Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Vì trẻ em

Phát huy kỹ năng tự học

LĐXH
LĐXH

(VTE) - Tự học giúp trẻ tự lập và là chìa khóa để hội nhập và phát triển bản thân. Do đó, ngay từ khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ và thầy cô cần rèn cho trẻ kỹ năng tự học.

Vì sao trẻ cần có kỹ năng tự học?

Thế giới với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, cùng với đó là sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo buộc con người phải có những thay đổi trong cách học và cách làm việc. Trong đó, kỹ năng tự học là điều kiện tiên quyết giúp trẻ thành công trong tương lai. 

Phát huy kỹ năng tự học - 1
Tự học giúp trẻ tự lập, xây dựng lòng tự tin, biết quản lý bản thân và tạo hứng thú trong việc học tập suốt đời. Ảnh minh họa

Tự học là khả năng tự mình tìm hiểu, nắm bắt và tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả mà không cần sự hướng dẫn hay giám sát quá nhiều từ người khác. Ngày nay, trẻ em có thể tự học qua sách, báo, Internet… và qua thực tế đời sống để mở rộng kiến thức, phát triển bản thân, rèn luyện các kỹ năng xã hội.

Tự học giúp trẻ phát triển khả năng tự lập: Kỹ năng tự học giúp trẻ biết cách lập kế hoạch, quản lý thời gian và hoàn thành nhiệm vụ một cách độc lập, không cần sự giám sát liên tục từ người lớn. Từ đó, trẻ tự giác sắp xếp việc học ở nhà, ở trường một cách khoa học.

Kỹ năng giải quyết vấn đề: Khi tự học, trẻ sẽ thường xuyên đối mặt với những thử thách và học được cách giải quyết vấn đề mà không phụ thuộc quá nhiều vào sự trợ giúp từ người khác.

Hình thành tư duy phản biện: Khi tự học, trẻ có cơ hội suy nghĩ độc lập, phân tích và đánh giá thông tin từ nhiều góc độ, giúp hình thành tư duy phản biện.

Nuôi dưỡng sự sáng tạo và niềm đam mê: Tự học cho phép trẻ theo đuổi những lĩnh vực mà chúng thực sự quan tâm, từ đó phát triển niềm đam mê và khả năng sáng tạo.

Xây dựng lòng tự tin: Khi tự mình học được kiến thức hoặc kỹ năng mới, trẻ sẽ cảm thấy tự tin hơn vào khả năng của bản thân. Điều này cũng khuyến khích trẻ sống có tinh thần trách nhiệm hơn. Trẻ sẽ hiểu được rằng, kết quả học tập của mình phụ thuộc vào nỗ lực cá nhân, từ đó tạo động lực để phấn đấu.

Phát triển kỹ năng học tập suốt đời: Tự học không chỉ giới hạn trong thời gian đi học. Ngay cả khi đã trưởng thành, con người vẫn cần tiếp tục tự học để bắt kịp bạn bè, đồng nghiệp và phát triển bản thân. 

Cải thiện kỹ năng giao tiếp: Trẻ tự học thường có xu hướng tham gia vào các cuộc thảo luận học thuật và chia sẻ kiến thức với người khác, điều này giúp cải thiện kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm. Và khi có kiến thức vững chắc từ việc tự học, trẻ sẽ tự tin hơn khi trình bày quan điểm và ý tưởng của mình.

Vững bước vào đời: Khả năng tự học giúp trẻ dễ dàng thích nghi với những yêu cầu mới, kiến thức mới và công nghệ mới.

Kỹ năng tự học không chỉ giúp trẻ nâng cao kiến thức, học tập tốt hơn mà còn chuẩn bị cho trẻ một cuộc sống tự chủ, có trách nhiệm và thành công trong tương lai.

Làm thế nào để khuyến khích trẻ tự học?

Phát huy kỹ năng tự học - 2

Khuyến khích trẻ tự học là một mục tiêu quan trọng trong việc phát triển kỹ năng học tập suốt đời. Cha mẹ và thầy cô giáo có thể áp dụng một số cách để thúc đẩy việc tự học ở trẻ như:

Tạo môi trường học tập tích cực: Được học tập trong một không gian yên tĩnh và thoải mái, trẻ sẽ tập trung tối đa cho việc học.

Khuyến khích trẻ khám phá: Cha mẹ và thầy cô khuyến khích trẻ tự do khám phá các chủ đề mà chúng quan tâm. Hãy để trẻ tham gia vào các hoạt động thực tiễn như thí nghiệm khoa học, dự án sáng tạo, hoặc đơn giản là làm việc nhà. Nếu cần, người lớn có thể trợ giúp thêm. 

Dạy trẻ cách lập kế hoạch: Để có khả năng tự học, trẻ cần biết cách lập kế hoạch và sắp xếp thời gian khoa học, đặt ra các mục tiêu học tập và tự quản lý công việc của mình.

Khen ngợi sự nỗ lực: Cha mẹ thay vì chỉ tập trung vào kết quả, hãy khen ngợi sự nỗ lực và quá trình học tập của trẻ. 

Gắn học tập với thực tế: Cha mẹ giúp trẻ nhận ra sự liên quan giữa kiến thức học được và cuộc sống thực tế. Gắn học tập với thực tế sẽ làm cho việc học trở nên có ý nghĩa hơn.

Cha mẹ cần làm gương: Cha mẹ tích cực đọc sách, nghiên cứu hoặc học hỏi điều mới sẽ truyền cảm hứng cho trẻ làm theo.

Cung cấp công cụ hỗ trợ: Có đủ các công cụ học tập như sách, thiết bị, ứng dụng giáo dục và tài nguyên trực tuyến trẻ sẽ có thể học mọi lúc, mọi nơi.

Hướng dẫn trẻ cách tìm kiếm thông tin: Cha mẹ và thầy cô cần giúp trẻ cách tìm kiếm thông tin chính xác và đánh giá tính hợp lý của nguồn tài liệu.

Cùng thảo luận và chia sẻ: Cha mẹ khuyến khích con đặt câu hỏi và thảo luận về những gì trẻ học được với bạn bè, gia đình, hoặc thầy cô. Việc cha mẹ cho phép con dạy lại những điều đã học cho người khác sẽ giúp trẻ củng cố thêm kiến thức và phát triển kỹ năng giao tiếp, thuyết trình.

Thanh Huyền

Ấn phẩm Vì trẻ em số 16