Phòng, chống đuối nước cho trẻ em
Nhằm kiểm soát, giảm thiểu tình hình tai nạn, thương tích trẻ em, nhất là tai nạn đuối nước, thời gian qua, các phòng, ban, đơn vị, Ủy ban nhân dân các phường, xã thường xuyên kiểm tra, rà soát lại các sông, suối, ao, hồ… cắm biển cảnh báo, có phương án rào chắn an toàn; tăng cường công tác tuyên truyền cho nhân dân và các em học sinh; hướng dẫn xây dựng “ngôi nhà an toàn”, “trường học an toàn”, “cộng đồng an toàn”.
Bà Trần Thị Hoàng Mỹ - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng đánh giá rằng dù tình trạng đuối nước những năm gần đây có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. Năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 27 vụ tai nạn đuối nước (năm 2021 có 17 vụ, 9 tháng đầu năm 2022 có 10 vụ), trong đó có 19 trẻ em dưới 6 tuổi. Vì vậy, mong muốn các ngành, đoàn thể, các địa phương tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện các giải pháp, hoạt động thiết thực, hiệu quả để phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định, kỹ năng về phòng, chống đuối nước trẻ em bằng nhiều hình thức; xây dựng môi trường an toàn cho trẻ em nói chung và phòng ngừa tai nạn đuối nước cho trẻ em nói riêng. Qua đó, huy động các nguồn lực xã hội hóa để xây dựng hồ bơi và tổ chức dạy bơi an toàn cho trẻ em; vận động gia đình, người chăm sóc trẻ em thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ; đưa trẻ em đi học bơi an toàn, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước…
Tại tỉnh Sóc Trăng, những năm qua công tác phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ em, đặc biệt là phòng, chống đuối nước luôn được tích cực thực hiện bằng nhiều giải pháp với sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên của các cấp, các ngành, các địa phương. Điển hình, thị xã Vĩnh Châu đã tập trung xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách liên quan đến phòng, chống đuối nước tại 5 xã như: Vĩnh Hiệp, Vĩnh Tân, Lai Hòa, Lạc Hòa, Vĩnh Hải; năm 2022 được 50 lớp dạy bơi miễm phí cho 1.000 trẻ em.
Theo bà Hoàng Mỹ, giai đoạn 2012 - 2020, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn các ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện thí điểm mô hình Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em tại 33 xã điểm. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn thực hiện quy trình công nhận Ngôi nhà an toàn đối với hộ gia đình; thành lập Ban Bảo vệ trẻ em, hình thành đội ngũ cộng tác viên và phân công cán bộ khảo sát, nắm thông tin về tình hình tai nạn, thương tích trẻ em ở cơ sở. Tổ chức Chiến dịch tư vấn hộ gia đình, cấp phát bảng Tiêu chí Ngôi nhà an toàn cho 63.445 hộ gia đình có trẻ em. Vận động các hộ gia đình có trẻ em đăng ký thực hiện tốt 33 Tiêu chí Ngôi nhà an toàn, đồng thời tư vấn cho các hộ gia đình chưa đạt các tiêu chí biết cách phòng chống để loại bỏ các nguy cơ gây tai nạn, thương tích trẻ em trong nhà.
Hàng năm, Ban Bảo vệ trẻ em các xã điểm tổ chức đánh giá kết quả thực hiện thông qua việc tổ chức kiểm định 33 tiêu chí ngôi nhà an toàn và đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí đối với từng hộ gia đình cụ thể. Đến nay, đã công nhận 47.903/63.445 hộ gia đình có trẻ em đạt tiêu chí Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em.
