Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Vì trẻ em

Thương học trò nghèo, thầy giáo mở lớp dạy miễn phí

LĐXH
LĐXH

(VTE) - Dù bước đi khó nhọc vì đôi chân khuyết tật, nhưng thầy giáo Phạm Văn Tường (sinh năm 1984, ở Minh Sơn, Ngọc Lặc, Thanh Hóa) vẫn không ngừng truyền dạy tri thức cho trẻ em nghèo miền núi.

Với ý chí và nghị lực phi thường, hết mình với việc dạy học, “người thầy giáo đặc biệt” Phạm Văn Tường đã gieo cho đời những “mầm xanh” hy vọng.

Vượt lên số phận

Trong căn nhà cấp bốn cũ kỹ, thầy Tường ngồi trên ghế băng cũ dạy học cho các em nhỏ. Lớp học giản dị không chỉ là tâm huyết mà còn là tình yêu thương của thầy dành cho những học trò nghèo. “Mọi người gọi tôi là thầy giáo, nhưng tôi chưa từng hưởng lương biên chế hay hợp đồng giáo viên”, anh Tường cười hiền chia sẻ.

Thương học trò nghèo, thầy giáo mở lớp dạy miễn phí - 1
Thầy giáo Phạm Văn Tường và những học trò nghèo miền núi xứ Thanh trong “lớp học đặc biệt”.

Khi mới 7 tháng tuổi, Tường bị viêm màng não, dẫn đến tay chân cong vẹo, teo nhỏ và việc vận động trở nên vô cùng khó khăn. Dù đã được chạy chữa nhưng đôi chân của Tường cũng chỉ cải thiện được phần nào, việc đi lại vẫn rất khó khăn.

Đến tuổi đi học, hằng ngày nhìn các bạn cùng trang lứa vui vẻ tới trường, Tường cũng mong muốn được học cùng các bạn. Thấy con khao khát học tập, bố mẹ xin cho Tường đi học. Với quyết tâm và nỗ lực, Tường đã tập đi lại, lúc đầu là từng bước quanh nhà, rồi dần dần tự đi đến trường. 

Sau bao cố gắng, năm 2008, Phạm Văn Tường tốt nghiệp xuất sắc ngành Toán - Tin của Trường Đại học Hồng Đức. Thành quả này là kết quả của một quá trình kiên trì không ngừng nghỉ. 

Nhưng số phận vẫn thử thách Tường khi căn bệnh trở lại, buộc anh phải trải qua 4 cuộc phẫu thuật. Anh Tường tâm sự: “Đôi chân mình phát bệnh, phải mổ tới 4 lần. Mỗi lần mổ, tài sản trong gia đình lại đội nón ra đi.

Con trâu duy nhất mà hằng ngày bố mang đi cày thuê kiếm tiền nuôi cả nhà cũng phải bán để có tiền chữa trị cho mình. Thương hoàn cảnh khó khăn của mình, một bác sĩ tốt bụng đã tài trợ cho ca phẫu thuật. Cuối cùng, chân mình đã cử động được". 

Khát khao cống hiến

Đầu năm 2009, sau khi khỏi bệnh, nhưng do đôi chân không thể tự đi lại được nên anh Tường không thể xin đi dạy ở các trường học. Thế rồi, với lòng yêu nghề, mến trẻ, anh quyết định mở lớp học tại nhà.

Thương học trò nghèo, thầy giáo mở lớp dạy miễn phí - 2

Nhờ sự giúp đỡ của gia đình và bà con hàng xóm, một căn nhà nhỏ được dựng lên, vài bộ bàn ghế cũ được xin về từ trường học trong xã. Từ đó, lớp học của thầy Tường được mở ra để truyền dạy kiến thức cho những trẻ em nghèo.

Ngay buổi "khai giảng" đã có hàng chục em nhỏ từ các thôn xóm trong xã đến xin học. Tiếng lành đồn xa, ngày càng nhiều trẻ em từ các xã lân cận tìm đến “lớp học đặc biệt” của thầy Tường.

Thầy đã vận động, thậm chí nhờ bạn bè giúp đưa đón các em có hoàn cảnh khó khăn đến lớp. Học trò của thầy chủ yếu là học sinh THCS, THPT nghèo cần được kèm cặp để nắm vững kiến thức cơ bản.

Trước sự tận tâm hết lòng vì những em nhỏ khó khăn của thầy Tường, nhiều phụ huynh muốn đóng góp kinh phí, nhưng thầy luôn từ chối. Chỉ đến khi mọi người thuyết phục nhiều lần, thầy mới nhận một khoản phí nhỏ để trang trải cuộc sống.

Ngoài giờ dạy, thầy Tường luôn nghiên cứu tài liệu, soạn giáo án, ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới phương pháp giảng dạy. Không chỉ truyền đạt kiến thức, thầy Tường còn gần gũi chia sẻ với học sinh những bài học về cuộc sống, dạy những kỹ năng sống cần thiết cho các em. Chính vì vậy, lớp học của thầy luôn đầy ắp tiếng cười, học sinh càng ngày càng đông hơn.

Anh Phạm Văn Luyện, hàng xóm của thầy Tường, cho biết: “Ngày càng có nhiều học sinh nghèo đến nhờ thầy Tường kèm kiến thức, nhưng bàn ghế hiện đã mục nát. Dù nhiều phụ huynh muốn đóng góp, thầy vẫn từ chối vì hiểu rằng họ cũng không khá giả. Thầy chỉ mong ước có vài bộ bàn ghế mới và một tủ sách để có thể tiếp tục gieo tri thức, giúp các em nhỏ viết tiếp những ước mơ”. 

“Dù cuộc sống khó khăn, bản thân tôi vẫn luôn khát khao được cống hiến, trở thành người có ích cho xã hội. Mỗi lần cầm phấn dạy học, được nhìn các em chăm chú học tập, đó là niềm hạnh phúc lớn nhất đời tôi”, thầy Tường tâm sự.

Thanh Ngọc

Ấn phẩm Vì trẻ em số 21