Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Vì trẻ em

Nhiều trường mở ngành “hot”, thí sinh cần cân nhắc

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Một số trường đại học (ĐH) sẽ mở các chương trình, ngành học mới nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động.

Theo các chuyên gia, thí sinh cần cẩn trọng tìm hiểu, tránh chạy theo trào lưu ngành “hot”.

ĐH Bách khoa Hà Nội mở chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô số đầu tiên tại Việt Nam nhằm cung cấp cho thị trường lao động những kỹ sư có năng lực vượt trội.

Nhiều trường mở ngành “hot”, thí sinh cần cân nhắc - 1
 Thí sinh cần nghiên cứu kỹ về ngành nghề mình muốn theo đuổi.

Đây là chương trình đào tạo sau ĐH, tương đương trình độ thạc sĩ, được thiết kế bởi Trường Cơ khí và Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông thuộc ĐH Bách khoa Hà Nội. Chương trình hướng đến cung cấp nguồn nhân lực kỹ sư chất lượng cao, có năng lực đáp ứng tốt cho ngành công nghiệp ô tô trong nước và khu vực.

Trường ĐH Thương mại vừa thông tin, năm nay trường mở 7 chương trình mới thuộc nhóm định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế (IPOP) gồm: Quản trị thương hiệu, Kiểm toán tích hợp chứng chỉ quốc tế, Kinh tế và quản lý đầu tư, Luật kinh doanh, Thương mại điện tử, Quản trị hệ thống thông tin, tiếng Trung thương mại. Dự kiến mỗi chương trình tuyển 80 - 100 sinh viên chính quy với nhiều phương thức tuyển sinh.

Tương tự, Trường ĐH Tài chính - Marketing sẽ mở thêm ngành Luật thương mại và Kỹ thuật phần mềm. Trường ĐH Luật TPHCM dự kiến mở thêm 2 ngành mới là Tài chính ngân hàng và Kinh doanh quốc tế nên sẽ tăng chỉ tiêu tuyển sinh; đồng thời, xin chủ trương mở ngành Luật kinh tế.

Trường ĐH Cần Thơ cũng đã phê duyệt chủ trương mở các ngành mới bậc ĐH, gồm:  Luật dân sự và tố tụng dân sự, Thương mại điện tử, Tâm lý giáo dục; chương trình chất lượng cao ngành mạng máy tính và truyền thông dữ liệu; thú y…

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, khi mở ngành học mới, cơ sở giáo dục ĐH phải xác định những ngành đó có phù hợp với xu hướng, nhu cầu của xã hội hay không.

Đặc biệt, các trường phải có đủ năng lực để đảm bảo chất lượng đào tạo; phải công khai, minh bạch mọi dữ liệu tuyển sinh, từ đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, chương trình, các phương thức xét tuyển, để thí sinh lựa chọn. 

“Hiện Bộ GD&ĐT quản lý việc tuyển sinh, mở ngành của các trường thông qua những dữ liệu này, đồng thời tăng cường công tác thanh, kiểm tra”, ông Sơn thông tin.

Luật Giáo dục ĐH có hiệu lực đã trao quyền tự chủ nhiều hơn cho các cơ sở đào tạo, trong đó có quyền tự chủ tuyển sinh, tự chủ mở ngành, nội dung chương trình đào tạo.

Theo các chuyên gia, việc các trường mở thêm ngành học mới là xu thế tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong tương lai. Tuy nhiên thực tế không ít trường mở ngành theo xu thế khi chưa có đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên… khiến phụ huynh, thí sinh băn khoăn có nên lựa chọn các ngành học mới hay không.

Về vấn đề này, TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, cao đẳng Việt Nam lưu ý, thí sinh không nên nóng vội chạy theo những ngành nghề mới mà bỏ qua việc cân nhắc kỹ lưỡng về năng lực bản thân.

Khi lựa chọn ngành học, các em cần tập trung xác định sở thích, thế mạnh cá nhân và nghiên cứu kỹ các trường có khả năng đào tạo tốt nhất trong lĩnh vực mình quan tâm.

Bên cạnh đó, thí sinh cũng cần chú ý đến các yếu tố thực tế như cơ sở vật chất, chương trình giảng dạy và triển vọng nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp. Bởi việc lựa chọn ngành học không chỉ ảnh hưởng đến quá trình học tập mà còn quyết định đến cơ hội việc làm và con đường sự nghiệp trong tương lai.

Hòa Cù

Báo Lao động và Xã hội số 2