Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Vì trẻ em

Yêu thương trao con

Trần Huyền
Trần Huyền

Tôi và cô con gái nhỏ đều tuổi Thìn, nên xuân này với gia đình tôi thật đặc biệt. Chợt nhớ bao khoảnh khắc ưu tư trong cuộc sống, mỗi khi cảm thấy mình thất bại, mông lung, chồng tôi thường động viên thật chân thành: “Em rất tuyệt vời rồi, vì em đã sinh ra con…”

Có lần, trước sinh nhật con gái, chúng tôi hỏi: “Con thích nhất chơi trò gì?”. Mất hồi lâu thăm dò thái độ người lớn, cháu mới thật thà bộc lộ: “Con thích chơi game”.

Câu trả lời thực sự bất ngờ. Tìm hiểu kỹ mới hay, suốt thời gian học online, ngoài giờ học, cháu giải trí bằng game - trò chơi bạn cùng lớp lan truyền. Chững một nhịp, chúng tôi ân cần hỏi: “Trò đó là gì? Con cho bố mẹ chơi cùng nhé!”.

Chờ có thế, cô con gái nhỏ đăng nhập, thế giới ảo được thiết kế tương đương ngoài đời thực, cũng phố xá, nhà cửa, trường học, công viên, quang cảnh rực rỡ tươi đẹp…

Trong tạo hình cô bé mang đôi cánh thiên thần, nhân vật của con gái tôi hằng ngày đến trường đi học, giúp đỡ mọi người, nhặt rác nơi công viên, chăm sóc thú cưng, cây trồng… Đó đơn giản là điều trẻ em ước mơ ngoài cuộc sống mà chưa thực hiện được ở giai đoạn covid.

Lũ mai và con.jpg

Thế rồi, mỗi người trong gia đình tôi lập một tài khoản, làm bạn với con cả trong game và biết rõ đứa con bé bỏng đã làm những gì ở thế giới ảo.

Những khi con có kết quả học tốt, tôi tặng một vài món quà trong game bé vẫn ước ao: Đôi dép quả thông màu nâu xinh xắn, đôi cánh thiên thần trắng muốt như đôi cánh mà con từng đeo, vầng hào quang xoáy thành hình tròn bên trên mái tóc… Khỏi phải nói, bé mừng vui đến mức nào. Nhờ đó, tinh thần học tập của con dần ổn định, tiến triển hơn nhiều.

Tôi không dám chắc cách làm bạn với con từ cuộc sống thật đến thế giới ảo như vậy có hoàn toàn là phương thức hữu hiệu với mọi đứa trẻ hay không, nhưng từ lúc con còn nhỏ tới bây giờ, đó luôn là cách tôi lựa chọn. “Con hãy bước đi, có bố mẹ theo cùng…”, tôi tin rằng, con mình luôn cảm thấy vững vàng trước câu nói ấy.

Đó là năm con ba tuổi, chới với bên bờ biển, khóc thét lên vì sợ nước mặn, sóng lừng. Đó là mùa hè con về quê ngoại, ánh mắt tỏ rõ niềm lo âu trước triền đồi cao vi vút gió. Là buổi con đỏ mắt chờ vì bố mẹ đón muộn, sân trường vắng hoe…

Bao nhiêu khoảnh khắc có thể có bố mẹ hoặc không, song điều quan trọng nhất là chúng ta gieo được vào tâm hồn trẻ nhỏ về tình yêu thương từ sâu thẳm. Đâu đó, có thể còn những câu chuyện chưa trọn vẹn, thậm chí ảnh hưởng nghiêm trọng tới trẻ nhỏ, nhưng tôi tin, khi mỗi bậc cha mẹ làm tròn trách nhiệm của mình thì trái tim trẻ sẽ ấm áp, lạc quan hơn.

Tôi nhớ một kỷ niệm ngày con gái mình học lớp 2. Sau giờ học chính, cháu được gia đình đăng ký cho học năng khiếu tại trường. Buổi nọ, lúc mẹ đón, ánh mắt con rớm nước, giọng nói run run: “Cô giáo nói bố mẹ chưa đóng tiền học nên mời con ra khỏi lớp…” Bao nguy cơ có thể xảy ra với một đứa trẻ bơ vơ.

