Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Vì trẻ em

Những tấm “lá chắn” bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Với sự phối hợp giữa 3 lực lượng gồm A05 (Bộ Công an), Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) và Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng đã mang lại kết quả tích cực.

Nhiều rủi ro cho trẻ em trên không gian mạng

Ông Đặng Vũ Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA), nguyên Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ chia sẻ: Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ số phát triển mạnh mẽ, các công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn, IoT… trở thành một phần không thể thiếu trong học tập, làm việc và giải trí.

Tuy nhiên, song hành với những lợi ích to lớn là những thách thức ngày càng gia tăng, đặc biệt về an toàn thông tin, quyền riêng tư và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Những tấm “lá chắn” bảo vệ trẻ em trên không gian mạng - 1
Trẻ em đối mặt với nhiều rủi ro khi sử dụng internet.

Theo ông Sơn, là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, trẻ em phải đối mặt với nhiều nguy cơ khi chưa đủ kỹ năng để nhận diện và phòng tránh rủi ro trên mạng. Đây không chỉ là bài toán của riêng Việt Nam mà là thách thức trên toàn cầu.

Bà Phan Thị Kim Liên, Quản lý Chương trình bảo vệ trẻ em của World Vision Việt Nam cho biết, cứ 10 trẻ em Việt Nam thì 9 em sử dụng internet và các em dùng nó hàng ngày. Môi trường số đã hiện hữu trong mọi mặt đời sống của tất cả mọi người và điều này đưa đến nhiều cơ hội cũng như không ít rủi ro cho sự phát triển của trẻ.

Trên internet, trẻ em là người dùng, đồng thời cũng là người tạo ra nội dung. Trẻ em có thể là bị hại và cũng có thể là đối tượng gây hại, là đối tác của các vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em. Vấn đề quan trọng là làm thế nào để các em nhận thức được những ảnh hưởng xấu trên mạng và có hành động tự bảo vệ bản thân. 

Đồng quan điểm, bà Đinh Thị Như Hoa, Trưởng phòng Kiểm định an toàn thông tin - Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC) nhận định, sự gia tăng số trẻ sử dụng internet đang đưa đến nhiều mối nguy hại, đồng thời chỉ ra 5 mối nguy hại có thể tác động tiêu cực đến các em: Tiếp cận những nguồn thông tin không phù hợp;

Bị rò rỉ thông tin cá nhân; nghiện internet; bị bắt nạt trực tuyến; bị lừa đảo, dụ dỗ, lôi kéo tham gia các hoạt động trái phép.

Kết nối, hợp tác giữa các đơn vị, các bên liên quan để bảo vệ trẻ em

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, với nhiều nỗ lực của các bên, đến nay người dân và trẻ em khi gặp các vấn đề về bảo vệ trẻ em trên mạng đã có những địa chỉ tin cậy để phản ánh, được hỗ trợ.

Năm 2024 đã có những bước tiến so với giai đoạn trước, tiêu biểu là sự phối hợp giữa 3 lực lượng chính gồm A05 (Bộ Công an), Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) và Cục trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) trong việc kết nối các cơ quan, đơn vị khác để tổ chức tập huấn toàn quốc cho hơn 24.000 người về công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

“Chúng ta cũng đã có Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, Câu lạc bộ bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng. Tuy vậy, giai đoạn tới, việc quan trọng là làm sao để có thể kết nối, phối hợp chặt chẽ thông qua các cuộc họp giao ban được duy trì thường xuyên hơn”, bà Nga chia sẻ.

Phó Chủ tịch VNISA Đặng Vũ Sơn cho rằng, Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng đến năm 2025 đã huy động được sự tham gia tích cực của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai vẫn còn những hạn chế trong việc kết nối và phối hợp giữa các bên liên quan.

Ông Đặng Vũ Sơn cho rằng, "chìa khóa" để giải quyết các thách thức và mang lại hiệu quả cao trong công tác bảo vệ trẻ em trên không gian mạng là sự kết nối, hợp tác giữa các đơn vị, các bên liên quan. 

Bà Phan Thị Kim Liên kiến nghị, các đơn vị, tổ chức cần tăng cường phối hợp nâng cao nhận thức, năng lực, vai trò, trách nhiệm của trẻ em khi để các em tương tác trên mạng xã hội.

Cùng với đó, chung tay xây dựng văn hóa sử dụng mạng lành mạnh, thúc đẩy văn hóa, hình thành thói quen dùng mạng văn minh cho trẻ em. Đặc biệt, trong bối cảnh công nghệ thay đổi rất nhanh, những đơn vị chịu trách nhiệm bảo vệ quyền trẻ em cần nghiên cứu, trải nghiệm các hành vi, thói quen của trẻ để có những phát hiện sớm, kịp thời hỗ trợ khi các em gặp các vấn đề trên mạng. 

Khánh Vân

Báo Lao động và Xã hội số 142