Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Vì trẻ em

Nỗ lực tổ chức dạy môn bơi trong trường học

Thời gian gần đây, vấn đề dạy bơi, phòng chống đuối nước cho học sinh trong trường học đã được ngành giáo dục đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, tính đến hiện tại, chưa tới 10% trường học có bể bơi. Việc xây dựng bể bơi và triển khai dạy bơi tại nhiều địa phương vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức.

Chỉ 8,63% trường học có bể bơi

Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, giai đoạn 2015-2020, trung bình mỗi năm, Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Mặc dù trong những năm gần đây, số trẻ em đuối nước giảm dần song vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em.

Trong 3 năm 2020 - 2022, toàn quốc đã xảy ra trên 500 vụ đuối nước, làm tử vong 1.956 trẻ em mầm non, học sinh. 10 địa phương có tỷ lệ đuối nước cao nhất trong các năm 2020 - 2022 gồm: Nghệ An, Thanh Hóa, Bắc Giang, Quảng Ninh, Kon Tum, Đắk Lắk, Quảng Bình, Bắc Ninh, Đồng Tháp, Hưng Yên.

Nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, học sinh. Ngoài nguyên nhân khách quan do địa hình, lũ lụt, thiên tai, một số nguyên nhân chủ quan như: Trẻ em, học sinh thiếu kỹ năng an toàn trong môi trường nước và sự quản lý của gia đình, người lớn tuổi, nhà trường còn lỏng lẻo, chưa chặt chẽ.

Theo số liệu thống kê của 59/63 Sở GD&ĐT, tính đến hết năm 2022, tổng số bể bơi trong trường học là 2.184 bể/25.307 trường, chiếm 8,63% trường học có bể bơi.

Nhiều địa phương đã quan tâm đầu tư xây dựng bể bơi trong trường học với số lượng khá lớn như: Bắc Giang 129 bể bơi; Bắc Ninh 80 bể bơi; Lâm Đồng 80 bể bơi, Bến Tre 75 bể bơi...

Ông Nguyễn Nho Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất (Bộ GD&ĐT) cho biết, việc đầu tư và đưa vào sử dụng các bể bơi trong trường học cơ bản đã phát huy hiệu quả, từng bước đáp ứng yêu cầu tổ chức dạy học môn bơi và các kỹ năng an toàn trong môi trường nước tại một số nhà trường. Một số trường có bể bơi đã linh động vận dụng các nguồn kinh phí xã hội hóa hợp pháp cho việc đầu tư nguồn nước, xử lý nguồn nước, phối hợp tổ chức dạy bơi cho học sinh theo quy định.

Tuy nhiên, còn nhiều địa phương có quá ít bể bơi trong trường học. Nhiều bể bơi đã xuống cấp, chất lượng nguồn nước chưa đảm bảo, không có kinh phí, không có nhân viên đủ năng lực vận hành bể bơi. Ở một số nơi, cơ chế kêu gọi xã hội hóa đầu tư hồ bơi trong trường học chưa rõ ràng, một số trường không đủ diện tích đất để xây hồ bơi…

Theo báo cáo của các Sở GD&ĐT, đại đa số giáo viên giáo dục thể chất đều có thể dạy bơi. Hiện nay, gần 70% giáo viên giáo dục thể chất đã được tập huấn về dạy bơi và kỹ năng phòng chống đuối nước, sơ cấp cứu ban đầu. Tuy nhiên, tỷ lệ giáo viên có chứng chỉ/chứng nhận hoàn thành tập huấn huấn luyện viên môn bơi do ngành văn hóa, thể thao và du lịch cấp còn thấp so với nhu cầu thực tế ở rất nhiều nơi. Đây là tình trạng phổ biến ở nhiều địa phương, nhất là ở các tỉnh vùng khó khăn, miền núi.

Tổ chức dạy bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trong trường học.

Tổ chức dạy bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trong trường học.

Đưa môn bơi vào trường học

Mặc dù còn nhiều khó khăn về nguồn lực, điều kiện đảm bảo để tổ chức dạy bơi cho học sinh trong trường học nhưng các địa phương, cơ sở giáo dục đã có nhiều cách làm sáng tạo để đưa môn bơi vào trường học trong giờ chính khóa và rèn luyện kỹ năng ngoại khóa.

Một số trường học có bể bơi đã xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức dạy bơi cho học sinh theo dạy học tự chọn môn Giáo dục thể chất trong giờ trái buổi của học chính khóa hoặc qua các giờ học ngoại khóa của nhà trường; đồng thời khai thác hiệu quả bể bơi ngoài giờ học chính khóa.

Một số trường do không bố trí được tiết học bơi trong giờ chính khóa nên tổ chức dạy bơi cho học sinh ngoài giờ học theo hình thức không thu tiền hoặc trong giờ ngoại khóa. Việc dạy bơi đã được các nhà trường chỉ đạo thực hiện trong nhiệm vụ dạy, học môn thể thao tự chọn, kế hoạch dạy học được duy trì, đảm bảo nội dung theo quy định.

Bên cạnh việc tổ chức dạy bơi cho học sinh trong nhà trường, các địa phương, nhà trường đã tích cực tuyên truyền, vận động và phối hợp cha mẹ học sinh đăng ký cho con em học bơi tại các cơ sở dạy bơi ngoài nhà trường và cử giáo viên thường xuyên theo dõi nắm tình hình về kết quả học bơi của học sinh.

Công tác truyền thông, giáo dục phòng tránh đuối nước cơ bản đã được triển khai đầy đủ, qua đó góp phần nâng cao ý thức của phụ huynh học sinh và bản thân học sinh trong việc phòng tránh tai nạn đuối nước.

Tham gia triển khai Chương trình phòng chống đuối nước cho trẻ em tại 12 tỉnh, thành phố, bà Đoàn Thị Thu Huyền, Giám đốc Tổ chức Campaign For Tobacco-Free Kids của Hoa Kỳ tại Việt Nam (Chương trình Vận động Chính sách Y tế toàn cầu) cho rằng, cần có quy chuẩn và tài liệu thống nhất về việc giảng dạy bơi an toàn; hướng dẫn bảo đảm phòng tránh tai nạn thương tích cho học sinh trong quá trình trước, trong và sau khi học. Bên cạnh đó, thúc đẩy giảng dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước, lồng ghép giảng dạy vào môn học chính thức và giờ học ngoại khóa tại các cấp học, ưu tiên cấp tiểu học và trung học cơ sở. Đồng thời, hoàn thiện chính sách và cơ chế linh hoạt nhằm quản lý, vận hành, duy tu, bảo dưỡng, khai thác hết công suất bể bơi, có thể phối hợp với các tổ chức tư nhân triển khai dạy bơi an toàn trong những tháng hè khi học sinh nghỉ học. Truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi an toàn của cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần thực hiện thường xuyên, không chỉ cao điểm trong những tháng hè…

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh, Trưởng Tiểu ban Giáo dục thể chất, Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực nhận định: Dạy bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trong trường học là vấn đề được cả xã hội quan tâm. Để thực hiện được công tác này, trách nhiệm không chỉ ở Bộ GD&ĐT mà cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội, sự phối hợp, vào cuộc quyết liệt của ngành Giáo dục và các bộ, ngành, địa phương…

Thứ trưởng Ngô Thị Minh cũng lưu ý công tác xã hội hóa cần được đẩy mạnh hơn nữa để công tác dạy bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trong trường học được thực hiện hiệu quả hơn, giảm thiểu tai nạn đuối nước ở trẻ em, học sinh.