30% phụ nữ và trẻ em gái cảm thấy không an toàn nơi công cộng
Việt Nam là một trong những quốc gia được quốc tế đánh giá cao trong việc đạt được nhiều thành tựu về bình đẳng giới, xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong 20 năm qua. Tuy nhiên, định kiến giới, bạo lực trên cơ sở giới; xâm hại phụ nữ và trẻ em còn tồn tại.
Thời gian qua, một số vụ việc nghiêm trọng đã xảy ra, gây bức xúc dư luận xã hội, trong đó nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em gái. Theo số liệu của Tòa án nhân dân TP Hà Nội năm 2022, 82 vụ việc/110 bị cáo phạm tội xâm hại tình dục trẻ em. 6 tháng đầu năm 2023, Tòa án 2 cấp thành phố thụ lý 81 vụ/81 bị cáo xâm hại tình dục trẻ em.
Đáng chú ý, kết quả khảo sát về an toàn nơi công cộng đối với phụ nữ, trẻ em gái, người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBTI) của Tổ chức Plan International Việt Nam và Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ-TB&XH) thực hiện mới đây cho biết, hơn 30% phụ nữ và trẻ em gái cảm thấy không an toàn ở một số điểm công cộng nơi họ sống.
Phần lớn thủ phạm gây ra các hành vi quấy rối tình dục nơi công cộng là nam giới (chiếm 92,3%). Phản ứng phổ biến của các nạn nhân là tìm sự hỗ trợ của người xung quanh hoặc bỏ đi. Tới 29,7% nạn nhân lựa chọn cách im lặng chịu đựng và không làm gì trước các hành vi quấy rối tình dục. Đáng chú ý, khi phụ nữ và trẻ em gái bị quấy rối tình dục đề nghị hỗ trợ, tới 2,7% phản ứng bằng cách "đổ lỗi cho nạn nhân".
Những con số trên cho thấy, việc thúc đẩy bình đẳng giới, tăng cường quyền năng cho phụ nữ, trẻ em gái và xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi sự vào cuộc trách nhiệm, đồng bộ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Xuất phát từ thực tế trên, từ năm 2014, dự án “Thành phố an toàn, thân thiện với em gái” do Tổ chức Plan International Việt Nam phối hợp Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) và các đối tác thực hiện đã được triển khai thí điểm tại một số trường ở huyện Đông Anh và đạt những kết quả khả quan.
Dự án được triển khai mở rộng đến các huyện, quận như: Long Biên, Ứng Hòa, Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Thanh Xuân và Đống Đa. Mục tiêu nhằm hướng tới là các thành phố của Việt Nam an toàn, thân thiện và có trách nhiệm với các em gái. Chương trình nhằm giải quyết các vấn đề gốc rễ của xã hội dẫn đến nguy cơ không an toàn của các em gái cũng như hướng tới việc chuyển đổi các quan niệm, định kiến xã hội đã củng cố các phân biệt về giới và tình trạng bạo lực trên cơ sở giới.
Nâng cao kiến thức cho trẻ em về phòng tránh bạo lực
Tại Hà Nội từ khi triển khai dự án đến nay, gần 700 giáo viên tại 27 trường THCS và THPT, 400 cán bộ, nhân viên giao thông vận tải được tập huấn về bình đẳng giới và bạo lực giới, gần 2.000 trẻ em gái, trai và cộng đồng đồng tính song giới trở thành các thủ lĩnh vì bình đẳng giới và bạo lực giới.
Mới đây, tại lễ tổng kết dự án “Thành phố an toàn, thân thiện với em gái”, Plan International Việt Nam công bố, tính đến tháng 12/2023, dự án đã có 1.620 em trai, em gái và nhóm LGBTIQ+ trở thành các thủ lĩnh của sự thay đổi vì bình đẳng giới và quyền của trẻ em gái. 650 giáo viên của 27 trường THCS và THPT được tập huấn về bình đẳng giới và bạo lực giới…
Theo bà Nguyễn Phương Linh - Viện trưởng MSD, “Thành phố an toàn, thân thiện với em gái” được ví như một chuyến xe buýt, kéo dài 10 năm và đây là hành trình đầy thách thức. Những điều này cũng là quá trình để chúng ta rèn giũa, tạo nên những thủ lĩnh của sự thay đổi. Hy vọng sẽ có thêm nhiều thủ lĩnh của sự thay đổi hơn, để đảm bảo rằng thành phố của chúng ta, những chuyến xe buýt, những địa điểm công cộng và cả trong mỗi chúng ta đều có một không gian an toàn.
Các em tham gia dự án đều rất mạnh dạn và tự tin; có khả năng thuyết trình tốt, dám nói lên ý kiến của mình. Em Nguyễn Thanh Phương, CLB COC - Thủ lĩnh của sự thay đổi tại Trường THCS Cổ Loa cho biết: "Trong quá trình tham gia CLB, chúng em được thụ hưởng những hoạt động của dự án mang lại. Chúng em được các thầy cô giáo, các dẫn trình viên định hướng tham gia các hoạt động của dự án như: tham gia các buổi tập huấn, sinh hoạt... khiến chúng em có thể thoải mái thảo luận, trao đổi những vấn đề về giới, về bình đẳng giới. Hằng năm, chúng em được tham gia các sự kiện truyền thông tại trường về bình đẳng giới, xoá bỏ bạo lực học đường, xoá bỏ bạo lực trên cơ sở giới để xây dựng một trường học an toàn, bình đẳng, giúp chúng em nhận biết được các hành vi quấy rối, bạo lực tình dục với trẻ em. Ngoài ra, chúng em còn được tham gia các buổi đối thoại trực tiếp với các ban lãnh đạo, thầy cô giáo và cha mẹ để chúng em có thể nói lên những suy nghĩ, hành động của mình, từ đó xây dựng thành phố an toàn, thân thiện và bình đẳng đến tất cả mọi người. Sau khi tham gia dự án, em nhận thấy bản thân có những thay đổi rõ rệt, tự tin hơn khi chia sẻ quan điểm của mình, dám nói lên tiếng nói; biết lắng nghe, tôn trọng ý kiến đóng góp của mọi người".
Dự án cũng tạo ra một môi trường an toàn, thân thiện, giúp các em có thể bày tỏ ý kiến, quan điểm của mình với các nhà lãnh đạo, những người có trách nhiệm. Sau khi lắng nghe ý kiến của các em, những nhà lãnh đạo đã đưa ra quyết định quan trọng, đáp ứng sự mong muốn, bày tỏ chính đáng của các em. Đặc biệt là sự thay đổi của phụ huynh khi họ trở nên cởi mở hơn với các em có thể hiện giới khác biệt, cũng như có sự công bằng khi đối xử giữa bé trai, bé gái.
Đánh giá hiệu quả từ mô hình thành phố an toàn đem lại, đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho biết, để giảm thiểu tình trạng bạo lực trên cơ sở giới, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án, Chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH có trách nhiệm hướng dẫn triển khai thí điểm một số mô hình, trong đó có mô hình "Thành phố an toàn, thân thiện đối với phụ nữ và trẻ em gái", trên cơ sở đó, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn và áp dụng rộng rãi trên phạm vi toàn quốc.