Tuy nhiên, nếu có đam mê, kỹ năng và được hướng dẫn, mọi trẻ em đều có thể bắt đầu hành trình này.
Câu chuyện truyền cảm hứng
Mikaila Ulmer, sinh năm 2005 tại Texas (Mỹ), bắt đầu kinh doanh nước chanh khi chỉ mới 4 tuổi. Cô bé dùng công thức nước chanh của bà ngoại và kết hợp với sứ mệnh bảo vệ loài ong. Mikaila thành lập “Me & the Bees Lemonade” - công ty bán nước chanh với một phần lợi nhuận dành cho các tổ chức bảo tồn ong.
Mikaila Ulmer từng tham gia chương trình “Shark Tank” và được “cá mập” Daymond John đầu tư 60.000 USD năm 2015.
Trong 10 năm qua, công ty của Mikaila đã bán được hơn 1 triệu sản phẩm tại 1.000 cửa hàng trên khắp nước Mỹ. Thời điểm 2019, công ty này được các chuyên gia định giá tới 11 triệu USD. Vào năm 2020, Mikaila là một trong những doanh nhân trẻ triển vọng nhất tại Mỹ.
Mikaila chia sẻ: “Mặc dù khởi nghiệp với nước chanh nhưng tôi luôn muốn mở rộng sang các sản phẩm khác nhau. Ước mơ của tôi là phát triển thương hiệu và đem lại những điều tốt đẹp cho xã hội.
Đối với tôi, điều quan trọng là có ước mơ từ khi còn là một đứa trẻ. Đây là độ tuổi hoàn hảo để bắt đầu khám phá mình thích gì, thử những điều mới và mạo hiểm”.
Trẻ cần làm gì để khởi nghiệp?
Lên ý tưởng kinh doanh
Để có thể khởi nghiệp, trước tiên trẻ cần có một ý tưởng kinh doanh khả thi, bắt nguồn từ sở thích của bản thân như vẽ tranh, làm đồ thủ công, chơi nhạc, lập trình trò chơi, hay sáng tạo nội dung trên mạng xã hội. Bắt đầu từ lĩnh vực mà mình thực sự quan tâm và yêu thích sẽ giúp trẻ duy trì động lực lâu dài.
Ngoài ra, có một cách khác để tìm ý tưởng khởi nghiệp là trẻ quan sát xung quanh và tìm ra vấn đề mà mọi người đang gặp phải, từ đó phát triển sản phẩm hoặc dịch vụ giúp giải quyết vấn đề đó.
Ví dụ, nhiều người đang băn khoăn không biết làm thế nào để phân loại rác thải hữu cơ và vô cơ thì việc phát minh ra thiết bị phân loại rác thải có thể là một ý tưởng kinh doanh khả thi.
Trước khi khởi nghiệp, trẻ nên tìm hiểu các câu chuyện khởi nghiệp của người khác (cả trẻ em hoặc người lớn) để lấy cảm hứng và học hỏi kinh ngiệm. Trẻ có thể tham khảo ý kiến từ cha mẹ, thầy cô, những doanh nhân mà mình quen biết. T
ham gia các cuộc thi khởi nghiệp dành cho trẻ em cũng là cơ hội tuyệt vời để trẻ giới thiệu về sản phẩm/dịch vụ của mình tới công chúng và kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư.
Lập kế hoạch kinh doanh
Sau khi có ý tưởng, trẻ cần vạch ra một kế hoạch kinh doanh cơ bản, xác định rõ mục tiêu bán gì, cho ai và làm thế nào để thu hút khách hàng. Tiếp theo là phân tích đối thủ cạnh tranh để biết điều gì khiến sản phẩm của mình nổi bật và khác biệt.
Để có thể khởi nghiệp, điều quan trọng là gọi vốn đầu tư. Trẻ cần tính toán số tiền đầu tư và nguồn vốn sẽ huy động từ đâu, sử dụng cho các hạng mục nào (mua nguyên liệu sản xuất, truyền thông, quảng bá sản phẩm/dịch vụ…).
Phát triển sản phẩm/dịch vụ
Dù là sản xuất hay chỉ mua đi bán lại, trẻ cũng nên thử nghiệm các sản phẩm trước khi đưa ra thị trường để đảm bảo sản phẩm/dịch vụ tới tay người tiêu dùng có chất lượng tốt nhất.
Kinh doanh không chỉ là vấn đề bán cho ai, mà các nhà cung cấp cũng vô cùng quan trọng. Tìm được nhà cung cấp uy tín với giá hợp lý cũng là một yếu tố then chốt trong quá trình khởi nghiệp.
Xây dựng thương hiệu
Khi đã có sản phẩm, trẻ cần nghĩ tới việc đặt tên cho sản phẩm và tên doanh nghiệp (một doanh nghiệp có thể có nhiều sản phẩm với tên gọi khác nhau). Tên doanh nghiệp nên dễ gọi, dễ nhớ, có liên quan đến sản phẩm mà trẻ kinh doanh.
Thiết kế logo cũng là bước quan trọng. Trẻ có thể sử dụng các công cụ trực tuyến đơn giản để tạo logo cho thương hiệu của mình.
Tiếp thị và quảng bá sản phẩm
Để tiếp cận khách hàng, trẻ có thể sử dụng các mạng xã hội như Instagram, Facebook, TikTok, Youtube… hoặc xây dựng một trang web riêng hay một fanpage (trang được thiết lập để đại diện cho một cá nhân hay tổ chức nào đó trên nền tảng mạng xã hội Facebook) giới thiệu về sản phẩm/dịch vụ.
Ngoài ra, trẻ có thể tham gia các sự kiện của trường học hay khu phố để giới thiệu về các sản phẩm/dịch vụ của mình hoặc bán sản phẩm thông qua các sàn thương mại điện tử đang thịnh hành để bán hàng.
Bán sản phẩm và theo dõi tài chính
Khi bán các sản phẩm hay dịch vụ cho khách hàng, trẻ có thể ghi chép số lượng hàng nhập vào và bán ra, hàng tồn kho, hàng lỗi bằng tay hay thống kê trên Excel, quản lý theo ngày, tháng, năm.
Nếu như cảm thấy chưa tự tin trong vấn đề quản lý tài chính, trẻ nên tham khảo sự tư vấn từ cha mẹ hoặc những người mà trẻ tin cậy. Đây là kỹ năng cần thiết giúp trẻ hiểu rõ giá trị của đồng tiền và xây dựng doanh nghiệp bền vững.
Chăm sóc khách hàng
Trẻ nên học cách lắng nghe phản hồi từ khách hàng để cải thiện sản phẩm/dịch vụ, giữ chân khách hàng. Đây là bước quan trọng trong việc phát triển lâu dài.
Quản lý thời gian và duy trì việc học
Khởi nghiệp là cơ hội tuyệt vời để trẻ phát triển nhiều kỹ năng, nhưng việc học tập ở trường vẫn cần được ưu tiên. Trẻ cần biết cách cân đối giữa học tập và kinh doanh để không ảnh hưởng đến việc học ở trường.
Học từ thất bại
Nếu ý tưởng kinh doanh ban đầu không thành công, trẻ cần hiểu rằng thất bại là cơ hội để học hỏi và phát triển. Trẻ không nản lòng mà hãy tìm cách cải tiến sản phẩm và phát triển thị trường.
Thanh Huyền
Ấn phẩm Vì trẻ em số 20