Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tăng cường các chiến lược chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em

Ngày 28/11 tại Hà Nội, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam đã tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Trẻ em thế giới 2023, kêu gọi tăng cường các chiến lược chăm sóc sức khỏe tâm thần để hỗ trợ trẻ em.

Theo kết quả điều tra của UNICEF, nhiều thanh thiếu nhi Việt Nam đang phải vật lộn với những khó khăn về sức khỏe tâm thần do thiếu kỹ năng ứng phó và các dịch vụ hỗ trợ cần thiết.

Do đó, trẻ em, thanh thiếu niên, cha mẹ và giáo viên Việt Nam cần có kỹ năng và nguồn lực để tăng cường sức khỏe tâm thần.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà phát biểu tại lễ kỷ niệm.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà phát biểu tại lễ kỷ niệm.

Báo cáo điều tra năm 2022 cho thấy khoảng 21,7% trẻ vị thành niên (từ 10-17 tuổi) có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Trong đó, rối loạn lo âu là nhiều nhất, chiếm 18,6%, rồi đến trầm cảm... Nhưng chỉ 8,4% trẻ em đã tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ hoặc tư vấn cho những vấn đề cảm xúc và hành vi.

Đặc biệt, chỉ có 5,1% cha mẹ có con vị thành niên nhận thấy con của mình cần được giúp đỡ về sức khỏe tâm thần.

Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết: “Ngày Trẻ em thế giới năm nay có chủ đề “Nâng cao sức khỏe tâm thần tích cực nghĩa là mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho trẻ em.” Tôi mong muốn các Bộ, ban, ngành, cơ quan, tổ chức cần quan tâm hơn và hành động tích cực để nâng cao sức khỏe tâm thần cho trẻ em với các giải pháp thiết thực và bền vững.”.

Bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam chia sẻ

Bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam chia sẻ

Hưởng ứng Ngày Trẻ em thế giới 2023, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh cần tăng cường truyền thông, giáo dục về kiến thức, kỹ năng làm cha mẹ, trong đó quan tâm chăm sóc sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội trẻ em cho cha mẹ và các thành viên gia đình nhằm phát hiện sớm, giảm các sang chấn tâm lý cho trẻ em.

Bên cạnh đó, cần kiện toàn các dịch vụ về chăm sóc sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em; rà soát, bổ sung và hoàn thiện các quy định của luật pháp và chính sách liên quan đến hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội cho trẻ em; tăng cường công tác tâm lý, tham vấn học đường...

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà khẳng định, Ngày Trẻ em thế giới hàng năm là thời điểm toàn thế giới hướng về trẻ em, tiến hành các hoạt động vì trẻ em. Đây là ngày hành động để vận động chính sách, vận động xã hội hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức các vấn đề cấp bách nhất mà trẻ em đang phải đối mặt.

Những việc chúng ta đang làm góp phần tạo cho trẻ em một sự phát triển toàn diện, sự khởi đầu tốt đẹp đảm bảo thực hiện quyền trẻ em, cung cấp cho các em cơ hội phát triển, tự tin bước vào tương lai.

Chia sẻ về tình hình chăm sóc trẻ em, đặc biệt là sức khỏe tâm thần của trẻ em Việt Nam sau dịch COVID-19, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết thêm Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 36/CT-TTg về tăng cường giải pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; chương trình Chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi giai đoạn 2023-2030 cũng đang được trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam chia sẻ, điều cần thiết là tất cả cha mẹ, giáo viên, nhân viên xã hội, y tế, Chính phủ cần hành động để xóa bỏ sự kỳ thị về sức khỏe tâm thần. Cần hiểu được sự khác biệt giữa trẻ em trai và gái trong việc trải nghiệm và ứng phó liên quan đến sức khỏe tâm thần.

UNICEF khuyến khích các quốc gia tập trung hành động vào những can thiệp sớm, đưa ra chiến lược phù hợp để xây dựng được kỹ năng nâng cao khả năng phục hồi, tăng cường sức khỏe tâm thần cho trẻ em.

Tại sự kiện, các chuyên gia đã phân tích tình hình sức khỏe tâm thần của trẻ em và vị thành niên; khẳng định việc tạo ra mạng lưới an toàn, phòng ngừa xâm hại trẻ em, loại bỏ những nguy cơ từ phía trường học, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình là vấn đề quan trọng để bảo vệ trẻ em.

Nhiều ý tưởng, bài học kinh nghiệm hỗ trợ đã được chia sẻ thắn thắn, đóng góp tích cực cho việc xây dựng một chiến lược quốc gia năng động và nhạy cảm với trẻ em, vị thành niên.