Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Vì trẻ em

Rèn luyện kỹ năng tự học, phát huy năng lực bản thân

LĐXH
LĐXH

(VTE) - Tự học là thói quen cần thiết dù ở bất kỳ lứa tuổi nào. Có tính tự lập, tự giác trong việc học ngay từ nhỏ sẽ giúp trẻ trở thành người có khả năng tự học suốt đời.

Trên hành trình học tập của con trẻ, rất cần sự kiên trì và đồng hành của cha mẹ. 

Cần chú trọng rèn luyện kỹ năng tự học cho trẻ 

Tuy con trai đã học lớp 3 nhưng vợ chồng chị Mai Anh (Hà Nội) không yên tâm để con tự học nên buổi tối phải thay nhau ngồi học cùng con. Chị Mai Anh cho biết: “Con viết chữ ẩu và tính học môn Toán chậm nên nếu không có bố hoặc mẹ ngồi học cùng thì con không hoàn thành hết phiếu cô giáo giao. Dù rất muốn con tự học, tự làm bài và bố mẹ chỉ soát bài kiểm tra xem con làm đúng chưa, nhưng để tự học thì con rất dễ bị phân tâm bởi các thứ khác. Tôi chưa biết làm cách nào để nâng cao khả năng tự học cho con”.

Rèn luyện kỹ năng tự học, phát huy năng lực bản thân - 1
Tự học giúp học sinh mở mang tầm hiểu biết, chủ động tìm kiếm thông tin bên ngoài sách vở. Ảnh minh họa

Khác với chị Mai Anh, anh Mạnh Dũng (Phú Thọ) cho rằng, học là việc của con và chấp nhận con có thể viết xấu, làm bài sai. “Việc để con tự học bài, tự soạn bài vở là tôi muốn con có ý thức tự giác, có trách nhiệm và làm việc đến nơi đến chốn. Tôi biết, nếu bố mẹ ngồi học cùng con thì kết quả sẽ tốt hơn, nhưng như vậy con dễ ỷ lại. Vợ chồng tôi chỉ giao bài, sau đó để con tự giác làm và kiểm tra, hướng dẫn con làm lại những bài chưa đúng”- anh Mạnh Dũng cho biết.

Tự học được nhiều người cho là con đường đi tới thành công trong cuộc sống. Tự học giúp mỗi người chủ động tìm hiểu, thu thập kiến thức, tự làm giàu kho kiến thức của mình. Trẻ em có kỹ năng tự học khi còn học phổ thông sẽ là tiền đề tốt cho việc tự học ở bậc đại học, sau đại học.

Tuy nhiên, thực tế kỹ năng tự học của học sinh Việt Nam chưa cao. Nguyên nhân được cho là liên quan đến phương pháp giảng dạy, chương trình học, môi trường, điều kiện học tập, sự tác động của mạng xã hội và các thiết bị điện tử (máy tính, điện thoại…), thiếu động lực và thói quen tự học.

Tạo cơ hội để trẻ phát triển năng lực tự học

Tự học là kỹ năng quan trọng giúp học sinh phát triển kiến thức, khả năng tự quản lý. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, trước tiến bộ của khoa học công nghệ, môi trường làm việc đòi hỏi sự sáng tạo và khả năng thích nghi thì vai trò của tự học trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Tự học cũng là xu thế tất yếu của mọi nền giáo dục trên thế giới. Khi một người có khả năng tự học sẽ biết cách khai thác, lĩnh hội kiến thức và kinh nghiệm một cách chủ động, có kỹ năng giải quyết vấn đề, có khả năng học tập suốt đời để chiếm lĩnh các mục tiêu trong cuộc sống, thích nghi với các hoàn cảnh khác nhau.

Chương trình Giáo dục phổ thông mới với trọng tâm phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh, trong đó năng lực tự chủ và tự học là cốt lõi để học sinh hình thành, phát triển các năng lực khác. 

Phụ huynh nên rèn cho trẻ khả năng tự chủ, tự học ngay từ lứa tuổi tiểu học - độ tuổi dễ tiếp thu và hình thành các kỹ năng quan trọng. Trước tiên, cha mẹ cần giúp trẻ xác định thái độ đúng đắn đối với việc học. Việc học không chỉ dừng lại ở sách vở, điểm số trên lớp, mà mục tiêu là khám phá kiến thức, cầu thị, tu dưỡng bản thân. Sau khi có ý thức tự học, trẻ nên được rèn luyện thói quen tự chủ học tập, phát triển các kỹ năng tìm hiểu, xử lý thông tin, đặt câu hỏi, giải quyết vấn đề, phản biện để củng cố năng lực tự học.

Theo chuyên gia giáo dục TS Vũ Thu Hương, việc học là nhiệm vụ của trẻ: Nếu cha mẹ liên tục nhắc nhở con học bài thì sau này con cứ chờ nhắc thì mới học. Trẻ sẽ nghĩ việc học là việc của bố mẹ. Và như vậy, vô tình cha mẹ đã tạo cho trẻ thói ỉ lại, tính chủ động bị hạn chế.

Học là nhiệm vụ quan trọng: Ở bậc tiểu học, trẻ cần biết cách nhận và thực hiện các nhiệm vụ của mình. Trẻ cần biết cách làm tính, viết đúng chính tả, biết cách sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ để mô tả một sự vật, hiện tượng. Như vậy, trẻ mới hoàn tất nhiệm vụ ở lớp do cô giáo giao. Bên cạnh đó, trẻ cần học cách sống trong tập thể, cách làm việc nhóm, cách phát triển tốt trong môi trường của trẻ nói riêng và môi trường sống của con người nói chung. 

Điều tiết sự học và thời gian học hợp lý: Những khi trẻ có thời gian rảnh, cha mẹ hãy cố gắng cho con tham gia các hoạt động ngoài trời như: đi bơi, đi công viên, đạp xe, về quê thăm ông bà hoặc theo học các lớp ngoại khóa... Cha mẹ tránh để con ở nhà một mình với tivi hay các thiết bị điện tử. Việc tạo thời gian nghỉ ngơi cho con chính là để trẻ bớt bị áp lực, đỡ ghét việc học, hứng thú hơn khi tới trường.

Hãy khuyến khích trẻ đúng lúc: Khi con nhận được lời khen ngợi của thầy cô, cha mẹ hãy khen con thêm chút xíu. Lời khen đúng lúc, đúng chỗ bao giờ cũng có tác dụng vô cùng lớn, là động lực cho con phấn đấu hơn nữa.

Tuyệt đối không so sánh hoặc lấy ai đó làm gương khi giáo dục con: So sánh con  với trẻ khác là sự xúc phạm nhân cách nặng nề. Con là con, con có thể chưa hoàn hảo nhưng cũng có vô khối ưu điểm và những thế mạnh khác. Vì thế, khi khen ngợi con, hãy khen ngợi sự phấn đấu của con, tiến bộ của con, chứ đừng khen ngợi điểm số. Điều đó sẽ khiến con hào hứng học hơn.

Kim Liên

Ấn phẩm Vì trẻ em số 18