Cục Trẻ em (Ban Quản lý Dự án Phòng, chống đuối nước trẻ em) đã đầu tư xây dựng 1 hồ bơi cho trẻ em ở xã Vĩnh Lợi. Lắp 40 biển cảnh báo tai nạn đuối nước trẻ em. In ấn hơn 50.000 tờ rơi về phòng, chống đuối nước trẻ em. Tổ chức 98 lớp dạy bơi với 1.960 trẻ em biết bơi và nhân rộng dạy bơi cho hơn 2.300 trẻ tại các địa phương khác ngoài dự án. Có hơn 1.000 trẻ em từ 6 đến dưới 15 tuổi được học kỹ năng an toàn trong môi trường nước và hơn 2.700 trẻ em được tuyên truyền về phòng, chống đuối nước thông qua các hoạt động khác của địa phương. Qua đó, nhận thức của người dân, cha, mẹ và người chăm sóc trẻ em về nguy cơ và các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống đuối nước trẻ em được nâng lên. Số lượng trẻ em biết bơi tại các địa phương ngày càng tăng, mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác phòng, chống đuối nước trẻ em tại huyện Thạnh Trị và thị xã Vĩnh Châu, góp phần làm giảm số vụ trẻ em bị đuối nước trong toàn tỉnh.
Chung tay bảo vệ trẻ em
Thời gian qua, các cấp, ngành, đoàn thể, địa phương trong tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực góp phần chung tay giảm thiểu tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích. Trong đó tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ em.
Đặc biệt tại Tháng hành động vì trẻ năm 2022 với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em”, với mục tiêu đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm lan tỏa đến mọi người dân cùng chung tay bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em bằng những hành động thiết thực, hiệu quả về các chính sách, chương trình và vận động xã hội hóa, tạo thêm nhiều cơ hội phát triển cho trẻ em, đảm bảo thực hiện tốt hơn quyền trẻ em, đặc biệt là giảm dần khoảng cách đối với trẻ em khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hơn lúc nào hết, bảo vệ, chăm sóc trẻ em là nhiệm vụ hết sức cấp bách mà xã hội đang quan tâm, đây được xem là trọng trách của chính quyền, đoàn thể các cấp, các tổ chức, cá nhân trong cộng đồng và thành viên trong gia đình của trẻ.
Bà Dương Thị Ngọc Diễm - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Sóc Trăng kêu gọi các ngành, các cấp chính quyền, đoàn thể, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về các chính sách, chương trình hỗ trợ trẻ em nghèo, trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Quan tâm thực hiện đầy đủ các chính sách, chương trình trợ giúp xã hội. Phát động phong trào toàn dân tham gia dạy bơi cho trẻ. Thường xuyên tổ chức các hoạt động có sự tham gia của trẻ em. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động trong Tháng hành động vì trẻ năm 2022 đúng kế hoạch.
Hàng năm, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố tham mưu Ủy ban nhân dân cùng cấp hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp xã, đăng ký thực hiện Tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em. Đến nay, toàn tỉnh có 100% huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức đánh giá và công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em. Tổng số xã đạt Tiểu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em là 77/109 xã, chiếm tỷ lệ 70,6%. 32 xã, phường, thị trấn chưa đạt tiêu chuẩn, chiếm tỷ lệ 29,36%, do chưa đạt chỉ tiêu 3 và 5 (các đơn vị có xảy ra trường hợp trẻ em bị xâm hại và trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích). Dự kiến, cuối năm 2022 có 12 xã, phường, thị trấn được công nhận mới, nâng tổng số 89 xã, chiếm tỷ lệ 81,6%.
Theo bà Trần Thị Hoàng Mỹ, để đảm bảo an toàn tính mạng, bảo vệ trẻ em khỏi những ảnh hưởng tiêu cực về tâm lý, sức khỏe do tai nạn thương tích gây ra, mỗi gia đình cần quan tâm, giám sát, nhắc nhở con em mình về những nguy cơ có thể gây nguy hiểm, từ đó phòng tránh các vụ việc tai nạn thương tích. Cùng với đó là sự chung tay của các cấp, ngành, đoàn thể, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức nhiều hoạt động bổ ích, thiết thực… góp phần đem đến những điều tốt đẹp nhất cho trẻ em.