Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tăng cường giải pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Ngày 30/6, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) tổ chức Hội thảo kỹ thuật xây dựng Chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em mồ côi, trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, trẻ em di cư dựa vào cộng đồng giai đoạn 2022-2030.

Đây là chương trình nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 36/CT-TTg ngày 31-12-2021 về tăng cường giải pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và thực hiện Chương trình hợp tác giữa Bộ LĐ-TB&XH và UNICEF.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Phát biểu khai mạc, Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam nhấn mạnh, vấn đề người mắc rối loạn sức khỏe tâm thần vẫn đang có xu hướng gia tăng trên toàn cầu. UNICEF đã cảnh báo Covid-19 có thể sẽ tác động đến sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên.

Tại Việt Nam, tình trạng trẻ em và vị thành viên gặp các vấn đề sức khỏe tâm thần là một vấn đề xã hội cần đặc biệt lưu tâm, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã tác động tiêu cực đến vấn đề sức khỏe tâm lý, tâm thần của trẻ em.

Bên cạnh đó, những vấn đề xã hội phát sinh đòi hỏi phải tăng cường chính sách chăm sóc trẻ em mồ côi, trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, trẻ em di cư dựa vào cộng đồng, ngăn chặn tình trạng lao động trẻ em.

Trong bối cảnh đó, ngày 31-12-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 36/CT-TTg về tăng cường giải pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Nhiệm vụ xây dựng một chương trình riêng về chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, đặc biệt để khắc phục những ảnh hưởng lâu dài của dịch bệnh, thiên tai, có sự can thiệp đa ngành Y tế, giáo dục, an sinh xã hội để đưa lại hiệu quả cao nhất là vô cùng cần thiết.

Theo bà Nguyễn Thị Y Duyên, chuyên gia về chăm sóc, bảo vệ trẻ em của UNICEF tại Việt Nam, UNICEF cam kết hỗ trợ kỹ thuật để Việt Nam xây dựng và hoàn thiện chương trình nhiều ý nghĩa này. Trong quá trình xây dựng chương trình, chúng ta cần lưu ý một số điểm. Đó là việc xây dựng phải đáp ứng yêu cầu bảo đảm quyền trẻ em. Cùng với đó, cần dựa trên những nguyên tắc, kinh nghiệm, khuyến nghị quốc tế. Các chính sách cần xem xét trên bình diện tổng thể, liên kết với các chương trình, đề án đã ban hành, mang tính chất bổ sung, giúp các chương trình đã có vận hành hiệu quả hơn. Cần tăng cường phối hợp liên ngành, đòi hỏi sự tham gia tích cực, có chất lượng của các đơn vị liên quan trong tiến trình này.

Bác sĩ chuyên khoa nhi Nguyễn Trọng An, điều phối viên Liên minh Phòng, chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN), lưu ý việc chăm sóc sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội không thể tách rời với tất cả các hoạt động chăm sóc sức khỏe nói chung, bảo đảm trẻ em được phát triển khỏe mạnh, đầy đủ và toàn diện. Trong đó, đặc biệt chú ý nhiệm vụ phòng ngừa, đồng thời, cần có những chính sách xã hội đúng hướng, phù hợp với trẻ em, các cấp, các ngành làm tốt công tác sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội với trẻ em, đem lại những lợi ích không nhỏ của trẻ em cũng như sự ổn định và phát triển nền kinh tế - xã hội của Việt Nam trong tương lai.

TS Nguyễn Hải Hữu, đại diện nhóm chuyên gia nghiên cứu xây dựng Chương trình cho biết, kết cấu văn kiện chương trình gồm phần mở đầu: sự cần thiết; cơ sở pháp lý. Phần I: Tình hình và thực trạng chăm sóc sức khỏe tâm thần, trẻ em bị ảnh hưởng bởi Covid-19, trẻ em mồ côi, trẻ em di cư gồm các nội dung về chăm sóc sức khỏe tinh thần; chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng Covid-19; chăm sóc trẻ em mồ côi; chăm sóc trẻ em di cư kinh nghiệm quốc tế; bài học kinh nghiệm.

Bà Vũ Thị Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, Việt Nam có 8-20% trẻ em và vị thành niên Việt Nam gặp các vấn đề sức khỏe tâm thần chung. Đặc biệt, dịch bệnh Covid-19 đã tác động tiêu cực đến vấn đề sức khỏe, tâm lý, tâm thần của trẻ em. Đại dịch Covid-19 cũng đã làm 4.461 trẻ em Việt Nam rơi vào cảnh mồ côi; trong đó có 193 trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ. Theo báo cáo điều tra năm 2019, số người di cư tại Việt Nam là 6,4 triệu người, chiếm 7,3%; ước tính có khoảng 350-500 nghìn trẻ em di cư theo bố mẹ. Trẻ em di cư phải chịu nhiều thiệt thòi về y tế, giáo dục và các dịch vụ xã hội khác.