Thực hiện Chỉ thị số 39/CT-TW ngày 01/11/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác NKT (sau đây gọi tắt là Chỉ thị số 39-CT/TW); Quyết định số 753/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW, UBND tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng Kế hoạch số 129/KH-UBND ngày 17/7/2020 thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW nhằm quán triệt sâu rộng và thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 39-CT/TW, tạo chuyển biến về nhận thức, hành động, phát huy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong việc phối hợp thực hiện hoạt động trợ giúp NKT theo chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động trợ giúp NKT, khuyến khích và hỗ trợ NKT có khả năng lao động, học tập, khắc phục khó khăn vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của NKT và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Không chỉ dừng ở đó, thực hiện Quyết định số 1190/QĐ-TTg ngày 5/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình trợ giúp NKT giai đoạn 2021-2030, ngày 14/9/2020, UBND tỉnh đã xây dựng Kế hoạch số 168/KH-UBND thực hiện chương trình trợ giúp NKT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030. Kế hoạch này đã đưa ra 16 mục tiêu cụ thể cho giai đoạn 2021-2025 và 2025-2030 để thực hiện tốt các quy định của Luật Người khuyết tật nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của NKT; hỗ trợ và tạo điều kiện để NKT tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội; bảo đảm quyền lợi hợp pháp và xây dựng môi trường không rào cản đối với NKT. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và người dân về công tác bảo vệ, chăm sóc và trợ giúp NKT.
Theo Kế hoạch số 168/KH-UBND, mục tiêu giai đoạn 2021-2025, NKT đủ điều kiện theo quy định của Nhà nước, của tỉnh được giải quyết hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội thường xuyên và các chế độ trợ giúp khác đạt 100%; NKT đặc biệt nặng không nơi nương tựa, không tự lo được cuộc sống được tiếp nhận, quản lý, chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội 100%; NKT tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau hàng năm đạt 80% (giai đoạn 2021-2025) và 90% (giai đoạn 2026-2030); Trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm khuyết tật bẩm sinh, rối loại phát triển và can thiệp sớm các dạng khuyết tật đạt 70% (giai đoạn 2021-2025) và 80% (giai đoạn 2026-2030); NKT có nhu cầu được can thiệp phẫu thuật chỉnh hình và phục hồi chức năng tại cơ sở y tế và cung cấp các dịch vụ trợ giúp phù hợp đạt 90% (giai đoạn 2021-2025) và 100% (giai đoạn 2026-2030);…
Để những mục tiêu trên sớm trở thành hiện thực, thời gian qua, các cấp, các ngành, các địa phương trên toàn tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước và của tỉnh về NKT, làm chuyển biến cơ bản nhận thức của xã hội, gia đình và bản thân NKT về vấn đề khuyết tật và NKT, phòng chống phân biệt đối xử đối với NKT; đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp để tăng cường cơ hội tiếp cận thông tin của NKT.
Tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày NKT Việt Nam (18/4) và Ngày Quốc tế NKT (3/12) hằng năm; kêu gọi, tiếp nhận sự ủng hộ, trợ giúp của các tổ chức, cá nhân có tấm lòng hảo tâm đối với NKT; kịp thời tuyên dương các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc trợ giúp NKT và những NKT vượt khó.
Đồng thời, tổ chức các hội nghị, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, hỗ trợ NKT cho các tổ chức, cá nhân và gia đình NKT; đào tạo nâng cao nhận thức cho các cấp lãnh đạo chính quyền, hội, đoàn thể, nhân viên và cộng tác viên trợ giúp NKT; tập huấn cho gia đình NKT về kỹ năng, phương pháp chăm sóc và phục hồi chức năng cho NKT; tập huấn các kỹ năng sống cho NKT; trao đổi, học tập kinh nghiệm trợ giúp NKT trong nước và nước ngoài. Kiểm tra, giám sát đánh giá việc thực hiện các chương trình và chính sách pháp luật đối với NKT.
Bên cạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, năng lực chăm sóc, hỗ trợ NKT, tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu các sở, ban, ngành, các đơn vị, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác quản lý và chính sách hỗ trợ NKT bằng các việc làm cụ thể như: Nâng cao năng lực công tác thống kê, thực hiện lồng ghép hoặc tổ chức điều tra, khảo sát thống kê chuyên đề về NKT; kết nối cơ sở dữ liệu của tỉnh với quốc gia; thường xuyên cập nhật và duy trì hoạt động hệ thống quản lý NKT của tỉnh để phục vụ công tác quản lý nhà nước và xây dựng kế hoạch hỗ trợ NKT. Hỗ trợ trang thiết bị phục vụ hoạt động của hệ thống quản lý NKT tại 13 huyện, thị xã, thành phố và 177 xã, phường, thị trấn. Kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành chính sách trợ giúp NKT phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh theo từng giai đoạn.
Mặt khác, tỉnh Quảng Ninh quyết tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách đối với NKT đủ điều kiện theo quy định và huy động sự đóng góp của cộng đồng, tạo điều kiện cho NKT cải thiện, ổn định cuộc sống và nâng cao chất lượng cuộc sống. Triển khai các hoạt động hỗ trợ NKT thông qua lồng ghép với các chương trình, đề án của tỉnh: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình giải quyết việc làm; Chương trình hỗ trợ nhà ở... Đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, mở rộng quy mô và cung cấp trang thiết bị phục hồi chức năng cho các Cơ sở trợ giúp xã hội; khuyến khích các cá nhân, tổ chức tham gia vào lĩnh vực chăm sóc, trợ giúp NKT có nhu cầu trợ giúp xã hội phù hợp với chủ trương của Chính phủ và của tỉnh Quảng Ninh...
Với việc thực hiện kịp thời các chính sách đối với NKT và huy động được sự tham gia, đóng góp của các cấp, các ngành, đơn vị và địa phương, các cá nhân cũng như tập thể và cộng đồng trong việc trợ giúp NKT, những năm qua, đời sống vật chất và tinh thần của NKT Quảng Ninh đã không ngừng được cải thiện và nâng cao, giúp NKT từng bước hòa nhập với xã hội, vươn lên trong cuộc sống.