Chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là vấn đề có tính chiến lược, lâu dài, góp phần quan trọng vào việc chuẩn bị và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai của đất nước. Làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Để tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, ngày 5 tháng 11 năm 2012, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 20/CT-TW về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới và Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Công văn số 993-CV/TU ngày 04/6/2013 về việc chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Phạm Văn Hiển, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ cho biết, thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội thành phố và cộng đồng quan tâm thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trên địa bàn; chú trọng tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, địa phương, đơn vị về ý nghĩa nhân văn của công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; quan tâm xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em; đời sống văn hóa, tinh thần, vui chơi, giải trí, phúc lợi xã hội và các quyền dành cho trẻ em ngày càng được đảm bảo.
Theo vị Phó Bí thư, đặc biệt, đợt bùng phát lần thứ 4 của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có trẻ em bị mất cha, mẹ do dịch Covid-19, đây là một trong những đối tượng trẻ dễ bị tổn thương, cần sự quan tâm, hỗ trợ. Thời gian qua, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và các đơn vị tài trợ; các ngành, các cấp phối hợp chặt chẽ, kịp thời chăm lo cho các em thông qua các hoạt động thiết thực như: thăm hỏi, tặng tiền, quà, sổ tiết kiệm, hỗ trợ xây nhà, bảo trợ chi phí học tập cho trẻ em đến 18 tuổi, thực hiện chương trình mẹ đỡ đầu... Những việc làm đó không chỉ san sẻ phần nào khó khăn, gánh nặng kinh tế trước mắt cho trẻ em và gia đình mà còn thể hiện sự quan tâm, yêu thương, động viên các em và gia đình vượt qua nổi đau, vươn lên trong cuộc sống.
Phó Bí thư Thường trực chỉ đạo: “Ngay sau Lễ phát động, tôi đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương tiến hành triển khai ngay các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em một cách thiết thực, đa dạng, phù hợp với đặc điểm, tình hình từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Đồng thời, xác định công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là công tác thường xuyên, trọng tâm, liên tục của các cấp, các ngành và toàn xã hội, trong đó cần tập trung làm tốt một số nội dung sau: Thứ nhất: Tiếp tục tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 20-CT/TW, Công văn số 993-CV/TU của Ban Thường vụ Thành ủy “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới” gắn với triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến trẻ em bằng nhiều hình thức phù hợp, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị trong thực hiện công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Thứ hai: Nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, vai trò quản lý, điều hành của chính quyền các cấp và sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho trẻ em trên địa bàn.
Thứ ba: Đẩy mạnh đầu tư xây dựng các điểm vui chơi, giải trí phù hợp cho trẻ em; phát huy hiệu quả công năng các thiết chế văn hóa sẵn có và đầu tư xây dựng, cải tạo các trung tâm sinh hoạt thanh, thiếu nhi và nhà thiếu nhi các quận, huyện; đa dạng hóa các hình thức thư viện ở các xã, phường, thị trấn nhằm khuyến khích việc đọc sách, tự học và sáng tạo của trẻ em.
Thứ tư: Tăng cường công tác xã hội hóa, đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế trong việc huy động các nguồn lực để xây dựng và thực hiện các chương trình, đề án, dự án trợ giúp, chăm sóc, bảo vệ trẻ em, thực hiện quyền tham gia của trẻ em.
Thứ năm: Thường xuyên tổ chức tập huấn về kỹ năng sống, trang bị kiến thức cơ bản về quyền trẻ em và kỹ năng sống dành cho trẻ em, thanh thiếu niên hoặc lồng ghép vào các chương trình học ngoại khóa tại trường, góp phần giúp các em biết cách phòng tránh và tự bảo vệ bản thân trong những tình huống nguy hiểm, tạo điều kiện để các em được giao lưu, học hỏi, rèn luyện kỹ năng sống và phát triển toàn diện.
Thứ sáu: Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện các chính sách, pháp luật, mục tiêu về bảo vệ trẻ em và xử lý nghiêm nếu có xảy ra sai phạm.
Bà Trần Thị Xuân Mai – GĐ Sở LĐ-TB&XH TP.Cần Thơ cho biết, Tháng hành động vì trẻ em năm 2022 Cần Thơ tổ chức với nhiều hình thức phù hợp, thiết thực, hiệu quả; lựa chọn nội dung, hình thức tổ chức hoạt động linh hoạt, phù hợp với tình hình phòng, chống dịch COVID-19. Trong dịp nghỉ hè, Cần Thơ tổ chức tốt việc bàn giao, tiếp nhận và quản lý trẻ em về sinh hoạt hè tại xã, phường, thị trấn, cộng đồng dân cư; tổ chức các hoạt động các hoạt động vui chơi, giải trí; câu lạc bộ (CLB), đội, nhóm của trẻ em; các chương trình, hoạt động do trẻ em khởi xướng và thực hiện tại địa phương để giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, trẻ em trong gia đình hộ nghèo, cận nghèo.
Đồng thời tổ chức các khóa học kỹ năng cho trẻ em, như: các lớp dạy bơi cho trẻ em; các lớp trang bị kiến thức, kỹ năng an toàn trong môi trường nước, an toàn khi tham gia giao thông, kỹ năng cứu hộ và sơ cứu trẻ em bị tai nạn, thương tích để trẻ em có kỳ nghỉ hè an toàn, lành mạnh; khuyến khích trẻ em tham gia học kỳ quân đội, học kỳ công an nhân dân…; các lớp năng khiếu (như: võ thuật, âm nhạc, hội họa, múa, hát, thể dục, thể thao…) nhằm thu hút sự tham gia của trẻ em trong thời gian các em nghỉ hè, ưu tiên miễn, giảm các loại phí, học phí tham gia các khóa học này cho trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn.
“Các cơ quan, tổ chức, đơn vị quân đội, công an, cơ sở tôn giáo được phép tiếp nhận trẻ em vào các khóa giáo dục, rèn luyện trong kỳ nghỉ hè phải bảo đảm an toàn cho trẻ em; bổ sung, lồng ghép nội dung về kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, phòng, chống bạo lực, xâm hại, tai nạn, thương tích trẻ em, bà Xuân Mai nói.
Dịp này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội vận động Công ty Trách nhiệm hữu hạn nhà nước Một thành viên Xổ số kiến thiết Cần Thơ hỗ trợ 10.000 quyển tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và Công ty Cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk hỗ trợ 3 tháng uống sữa miễn phí, với 64.620 hộp sữa cho 718 trẻ em sống tại các trung tâm, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở giáo dục chuyên biệt trên địa bàn trong Chương trình "Quỹ sữa Vươn cao Việt Nam". Số sữa này sẽ được chuyển đến các đơn vị thụ hưởng ngay trong tháng 6. Quỹ Vòng Tay Nhân Ái - Bộ Y tế trao 65 suất hỗ trợ (mỗi suất 2 triệu đồng tiền mặt) cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trên địa bàn.
Và tại Lễ phát động hôm nay, Ban Tổ chức trao 30 xe đạp và 4 Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ AIA cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn thuộc các huyện Thới Lai, Cờ Đỏ và Vĩnh Thạnh; trao 15 suất hỗ trợ của Quỹ Vòng Tay Nhân Ái. Số còn lại đã được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức trao trước đó và chuyển về địa phương để trao tận tay cho các em.