Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Vì trẻ em

Quyết liệt vào cuộc để xóa bỏ lao động trẻ em

Ngày 1/12, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các bộ, ngành, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức Hội thảo triển khai Chương trình quốc gia về phòng ngừa và giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà chủ trì hội nghị.

Nguy cơ gia tăng lao động trẻ do tác động của COVID-19

Lao động trẻ em là vấn đề mang tính toàn cầu. Theo ước tính của Tổ chức Lao động quốc tế, năm 2020 có 160 triệu trẻ em tham gia LĐTE và 79 triệu em đang làm những công việc nguy hiểm. Đặc biệt trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cảnh báo số lao động trẻ em trên toàn thế giới sẽ tăng lên 168,9 triệu vào năm 2022 .

Ở Việt Nam, theo kết quả khảo sát quốc gia về lao động trẻ em năm 2018, cho thấy lao động trẻ em từ 5-17 là 1.031.944 em, chiếm 5,4% tổng dân số trẻ em từ 5 - 17 tuổi (giảm hơn 4% so với năm 2012) , thấp hơn so với các nước trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương và toàn cầu năm 2016 tương ứng là 9,6% và 10,6%.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà yêu cầu lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình trong việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà yêu cầu lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình trong việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Công tác phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em luôn được Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm đầu tư. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016-2020. Qua 5 năm thực hiện, Chương trình đã được bộ, ngành, địa phương và các tổ chức quốc tế quan tâm phối hợp, hỗ trợ và thu được kết quả đáng ghi nhận. Việt Nam đã tăng cường hội nhập quốc tế trong công tác phòng ngừa lao động trẻ em và trở thành một trong 26 quốc gia tiên phong tham gia liên minh 8.7.  

Việc lao động sớm ảnh hưởng đến việc học tập, phát triển thể chất và tâm lý của trẻ em. Bên cạnh đó, nếu có lao động trẻ em trong chuỗi cung ứng các mặt hàng như dệt may, thủy sản, nông sản thì nguy cơ bị phạt rất cao do Chính phủ Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại quốc tế. Tuy nhiên, việc phát hiện lao động trẻ em gặp không ít khó khăn do các em thường làm việc ở trong lĩnh vực nông nghiệp; nơi khó can thiệp, kiểm tra như hộ gia đình, cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, khu vực phi chính thức...

Thủ tướng đã phê duyệt Chương trình quốc gia về phòng ngừa và giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021 -2025, định hướng đến 2030. Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đề nghị: “Các bộ ngành, đoàn thể, địa phương và các tổ chức chủ động triển xây dựng các kế hoạch, các giải pháp phù hợp với thực tiễn để làm tốt hơn công tác phòng ngừa giảm thiểu lao động trẻ em theo trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức. Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn trong bối cảnh đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 68, số 126. Lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình trong việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, các kế hoạch, đề án của bộ, ngành, địa phương”.

Công an xã sẽ vào cuộc để phòng, chống lao động trẻ em

Bà Angie Peltzer, Trưởng bộ phận Hợp tác và Hỗ trợ Kỹ thuật Châu Á, Trung Đông, Châu Âu - Văn phòng Lao động Trẻ em, Lao động Cưỡng bức và Buôn bán người - Cục Lao động Quốc tế - Bộ Lao động Hoa Kỳ đánh giá cao những nỗ lực để phòng, chống lao động trẻ em giai đoạn 2016 – 2020 của Việt Nam. Hiện nay, đã có 27 địa phương xây dựng kế hoạch triển khai duyệt Chương trình quốc gia về phòng ngừa và giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021 -2025, định hướng đến 2030. Đặc biệt, Việt Nam đã tiến hành điều tra quốc gia lần 2 về lao động trẻ em và đã có hàng nghìn trẻ em đã được đưa ra khỏi lao động trẻ em. Bà Angie Peltzer cho biết, Bộ Lao động Hoa Kỳ cam kết chung tay cùng Việt Nam để giảm thiểu lao động trẻ em.

Theo bà Bharati Pflug, chuyên gia cao cấp của ILO, lao động trẻ em không chỉ gây rủi ro về uy tín cho Việt Nam với tư cách là một đối tác thương mại quốc tế và làm suy yếu năng lực của lực lượng lao động tương lai của đất nước, mà còn làm xói mòn quyền của trẻ em và gia tăng tình trạng nghèo đói theo chu kỳ. “Việt Nam đã cam kết tuân thủ các tiêu chuẩn lao động quốc tế, bao gồm xóa bỏ lao động trẻ em, theo yêu cầu của các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới. Việc thực hiện Chương trình quốc gia phòng ngừa giảm thiểu lao động trẻ em sẽ đảm bảo rằng cam kết này được áp dụng trên thực tế, tạo điều kiện cho Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu; điều này rất quan trọng đối với sự phục hồi kinh tế của đất nước sau  COVID-19 ”, bà nói thêm.

Bà Lesley Miller, Phó trưởng đại diện UNICEF Việt Nam cho rằng,  lao động trẻ em có thể phòng ngừa được thông qua các cách tiếp cận tích hợp đồng thời giải quyết tình trạng nghèo đói, thiếu thốn và bất bình đẳng, cải thiện khả năng tiếp cận với dịch vụ bảo trợ xã hội, chất lượng giáo dục và huy động sự ủng hộ của cộng đồng đối với việc tôn trọng quyền trẻ em. Để phòng, chống lao động trẻ em cần chú trọng thúc đẩy các quy định về điều kiện lao động đối với trẻ em đủ tuổi lao động. Thúc đẩy các chuẩn mực xã hội và thái độ của công chúng trong việc phản đối lao động trẻ em. Đưa các mối quan tâm về lao động trẻ em vào các kế hoạch giáo dục. Thúc đẩy khu vực tư nhân và tổ chức xã hội cùng hành động để xóa bỏ lao động trẻ em.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, Chương trình quốc gia về phòng ngừa và giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 có ba mục tiêu cốt lõi: Ngăn ngừa và phát hiện các trường hợp lao động trẻ em trái pháp luật và hỗ trợ và can thiệp cho trẻ em tham gia lao động trái pháp luật và trẻ em có nguy cơ; nâng cao nhận thức về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em; và nâng cao năng lực về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em.

Từ đó, Chương trình đưa ra 5 giải pháp để thực hiện: Đó là, hoàn thiện chính sách, pháp luật; Đẩy mạnh truyền thông, giáo dục, vận động xã hội; Nâng cao năng lực cho chính quyền các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, người sử dụng lao động, chuẩn hóa tài liệu, đào tạo giảng viên nguồn; Triển khai các giải pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp; Thanh tra, kiểm tra để kịp thời xử lý.

Tại hội thảo, thượng tá Ngô Xuân Ý - Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho hay, cơ quan này đã chỉ đạo tới lực lượng công an cấp xã, nhất là các cán bộ công an chính quy nắm rõ tình hình địa phương để phấn đấu hoàn thành mục tiêu 100% trẻ có nguy cơ trở thành lao động trẻ em, nguy cơ thành nạn nhân mua bán người được hỗ trợ, quản lý, theo dõi. Trước mắt, ngành công an nâng cao chất lượng giải quyết tin báo và tập huấn năng lực điều tra thân thiện với cán bộ cấp cơ sở liên quan đến vấn đề lao động trẻ em.