Thủy đậu gia tăng khi thời tiết giao mùa
Thời gian gần đây, Hà Nội, Lào Cai, Yên Bái, Đắk Lắk cùng một số địa phương xuất hiện nhiều ổ dịch thủy đậu với nhiều ca mắc. Đặc biệt đã có trường hợp tử vong.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong những tuần gần đây, trên địa bàn thành phố ghi nhận 20-30 ca thủy đậu mỗi tuần. Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội có 202 trường hợp mắc thủy đậu. Với thời tiết giao mùa như hiện nay, dự báo, số ca mắc có nguy cơ gia tăng trong thời gian tới.
Thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Varicella zoster gây nên, lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc gần. Bệnh xảy ra quanh năm và tăng cao từ tháng 2 đến tháng 6 hằng năm; khả năng lây lên đến 90% đối với người chưa từng mắc hoặc chưa được tiêm vaccine.
Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên xảy ra chủ yếu ở trẻ em, biểu hiện bằng sốt và phát ban dạng nốt phỏng chứa đầy dịch, gây ngứa. Trong vài ngày, các mụn nước sẽ vỡ ra và rỉ nước, sau đó đóng vảy trước khi lành.
Các biến chứng nguy hiểm
Thủy đậu đa số lành tính và hồi phục trong khoảng 2 tuần. Tuy nhiên, nếu không được chăm sóc, theo dõi và điều trị đúng cách, một số trường hợp có thể dẫn đến các biến chứng như nhiễm trùng da, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, tổn thương thần kinh, viêm gan, viêm cơ tim, viêm mạch máu, viêm khớp, viêm tinh hoàn…
Các đối tượng có hệ miễn dịch yếu như phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người lớn tuổi, người có bệnh lý nền (tim mạch, đái tháo đường, suy thận…) có khả năng gặp biến chứng và tử vong cao hơn nếu mắc bệnh.
Ở phụ nữ mang thai, khoảng 20% mắc thủy đậu sẽ dẫn đến viêm phổi và trong số này có 40% trường hợp sẽ tử vong. Mắc thủy đậu ở tuần thai 13-20 dễ dẫn đến dị dạng thai, sẩy thai. Nếu thai phụ mắc thủy đậu ở 3 tháng cuối, trẻ sinh ra có nguy cơ tử vong cao tới 30% và 15% có nguy cơ mắc bệnh zona thần kinh trong 4 năm đầu đời.
Trong môi trường học đường, trẻ em rất dễ bị mắc thủy đậu. Bệnh có khả năng bùng phát mạnh thành dịch, thời gian mắc bệnh có thể kéo dài 7-10 ngày khiến trẻ phải tạm thời nghỉ học để cách ly và điều trị, gây ảnh hưởng đến việc học.
Sau khi khỏi thủy đậu, virus Varicella zoster vẫn trú lại trong tế bào thần kinh và có khả năng gây bệnh Zona thần kinh sau nhiều năm. Bệnh Zona thần kinh khiến người bệnh cảm thấy đau đớn, căng, bỏng rát, nhức dai dẳng. Khi phát bệnh Zona, người bệnh có thể tiếp tục lây virus gây bệnh thủy đậu cho người khác.
Cần làm gì khi trẻ mắc thủy đậu?
Khi phát hiện trẻ mắc bệnh thủy đậu, cha mẹ, người chăm sóc trẻ cần khẩn trương đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời. Cho trẻ dùng thuốc theo hướng dẫn của cán bộ y tế.
Cách ly trẻ trong phòng riêng, thoáng mát, sạch sẽ, có ánh nắng mặt trời, hạn chế đến nơi đông người và tránh tiếp xúc với những người khác trong gia đình cho đến khi bệnh khỏi hoàn toàn.
Vệ sinh mũi họng trẻ hàng ngày bằng nước muối loãng hoặc dung dịch sát khuẩn. Giữ vệ sinh da để đề phòng nhiễm trùng.
Tắm rửa cho trẻ bằng nước ấm và xà phòng, thay quần áo cho trẻ hàng ngày. Khi tắm, không chà xát mạnh lên da trẻ để tránh làm vỡ mụn nước, để lại sẹo.
Mặc cho trẻ quần áo bằng vải mềm, thấm mồ hôi. Ăn thức ăn mềm lỏng, dễ tiêu hóa, đủ chất. Cho trẻ uống nhiều nước, đặc biệt là nước hoa quả. Không cần kiêng nước, kiêng gió, không đắp các loại lá cây lên nốt phỏng như dân gian truyền miệng.
Bên cạnh đó, trẻ cũng cần có chế độ sinh hoạt, ngủ nghỉ hợp lý, được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết để nâng cao sức đề kháng.
Cách phòng tránh
Để chủ động phòng tránh bệnh thủy đậu, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện một số biện pháp sau:
- Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan.
- Những trường hợp mắc bệnh cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc 7-10 ngày từ khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý.
- Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường.
- Tiêm vaccine phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi.
Theo BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Trung tâm Tiêm chủng VNVC, trong bối cảnh dịch thủy đậu diễn biến phức tạp như hiện nay, người dân cần chủ động phòng bệnh bằng vaccine để tránh nguy cơ lây nhiễm và phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm khi mắc bệnh.
Theo các nghiên cứu, hai mũi vaccine thủy đậu phòng được 88-98% nguy cơ mắc bệnh.
Khánh Linh