Việc phát hiện và can thiệp kịp thời dậy thì sớm là cần thiết để bảo vệ sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ.
Cảnh báo gia tăng trẻ dậy thì sớm
Theo số liệu thống kê tại Bệnh viện Nhi trung ương, trẻ dậy thì sớm được ghi nhận tăng dần qua các năm: Giai đoạn từ năm 2018 - 2021 có khoảng gần 700 trẻ dậy thì sớm; giai đoạn 2021 - 2024 tăng gần gấp đôi với 1.200 trẻ.
Thông thường, bé gái sẽ dậy thì vào độ tuổi từ 8-13 và bé trai sẽ dậy thì vào độ tuổi từ 9-14 tuổi. Dậy thì sớm là sự xuất hiện những đặc tính sinh dục thứ phát ở trẻ gái trước 8 tuổi và ở trẻ trai trước 9 tuổi.
Bác sĩ Cấn Thị Bích Ngọc, Trung tâm Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền và Liệu pháp phân tử, Bệnh viện Nhi trung ương, cho biết: “Dậy thì sớm là tình trạng phát triển các đặc tính sinh dục sớm hơn bình thường. Với bé gái, dấu hiệu dậy thì sớm là thay đổi hình dáng cơ quan sinh dục ngoài, phát triển tuyến vú và tăng nhanh về chiều cao.
Đối với bé trai, dấu hiệu của dậy thì sớm là tăng thể tích tinh hoàn và các dấu hiệu khác như: vỡ giọng, mặt xuất hiện mụn trứng cá, lông nách… Chiều cao, cân nặng của trẻ tăng nhanh, thay đổi tính khí, cơ thể có mùi… là biểu hiện dậy thì sớm được ghi nhận ở cả hai giới”.
Trẻ được đánh giá mức độ dậy thì qua tuổi xương, siêu âm tử cung buồng trứng, siêu âm thận để kiểm tra có bất thường hay không. Ngoài ra, trẻ còn được chụp cộng hưởng từ, xét nghiệm hormone sinh dục.
Các yếu tố ảnh hưởng tới dậy thì sớm bao gồm cả yếu tố môi trường và nội sinh. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, trẻ bị hút thuốc lá thụ động hoặc mẹ hút thuốc trong quá trình mang thai có thể dẫn đến các bé gái sớm có kinh nguyệt, bé trai vỡ giọng sớm.
Béo phì cũng là tác nhân gây dậy thì sớm. Sự tổn thương hệ thần kinh trung ương, trong đó phổ biến là khối u não, nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương, xuất huyết não cũng là nguyên nhân gây ra bệnh này. Ngoài ra, nhiều trường hợp trẻ dậy thì sớm vô căn.
Trẻ dậy thì sớm có thể phải gánh chịu những hệ lụy không tốt. “Trẻ dậy thì sớm sẽ cốt hóa xương sớm dẫn tới bị lùn khi trưởng thành. Cơ thể thay đổi nhanh hơn còn khiến trẻ bị khủng hoảng cảm xúc, tâm lý”, bác sĩ Cấn Thị Bích Ngọc cho biết.
Ban đầu, trẻ có thể phát triển nhanh về chiều cao, nhưng sau đó sẽ tăng chậm lại, thấp hơn các bạn cùng lứa tuổi và thường không thể đạt được chiều cao tối đa của người trưởng thành.
Cùng với đó, tâm lý của trẻ dậy thì sớm cũng bị ảnh hưởng. Trẻ mặc cảm về sự phát triển khác lạ của cơ thể khi so sánh với các bạn cùng tuổi. Trẻ có nguy cơ bị lạm dụng tình dục do chưa biết tự bảo vệ bản thân.
Chủ động phòng ngừa dậy thì sớm
Khi nhận thấy những biểu hiện dậy thì sớm ở trẻ, cha mẹ cần xử trí đúng cách để phòng tránh tối đa nguy cơ về sức khỏe và tâm lý của trẻ. Cha mẹ nên đưa trẻ đi khám sớm để được điều trị kịp thời.
Điều trị dậy thì sớm cho trẻ tốt nhất là ở thời điểm trước 6 tuổi, bởi đây là giai đoạn tuổi xương ở trẻ bắt đầu tăng cao. Việc can thiệp điều trị đúng thời điểm có tác dụng làm chậm quá trình dậy thì, cải thiện chiều cao khi trưởng thành. Tùy theo nguyên nhân, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Trẻ có thể được dùng thuốc cân chỉnh nồng độ hormone giới tính để phòng ngừa sự phát triển cơ thể do dậy thì sớm.
Để chủ động phòng ngừa nguy cơ dậy thì sớm ở trẻ, cha mẹ nên kiểm soát các yếu tố dinh dưỡng, vận động, sàng lọc bệnh lý; xây dựng môi trường học tập, sinh hoạt lành mạnh cho trẻ.
Cha mẹ nên theo dõi chỉ số phát triển của trẻ thường xuyên (3 tháng/lần) và đối chiếu theo bảng đánh giá chiều cao, cân nặng chuẩn WHO. Bên cạnh đó, chế độ ăn của trẻ cần đa dạng, phong phú, đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường rau, củ, trái cây theo mùa; hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhiều dầu mỡ, chất béo, đồ ăn có hàm lượng đường cao.
Cha mẹ nên khuyến khích trẻ tập luyện thể dục thể thao ít nhất 45 phút mỗi ngày; không cho trẻ dùng mỹ phẩm hoặc các loại thuốc gây ảnh hưởng đến nội tiết tố quá sớm.
Thùy Dương
Ấn phẩm Vì trẻ em số 20