lý rác thải tự động hoá (Ảnh: NVCC).

Nuôi dưỡng trong mình niềm yêu thích với khoa học máy tính, từ khi còn học cấp 2, Minh Nhật đã sáng tạo hệ thống robot xử lý rác thải.

Nam sinh cho hay, em nhận thấy rác thải không chỉ gây hại đến môi trường mà nó còn đang tác động trở ngược lại với con người.

“Ví dụ như lẫn trong rác thải ra môi trường có thuỷ tinh. Khi các cô chú lao công xử lý rác thì họ sẽ vô tình bị thương do thuỷ tinh không được phân loại đúng nơi hoặc không có các biện pháp gói, bọc lại.

Từ lý do trên, em ấp ủ xây dựng một hệ thống phân loại rác để hỗ trợ con người. Hệ thống phân loại đã có tại các khu công nghiệp lớn, ở thời điểm em nghiên cứu thì những điểm rác tại nguồn chưa được trang bị”, Nhật nói.

Nam sinh giới thiệu hệ thống này có khả năng nhận diện và phân loại rác bao gồm rác thải thuỷ tinh, rác thải tái chế và rác thải không tái chế. Robot cũng bao gồm 3 phần là điều khiển tự động hoá, bộ phận phân loại kết nối với A.I và phần cơ khí.  

Nam sinh đỗ đại học hàng đầu ở Mỹ nhờ đam mê công nghệ từ nhỏ - 3
Bùi Quốc Minh Nhật và công trình xử lý rác thải tự động hoá của mình (Ảnh: NVCC). 

Trong thời gian nghiên cứu, Minh Nhật cũng gặp không ít khó khăn: “Thời điểm học cấp 2, em chưa được tiếp xúc nhiều với trí tuệ nhân tạo. Mọi kiến thức về lĩnh vực này đều như một trang giấy trắng.

May mắn thay, các thầy cô đã hướng dẫn, chỉ ra những hạn chế và góp ý để em xây dựng công trình này. Đôi lúc em rơi vào bế tắc, nhưng nhờ có sự giúp đỡ và hỗ trợ của mọi người xung quanh mà em đã có thể hoàn thành và đạt giải Nhì nghiên cứu khoa học cấp thành phố”.

Cô Ngọc Lâm, giáo viên bộ môn tin học Trường THCS - THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, người đã đồng hành cùng em Nhật khi nam sinh thực hiện nghiên cứu khoa học trên, nhận xét: “Bùi Quốc Minh Nhật là một học sinh chăm chỉ và có tính tự giác cao. Khi Nhật đam mê hoặc quyết tâm thực hiện một nghiên cứu nào đó, em sẽ dốc hết sức mình”.

“A.I không thể thay thế con người”

Chia sẻ về lý do yêu thích lĩnh vực này, Minh Nhật nói: “Đối với em, khoa học máy tính và công nghệ đóng vai trò quan trọng và ý nghĩa to lớn trong cuộc sống của chúng ta. Nếu phát minh ra công nghệ là để thay thế con người hoặc khiến họ phụ thuộc vào thì nó sẽ đi chệch với mục đích ban đầu.

Những người tiên phong trong ngành khoa học máy tính và công nghệ thông tin tạo ra sản phẩm và nền tảng là để hỗ trợ con người. Chẳng hạn như tỷ phú Bill Gates xây dựng Microsoft để con người làm việc hiệu quả hơn. Hay tỷ phú Mark Zuckerberg lập nên Facebook để kết nối con người từ xa lại với nhau.

Chính vì thế, em mong muốn bản thân cũng sẽ đóng góp một công trình hoặc nghiên cứu nào đó giúp cải thiện đời sống và đóng góp cho xã hội”. 

Nam sinh đỗ đại học hàng đầu ở Mỹ nhờ đam mê công nghệ từ nhỏ - 4
Với Bùi Quốc Minh Nhật, công nghệ ra đời với vai trò hỗ trợ con người, chứ không thay thế họ (Ảnh: NVCC). 

Trong 31 bài luận mà Minh Nhật chuẩn bị để ứng tuyển đại học ở nước ngoài, nam sinh tâm đắc như đề tài về hành trình thực hiện nghiên cứu khoa học của chính mình: “Khi viết, em không biết bắt đầu từ đâu. Để gói gọn một hành trình thành một bài luận khoảng 650 từ nhưng vẫn thể hiện được màu sắc cá nhân, là rất khó.

Em đã viết đi viết lại khoảng 15 lần. Trong các phần đã viết, em tâm đắc nhất thông điệp về việc công nghệ và khoa học máy tính ra đời với mục đích là hỗ trợ con người, chứ không phải cướp đi công việc của họ hoặc khiến họ quá phụ thuộc vào nó”.

Minh Nhật bộc bạch mỗi bài luận em sẽ có cảm giác tiếc nuối và thiếu sót khác nhau, nhưng khi đã nộp bài thì nam sinh sẽ đặt hết sự tự tin và hy vọng vào đó.

Đại học Illinois đã là ngôi trường mơ ước với Nhật khi em bắt đầu yêu thích khoa học máy tính. Khi biết được mình sẽ trở thành sinh viên của trường, nam sinh đã đặt ra cho mình nhiều mục tiêu.

“Đây là một môi trường thích hợp để em phát triển. Em sẽ tận dụng thời gian tại đây để gặp gỡ các vị giáo sư, các anh chị sinh viên khóa trên và các bạn đồng trang lứa để học hỏi và trao đổi kiến thức.

Đại học Illinois có đa dạng chương trình xoay quanh lĩnh vực trí tuệ nhân tạo như nghiên cứu, vi mạch,... em hy vọng có thể được trải nghiệm tất cả trong bốn năm học tiếp theo”, nam sinh nói. 

Châu Võ Tú Như