Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Vì trẻ em

Rất ít cha mẹ nhận ra sự thay đổi cảm xúc và hành vi của chính con mình

Trần Huyền
Trần Huyền

Theo UNICEF, chỉ có 5,1% cha mẹ có con vị thành niên nhận thấy con mình cần sự giúp đỡ đối với các vấn đề về cảm xúc và hành vi.

Nâng cao nhận thức của tất cả các cấp về sức khỏe tâm lý xã hội của trẻ em và thanh thiếu niên là một việc làm cần thiết.

Các chuyên gia Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) chỉ ra, sức khỏe tâm thần có vấn đề sẽ gây ra đau khổ cho trẻ em và thanh niên. Các vấn đề về sức khoẻ tâm thần chủ yếu thường gặp ở trẻ là trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, rối loạn lo âu, áp lực căng thẳng…

tre vi thanh nien 1.jpeg
Rất ít cha mẹ nhận ra các vấn đề về sức khỏe tâm thần của chính con mình (Ảnh minh họa: Capcut).

Đặc biệt, trẻ vị thành niên là giai đoạn có những biến động về tâm sinh lý, nếu trẻ không được lắng nghe, quan tâm đúng cách thì có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là xuất hiện ý tưởng và hành vi tự tử.

Thực tế trong bối cảnh bùng nổ mạng xã hội, nhiều bạn trẻ thiếu các kỹ năng mềm, khó hòa nhập với cộng đồng, kém linh hoạt khi ứng phó với các tình huống stress trong cuộc sống.

Theo kết quả trong “Nghiên cứu toàn diện về các yếu tố liên quan đến trường học ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và sự phát triển toàn diện của trẻ em nam và nữ vị thành niên tại Việt Nam” do UNICEF tại Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT công bố, thì 20% trẻ vị thành niên có vấn đề về sức khỏe tâm thần và chỉ 8,4% các em được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ hoặc tư vấn. 

Hơn thế nữa, chỉ có 5,1% cha mẹ có con vị thành niên nhận thấy con mình cần sự giúp đỡ đối với các vấn đề về cảm xúc và hành vi.

Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra, nhiều phụ huynh gây áp lực buộc con em mình phải thành công và có những tiêu chuẩn cao khiến các em phải “học 24/24h”.

Theo Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, năm 2023, số cuộc gọi của nhóm từ 10 tuổi trở lên tăng so với năm 2022. Các em ở độ tuổi 10-16 thường gọi đến Tổng đài vào khung giờ 22-24h khi các thành viên trong gia đình đã đi ngủ để có thể dễ dàng chia sẻ, tâm sự, giải tỏa những áp lực, căng thẳng trong học tập và những tổn thương về tâm lý khi gặp khó khăn trong mối quan hệ ứng xử với các thành viên trong gia đình.

Các chuyên gia UNICEF cũng chỉ ra, sức khỏe tâm thần có vấn đề sẽ gây ra đau khổ cho trẻ em và thanh niên. Vì vậy, cần nhận biết những áp lực, dần dần dẫn đến căng thẳng, stress của trẻ để giúp trẻ nhận diện, đối mặt và vượt qua. 

Phụ huynh có vai trò rất quan trọng trong việc phòng ngừa, phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ gây rối loạn sức khỏe tâm thần ở trẻ.

Bên cạnh việc học tập văn hóa, phụ huynh cần quan tâm đến sự phát triển tâm, sinh lý của trẻ ở lứa tuổi vị thành niên. Phụ huynh không nên quá tạo áp lực cho trẻ, cần khuyến khích, động viên và tạo điều kiện cho trẻ vui chơi, thư giãn phù hợp.

Nhà trường nên phối hợp với chuyên gia tâm lý học đường để tổ chức các hoạt động ngoại khóa, giúp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học sinh, kịp thời phát hiện và hỗ trợ trẻ khi gặp các vấn đề tâm lý.