Có bức xúc không? Có ngay lập tức muốn phản hồi, khiếu nại không? Tất nhiên là có! Nhưng tôi nhận thấy việc vỗ về, chia sẻ cần hơn tất cả lúc này. Sau khi con tắm gội, ăn uống, vui chơi trở lại vào buổi tối, tôi hỏi nhỏ: “Con còn muốn học năng khiếu nữa không”, bé thẽ thọt đáp: “Dạ có ạ, con rất yêu cô giáo”! Một đứa trẻ bị cô mời ra khỏi lớp, trước mặt các bạn, mà lòng vẫn yêu cô giáo… điều đó là chút gì neo lại, khiến chúng tôi đặt câu hỏi: “Cô có điều gì khiến học trò yêu quý?” Chắc hẳn trẻ con, nhất là trong tình huống đó, thì không nói dối bao giờ.

Gia đình tôi chủ động liên lạc, cô giáo thừa nhận tình huống đã xảy ra và nhận lỗi. Tới khi cô biết được câu nói của học trò: “Con rất yêu cô giáo” thì bật khóc. Rõ ràng, điều đã xảy ra không mấy tốt đẹp, nhưng cái kết của nó, có hậu hay không, có thể lại phụ thuộc người lớn. Chúng ta có chấp nhận chậm lại một chút, nhường nhau một bước, bao dung cho những lỗi lầm… để trẻ nhỏ được vô tư, trong sáng trong sự cảm nhận của chúng về cuộc sống này không, có lẽ điều ấy quan trọng hơn.

z4944258338258_558f84702dc05826c29edff9319deac1.jpg

Tôi thường chia sẻ cùng con câu chuyện về tình cha mẹ bằng một đặc điểm cá nhân từ lâu đã tồn tại. Đó là, tôi có thể lãng quên ngay cả những điều vừa xảy ra, nhưng lại nhớ như in nhiều câu chuyện gia đình từ khi mình còn rất nhỏ.

Tôi không sao quên được hình bóng mẹ những năm tháng tuổi thơ chật vật. Mẹ thức suốt đêm xê dịch xoong nồi, xô, chậu hứng nước mưa lênh láng khắp nhà. Mẹ trượt chân ngã khi đang ôm tôi, cằm còn nguyên vết sẹo dài nhưng lúc nào cũng chỉ nhắc về vết sẹo trên đầu tôi đã được tóc phủ kín.

Mẹ vác đất, làm gạch, xây nhà… mạnh mẽ chẳng kém đàn ông, nhưng khi ngồi khâu vá lại thật dịu dàng, điệu nghệ. Mùa giáp hạt, mẹ dạy tôi làm bánh từ khoai, sắn khô lấy trên gác bếp xuống…

Cái đói cận kề, bữa ăn vẫn cần xôn xao sắc màu, hương vị. Mùa mẹ đi cấy thuê ở xã bên, lúc về nhà, trong vành nón ấp iu những búp sen thơm làm quà cho con. Khi còn nếp nhà tranh vách đất liêu xiêu cho tới bây giờ, Tết đến xuân về, quanh nhà tôi lúc nào cũng rực rỡ những hoa hồng, lay ơn, thược dược do mẹ vun trồng.

Tôi luôn nhắn nhủ con mình, dù đời sống êm đềm hay vất vả nhường nào, trong trái tim cha mẹ luôn trọn vẹn tình yêu thương dành cho những đứa con.

Ta có thể bị lôi cuốn trước bao điều long lanh, hấp dẫn, cũng có thể vô tâm trước những giá trị cốt lõi đã đùm bọc mình, nhưng sự bao dung vô điều kiện từ tình cha mẹ, sự ấm áp chở che của một mái nhà… luôn chứa đựng niềm cứu rỗi và thức tỉnh.

Lữ Mai