Qua những khó khăn, cha mẹ có cơ hội dạy trẻ về việc đối diện và vượt qua nghịch cảnh để trưởng thành.
Thực tế cho thấy, phong cách nuôi dạy con của các bậc cha mẹ thường phản ánh những trải nghiệm và quan điểm sống của họ. Việc giáo dục con về các giá trị sống và cách đối mặt với thách thức sẽ giúp trẻ biết trân trọng những gì mình có và học cách tìm ra giải pháp sáng tạo, thay vì chỉ dựa vào tài chính để giải quyết mọi vấn đề.
Giá trị của sự chăm chỉ và tháo vát
Để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, các bậc cha mẹ thường làm thêm giờ hoặc nhiều công việc khác nhau. Điều này dạy trẻ rằng thành công không đến dễ dàng, mà cần sự chăm chỉ và nỗ lực.
Trẻ cũng học cách chi tiêu hợp lý, tìm các giải pháp sáng tạo và linh hoạt trong việc giải quyết vấn đề. Những kỹ năng này không chỉ giúp trẻ thích nghi trong tình huống hiện tại mà còn có ích trong suốt cuộc đời.
Tiết kiệm và tránh lãng phí
Những ràng buộc về tài chính đòi hỏi cha mẹ dạy con cách lập ngân sách, học cách ưu tiên chi tiêu, tiết kiệm tiền và tránh lãng phí từ sớm. Ý thức quản lý tài chính này sẽ giúp trẻ khi trưởng thành có sự thận trọng và quản lý tài chính của mình một cách hiệu quả.
Trẻ có thể đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn ở nhà như học cách tự nấu ăn và quản lý một số công việc gia đình. Sự tự lập này nuôi dưỡng ý thức về trách nhiệm và khả năng tự phục hồi khi đối diện với thử thách.
Đồng cảm và đoàn kết
Sống trong cộng đồng có nhiều người thường xuyên phải đối mặt với những thách thức kinh tế sẽ nuôi dưỡng trong trẻ sự đồng cảm và đoàn kết. Tinh thần cộng đồng và lòng nhân ái trở thành những giá trị mà trẻ tiếp thu tự nhiên, giúp trẻ học cách quan tâm và giúp đỡ người khác.
Ngoài ra, cha mẹ cũng dạy con cái biết tìm kiếm niềm vui trong những điều nhỏ bé, không cần đến vật chất xa hoa, từ đó trẻ phát triển lòng biết ơn và hạnh phúc với những điều đơn giản.
Nắm bắt thực tế xã hội
Trẻ em lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn, trẻ có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với những vấn đề xã hội thông qua các cuộc thảo luận với cha mẹ. Điều này giúp trẻ nhận thức sâu sắc hơn về cơ cấu xã hội và có thể truyền cảm hứng cho trẻ phấn đấu để thay đổi cuộc sống của mình.
Hiểu được những động lực này từ khi còn nhỏ, trẻ có thể định hình thế giới quan và vị trí của mình trong thế giới quan đó.
Học cách thương lượng
Trẻ em cũng học được cách thương lượng và bảo vệ bản thân thông qua việc quan sát cha mẹ đối mặt với các tình huống khó khăn, ví dụ như thương lượng hoãn trả tiền hoặc đối phó với bất công. Đây là những kỹ năng quan trọng trong cuộc sống, giúp trẻ tự tin giải quyết vấn đề và đạt được thành công.
Tầm quan trọng của giáo dục
Trong khó khăn, cha mẹ thường đề cao sức mạnh của giáo dục và nhấn mạnh rằng việc học hành có thể là chìa khóa thoát khỏi đói nghèo để có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Chính sự tôn trọng đối với giáo dục của cha mẹ đã khuyến khích con cái nghiêm túc học tập và coi giáo dục là khoản đầu tư cho tương lai của chính mình.
Lập kế hoạch dài hạn thay vì sự thỏa mãn tức thời
Không chỉ là thực hành lối sống tiết kiệm, hầu hết các bậc cha mẹ đều có thói quen lập kế hoạch cho các khoản chi tiêu trong tương lai nhằm ứng phó với những tình huống đặc biệt.
Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc lập kế hoạch dài hạn thay vì sự thỏa mãn tức thời. Trẻ em quan sát hành vi này sẽ học được tầm quan trọng của việc hy sinh những thú vui, lợi ích trước mắt để đạt mục tiêu trong tương lai.
Mặc dù giữa việc học được cho đến làm được là cả một quá trình với rất nhiều thách thức, nhưng những giá trị và kỹ năng mà trẻ học được trong hoàn cảnh khó khăn sẽ trở thành nền tảng vững chắc để trẻ vươn lên trong cuộc sống.
Khó khăn trong cuộc sống không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội quý giá để trẻ em học hỏi và trưởng thành. Qua những giai đoạn này, trẻ có thể học được sự kiên trì, khả năng giải quyết vấn đề và phát triển các kỹ năng sống như tự lập, tiết kiệm, đồng cảm. Những giá trị học được trong gian khó sẽ tạo nền tảng vững chắc giúp trẻ vươn lên và đạt được thành công trong tương lai. |
Xuân Quang
Ấn phẩm Vì trẻ em số 20