Dưới đây là một số lưu ý quan trọng giúp trẻ xây dựng nền tảng tài chính vững chắc từ nhỏ.
Giải thích về giá trị của tiền bạc
Cha mẹ cần giải thích cho trẻ hiểu tiền bạc có được là từ công sức lao động. Điều này giúp trẻ biết trân trọng giá trị của đồng tiền và hiểu tiền không tự nhiên mà có.
Cha mẹ cũng có thể giải thích khái niệm tiền bạc cho trẻ bằng cách nói về vai trò của tiền trong cuộc sống. Tiền có thể giúp con người mua được đồ dùng thiết yếu và đáp ứng các nhu cầu, nhưng nó không phải là tất cả.
Dạy trẻ phân biệt nhu cầu và mong muốn
Cha mẹ hãy chỉ cho trẻ thấy sự khác biệt giữa nhu cầu (những thứ cần thiết) và mong muốn (những thứ có cũng được, không có cũng không ảnh hưởng lớn). Khi trẻ muốn mua thứ gì đó, cha mẹ hãy hỏi trẻ đó là nhu cầu hay mong muốn. Điều này giúp trẻ suy nghĩ trước khi chi tiêu và không hoang phí tiền vào những thứ không cần thiết.
Khuyến khích tiết kiệm từ nhỏ
Tiết kiệm là thói quen quan trọng, giúp trẻ biết dành dụm và tích lũy cho tương lai. Cha mẹ có thể giải thích cho trẻ về lợi ích của việc tiết kiệm, chẳng hạn như để mua những thứ có giá trị hơn hoặc để đối phó với các trường hợp khẩn cấp.
Để trẻ hiểu rõ ích lợi của việc này, cha mẹ có thể mua cho trẻ một con lợn đất hoặc ống tiết kiệm, khuyến khích trẻ thường xuyên bỏ tiền vào đó và cho trẻ thấy số tiền đang tăng dần lên theo thời gian. Tiền tiết kiệm có thể là tiền mừng tuổi hay tiền thưởng của trẻ.
Giới thiệu khái niệm ngân sách
Khi trẻ lớn hơn một chút, cha mẹ cần dạy trẻ cách quản lý tiền bạc theo từng mục tiêu. Việc lập ngân sách chi tiêu sẽ rèn cho trẻ kỹ năng tính toán và suy nghĩ về các ưu tiên trong chi tiêu. Cha mẹ có thể cụ thể hóa điều này bằng cách giúp trẻ lập một kế hoạch chi tiêu từ khoản tiền nhỏ mà trẻ có và chia số tiền thành các mục như tiết kiệm, tiêu vặt, mua sắm…
Dạy con về sức mạnh của đầu tư
Thay vì để tiền “nằm ngủ”, đầu tư giúp tiền sinh lời. Cha mẹ có thể bắt đầu dạy con về sức mạnh của đầu tư với những trò chơi về tài chính hoặc giới thiệu cho trẻ những khái niệm cơ bản về đầu tư như: tiền vốn, tài sản, đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp... Khi trẻ lớn hơn, cha mẹ có thể hướng dẫn con đầu tư vào một khoản tiết kiệm có lãi suất.
Khuyến khích tinh thần chia sẻ
Cha mẹ khuyến khích và hướng dẫn trẻ trích một phần tiền tiết kiệm để ủng hộ những người gặp khó khăn hoặc mua quà cho bạn bè, người thân trong những dịp đặc biệt. Điều này giúp trẻ hiểu rằng, tiền ngoài việc phục vụ cho nhu cầu cá nhân còn có thể mang lại niềm vui khi chia sẻ với người khác.
Cho phép trẻ học từ sai lầm
Cha mẹ đồng hành, hướng dẫn kỹ năng nhưng không nên kiểm soát thái quá việc chi tiêu của trẻ. Những sai lầm về tài chính sẽ là bài học thực tế giúp trẻ nhận thức rõ hơn về giá trị của đồng tiền.
Ví dụ, khi trẻ chi tiêu lãng phí, thay vì la mắng, cha mẹ nên trò chuyện và cùng trẻ phân tích về quyết định đó. Điều này giúp trẻ tự rút ra bài học và điều chỉnh cách chi tiêu hợp lý hơn trong tương lai.
Tạo cơ hội cho trẻ kiếm tiền
Kiếm tiền giúp trẻ hiểu rõ công sức và thời gian cần bỏ ra để có thu nhập. Điều này rèn cho trẻ tinh thần tự lập và sống có trách nhiệm.
Cha mẹ có thể cho trẻ tham gia vào các hoạt động kiếm tiền đơn giản, phù hợp với lứa tuổi như bán đồ handmade (đồ thủ công làm bằng tay) hay cho thuê lại
sách, truyện,...
Khuyến khích tư duy sáng tạo
Tư duy sáng tạo trong cách kiếm và sử dụng tiền giúp trẻ có cái nhìn đa dạng về tài chính và dễ dàng nắm bắt cơ hội làm giàu trong tương lai. Cha mẹ hãy hỏi trẻ về những ý tưởng kiếm tiền hoặc giúp trẻ thực hiện các dự án nhỏ để gây quỹ cho những mục tiêu cá nhân.
Cha mẹ là tấm gương
Trẻ con thường học từ cách cha mẹ cư xử với tiền bạc. Nếu cha mẹ quản lý tiền bạc thông minh, chi tiêu hợp lý và có thói quen tiết kiệm, con cũng sẽ dễ học theo các thói quen tích cực này.
Cha mẹ dạy trẻ về tiền bạc không chỉ là dạy cách tiết kiệm hay chi tiêu hợp lý mà còn giúp trẻ xây dựng thái độ và tư duy tài chính tích cực. Những bài học này sẽ là nền tảng quan trọng giúp trẻ tự tin quản lý tài chính cá nhân và đạt được mục tiêu tài chính bền vững khi trưởng thành. |
Bình Yên
Ấn phẩm Vì trẻ em số 20