Trong xã hội hiện đại, khi phương pháp dạy và học đã thay đổi, những giá trị cốt lõi của đạo thầy trò có còn nguyên vẹn qua lăng kính thời gian?
Vị trí người thầy trong xã hội xưa
Từ ngàn xưa, vị trí của người thầy luôn được ông cha ta nhấn mạnh trong các câu tục ngữ, ca dao như: “Không thầy đố mày làm nên” hay “Muốn sang thì bắc cầu Kiều/Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”, “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”…
Người thầy thời xưa là biểu tượng của đạo đức và tri thức, có vai trò to lớn trong việc hình thành nhân cách và giáo dục con người. Với trách nhiệm cao cả ấy, người thầy được nhân dân kính trọng, tôn vinh và coi như ngọn đuốc sáng soi đường cho thế hệ trẻ.
Từ thời Hùng Vương, tầm quan trọng của giáo dục đã được đặt ra, khởi đầu từ việc dạy học cho các công chúa, hoàng tử. Câu chuyện về Vua Hùng Duệ Vương đón thầy Vũ Thê Lang và Nguyễn Thị Thục về giảng dạy cho con cháu là minh chứng cho điều đó.
Được giáo dục, học hành, các công chúa, hoàng tử đều trở thành những người đức độ, tài giỏi, có nhiều đóng góp cho đất nước. Từ việc học của hoàng tộc, vai trò của người thầy dần lan tỏa ra đời sống xã hội. Người thầy không chỉ đơn thuần là người dạy chữ mà còn là hình mẫu về đạo đức và nhân cách, là nơi dân làng tin tưởng gửi gắm con em mình.
Mỗi gia đình, mỗi làng quê dù khó khăn đến đâu cũng động viên, bảo ban con em mình neo vào sự học mà thành người tốt, thành danh, thành tài. Ở vùng Đất Tổ Phú Thọ hiện nay vẫn còn lưu giữ di tích cổ kính, đó là Thiên Cổ Tự - nơi thờ sự học đầu tiên của dân tộc Việt Nam, là biểu tượng thiêng liêng, trường tồn cho truyền thống hiếu học của người Việt.
Đến thời đại Hồ Chí Minh, vị trí của người thầy tiếp tục được nâng cao. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: "Nhiệm vụ thầy giáo rất vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục,... Không có giáo dục thì nói gì đến kinh tế, văn hóa".
Khi đất nước bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế, vai trò của người thầy càng trở nên quan trọng. Để đáp ứng nhu cầu của thời đại Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa, người thầy không chỉ dạy học mà còn cần không ngừng học hỏi và đổi mới.
Thầy không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn là người truyền lửa sáng tạo, khơi dậy niềm đam mê trong học trò. Giá trị của người thầy không chỉ dừng lại ở việc giảng dạy mà còn trong việc góp phần xây dựng và phát triển nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Sự thay đổi trong mối quan hệ thầy trò thời hiện đại
Trong xã hội hiện đại, vai trò và vị trí của người thầy có nhiều thay đổi so với trước đây. Nếu như ngày trước, thầy là người duy nhất truyền đạt kiến thức, thì ngày nay, ngoài thầy còn có rất nhiều kênh thông tin khác như sách báo, Internet giúp học sinh tiếp cận tri thức.
Phương pháp dạy học cũng thay đổi theo hướng hiện đại. Trước đây, thầy là người dẫn đường, học trò tiếp thu thụ động. Giờ đây, thầy đóng vai trò là người định hướng, khơi gợi, đồng hành cùng học trò trên hành trình khám phá tri thức.
Mối quan hệ thầy trò trong xã hội ngày nay cũng mang tính chất bình đẳng và cởi mở hơn. Truyền thống “Tôn sư trọng đạo” không còn gắn liền với sự phục tùng tuyệt đối. Thay vào đó, học trò tôn trọng thầy bằng sự tri ân, lòng biết ơn.
Người thầy ngày nay phải làm gương không chỉ qua thái độ nghiêm túc, mà còn qua hành động, phong cách sống và cách ứng xử hằng ngày. Tấm gương của người thầy được thể hiện qua sự sáng tạo, khả năng tự học và cách truyền đạt phương pháp học tập hiện đại.
Thầy giáo Trần Mạnh Trung (Đại học Hồng Đức) chia sẻ, khi giáo dục Việt Nam hội nhập hoàn toàn với giáo dục thế giới thì mối quan hệ thầy trò sẽ thay đổi vì khi đó từ “teacher” (người dạy hay thầy, cô giáo) sẽ thay thế bằng từ “instructor” (người hướng dẫn).
Người thầy sẽ là người trợ giúp cho học sinh lĩnh hội kiến thức và không còn là người “độc quyền” truyền đạt kiến thức cho học sinh nữa. Học sinh sẽ tự chủ hơn trong việc học và có quyền lựa chọn người thầy phù hợp với mình.
Tuy nhiên, dù mối quan hệ thầy trò có thay đổi theo thời gian, giá trị của người thầy vẫn luôn tồn tại và được xã hội tôn vinh. Một người thầy đúng nghĩa, với sự tận tâm và nhiệt huyết, vẫn luôn nhận được sự kính trọng và yêu mến của học trò, phụ huynh, cũng như toàn xã hội.
Trong một xã hội cởi mở và hiện đại, mối quan hệ thầy trò ngày nay không còn đặt nặng vào khuôn khổ nghiêm khắc như trước kia. Tuy nhiên, truyền thống tôn sư trọng đạo vẫn là nền tảng vững chắc cho sự thành công của giáo dục. Dù công nghệ có thể thay đổi cách học, nhưng vai trò của người thầy như người truyền cảm hứng và dẫn đường vẫn không thể thay thế.
Việc tìm hiểu về cách dạy và học của người xưa giúp chúng ta hiểu rõ hơn về giá trị của việc tôn trọng thầy cô, đồng thời nhắc nhở chúng ta luôn giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp này.
Phạm Tuấn
Ấn phẩm Vì trẻ em số 21