Cuộc họp có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà; ông Ekkaphab Phanthavong, Phó Tổng thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN (ASCC), đại diện Ủy ban Thúc đẩy Quyền của Phụ nữ và Trẻ em trong ASEAN (ACWC) của các nước thành viên ASEAN; đại diện của cơ quan chuyên ngành ASEAN trong các lĩnh vực phúc lợi xã hội, giáo dục, y tế, thông tin và truyền thông, Ban Thư ký ASEAN, các cơ quan chuyên ngành liên quan của ASEAN, các tổ chức quốc tế và các đối tác khác của ASEAN; đại diện các bộ, ngành, hội, hiệp hội và tổ chức quốc tế có liên quan dự trực tiếp tại Hà Nội.
Đây là hoạt động trong khuôn khổ Dự án do Việt Nam đồng chủ trì với Singapore và Brunei Darussalam trong Kế hoạch công tác của ACWC giai đoạn 2021 - 2025. Hội thảo nhằm mục tiêu đưa ra tổng quan về tình hình và tác động của bắt nạt trẻ em trong ASEAN; chia sẻ điển hình tốt của các nước thành viên ASEAN về các biện pháp phòng chống và ứng phó với bắt nạt trẻ em trên môi trường mạng và tại trường học. Đồng thời, Hội thảo cũng nhằm giới thiệu về Tuyên bố về Xóa bỏ bắt nạt trẻ em trong ASEAN được thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39 vào tháng 10/2021 và thảo luận về khuyến nghị về xây dựng Lộ trình thực hiện Tuyên bố này.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà đánh giá cao nỗ lực của các nước thành viên ASEAN trong việc bảo vệ và đảm bảo sự phát triển toàn diện của trẻ em, đặc biệt các thành viên Ủy ban Bảo vệ và Thúc đẩy Quyền của Phụ nữ và Trẻ em ASEAN đã cùng với Việt Nam, Singapore và Brunei Darussalam xây dựng và hoàn thiện Tuyên bố. Thứ trưởng hy vọng ACWC sẽ tiếp tục thực hiện các hành động của mình để hiện thực hoá các cam kết đã được Cấp cao ASEAN thông qua. Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đánh giá cao sự hỗ trợ của UNICEF, NESCO, các đối tác phát triển, nhà tài trợ cũng như các cơ quan chuyên ngành của ASEAN, các tổ chức phi chính phủ và dân sự trong việc triển khai các hoạt động về thúc đẩy quyền của trẻ em nói chung và bảo vệ trẻ em khỏi bị bắt nạt tại trường học và trên môi trường mạng nói riêng.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được cập nhật tổng quan về tình hình và tác động của bắt nạt trực tuyến và trực tiếp đối với trẻ em trong ASEAN, đặc biệt là các nhóm trẻ em dễ bị tổn thương nhất. Đồng thời, cùng chia sẻ và trao đổi về các nguyên tắc và xu hướng mới trong việc phòng chống và ứng phó với bắt nạt trẻ em tại trường học và trên môi trường mạng, cụ thể thông qua các điển hình tốt về giải quyết bắt nạt trẻ em trong khu vực ASEAN nói riêng và trên thế giới nói chung.
Các đại biểu tham dự cũng thảo luận các bước tiếp theo để xây dựng Lộ trình để thực hiện Tuyên bố về Xóa bỏ bắt nạt trẻ em trong ASEAN. Tuyên bố là sáng kiến do Việt Nam đồng chủ trì với Singapore và Brunei Darussalam trong khuôn khổ Kế hoạch công tác của ACWC giai đoạn 2021 - 2025, tập trung vào các biện pháp thích hợp để thúc đẩy và bảo vệ trẻ em ASEAN khỏi tất cả các hình thức bắt nạt, từ đó, đảm bảo rằng những lợi ích và quyền của trẻ em được duy trì và thực hiện. Tuyên bố đã được thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39 vào tháng 10/2021.