Tuy nhiên, luyện viết chữ không đơn thuần là để viết đẹp mà còn giúp học sinh tập trung, kiên nhẫn, bình tĩnh, cẩn thận - những đức tính cần thiết sẽ theo các em suốt cuộc đời.
Luyện nét chữ, rèn nết người
“Từng nét chữ xinh xinh thẳng hàng/ Ngòi bút viết theo tay nhịp nhàng/ Điều hay ấy chúng em được biết chính cô dạy em thế...”. Những câu hát vui tươi, quen thuộc trong ca khúc “Ở trường cô dạy em thế” khơi gợi ký ức về những ngày đầu đến trường, nơi học sinh được khuyến khích tập viết sạch đẹp từ những nét chữ đầu tiên trong đời học sinh.
Câu nói “Nét chữ - nết người” với hàm ý nét chữ ngoài việc lưu giữ, truyền tải thông tin thì còn thể hiện tính cách của người viết. Vì vậy, việc rèn luyện chữ đẹp vẫn cần được coi trọng dù cuộc sống hiện đại có nhiều đổi thay.
Mặc dù trong thời đại công nghệ số, việc ghi chép đã có nhiều công cụ hỗ trợ như máy tính, điện thoại… nhưng nhiều người vẫn khẳng định luyện chữ đẹp là rất cần thiết.
Chữ viết không chỉ là phương tiện lưu giữ và truyền tải thông tin mà còn mang giá trị trong cuộc sống hằng ngày, từ việc ghi chú cá nhân đến bài kiểm tra, bài thi. Một bài thi viết tay với chữ đẹp, rõ ràng, dễ đọc sẽ giúp giáo viên đánh giá chính xác và có thiện cảm hơn.
Ngược lại, chữ xấu, khó đọc có thể gây khó khăn cho việc chấm điểm và dẫn đến những đánh giá không chuẩn xác, gây thiệt thòi cho học sinh.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam: “Qua rèn chữ có thể rèn cả tính cách, sự tỉ mỉ, cẩn thận của học trò. Những học sinh có chữ viết cẩn thận, sạch sẽ, dễ nhìn thường cẩn thận hơn, thẩm mĩ tốt và tự tin khi viết bài. Với học sinh tiểu học, việc rèn chữ quan trọng bởi thông qua đó các em đồng thời rèn nền nếp, ý thức học tập.
Nhiều học sinh lớp 1, 2 được giáo viên quan tâm rèn chữ thì viết đẹp, nhưng lên lớp lớn hơn, yêu cầu tốc độ viết nhanh hơn, chữ xấu đi. Điều đó cho thấy, cả nhà trường, phụ huynh cần có ý thức rèn chữ thường xuyên, cần tạo cho học sinh hứng thú để viết đẹp.
Chữ viết của học sinh có thể không cần đẹp như chữ mẫu, không “luyện” chữ để đi thi nhưng vẫn cần “rèn” chữ từ những nét cơ bản để học sinh có thể viết sạch, rõ ràng và người khác có thể dễ đọc, hiểu”.
Giúp học sinh thêm yêu tiếng Việt
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã chia sẻ: “Chữ viết cũng là biểu hiện của nết người. Dạy cho học sinh viết đúng, viết cẩn thận, viết đẹp là góp phần rèn luyện cho các em tính cẩn thận, lòng tự trọng đối với mình cũng như đối với thầy cô giáo và bạn đọc của mình”.
Từ nhiều năm nay, phong trào “Giữ vở sạch, rèn chữ đẹp” đã trở thành hoạt động chuyên môn lớn của nhiều trường học trên cả nước, đặc biệt là các trường tiểu học - cấp học được xem là đặt nền móng cho việc viết chữ đẹp của trẻ.
Nhiều trường giao nhiệm vụ cho giáo viên chủ nhiệm trực tiếp bồi dưỡng kỹ năng viết chữ đẹp cho học sinh có năng khiếu và yêu thích. Đây không chỉ là cơ hội để học sinh trau dồi kỹ năng viết chữ đẹp, giữ gìn vở sạch mà còn giúp rèn tính kiên trì, sáng tạo.
Là một giáo viên tâm huyết trong rèn học sinh viết chữ đẹp, cô Nguyễn Thị Như Bình, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang) chia sẻ: “Muốn viết chữ đúng, chữ đẹp thì tư thế ngồi, cách cầm bút rất quan trọng.
Khi đã có tư thế đúng, các em sẽ được dạy viết từng chữ cái, từng con số, đến lúc thành thạo mới chuyển qua ráp vần. Yêu cầu viết đẹp và sáng tạo thì phụ thuộc nhiều vào năng khiếu, nhưng viết đúng, rõ thì hầu ai cũng làm được sau quá trình rèn luyện”.
Tại Trường Tiểu học thị trấn Cái Tắc (huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang), phong trào rèn chữ đẹp được duy trì thường xuyên. “Việc luyện chữ đẹp còn giúp học sinh học tốt các môn học khác, nhất là môn tiếng Việt. Khi rèn chữ kết hợp tập làm văn, các em cũng có nền tảng học tốt môn khác, vở trình bày rõ ràng, kiến thức tiếp thu tốt hơn.
Ngoài ra, rèn chữ đẹp còn thúc đẩy các em phát triển tư duy, thẩm mỹ, cần cù chịu khó, đam mê học tập”, cô Trần Thị Chính, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Cái Tắc chia sẻ.
Luyện chữ đẹp không chỉ là rèn luyện kỹ năng viết mà còn là cách để nuôi dưỡng tình yêu tiếng Việt và giữ gìn các giá trị văn hóa. Mỗi nét chữ đẹp là một biểu hiện của sự cẩn thận, trách nhiệm và lòng tự trọng.
Dù ở trong thời đại nào, chữ viết vẫn luôn có một vị trí không thể thay thế. Nó mang cá tính sáng tạo của mỗi cá nhân. |
Kim Liên
Ấn phẩm Vì trẻ em số 21