Báo Tin tức đưa tin, tại vòng chung kết cuộc thi, 10 đội đại diện cho 10 quốc gia thành viên ASEAN đã trình bày các giải pháp dữ liệu hỗ trợ các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) trong khu vực. Sau nhiều tháng đua tranh, ba đội đã được lựa chọn trao giải.
Phần trình bày của đội Catfish, gồm hai thành viên là Phùng Trần Diệu Hoa và Nguyễn Trường Thịnh đến từ Đại học RMIT Việt Nam tập trung vào chủ đề “Người khuyết tật: Khai thông nút thắt kinh tế liên quan đến SDG 4 (Giáo dục chất lượng) và SDG 8 (Việc làm bền vững và tăng trưởng kinh tế) - đã xứng đáng giành Giải Nhất cuộc thi. Giải Nhì thuộc về đội Halcyon Seraph đến từ Đại học Quốc gia Singapore và Đại học Yale-NUS, trong khi Giải Ba thuộc về đội Psyduck đến từ Đại học Teknologi Brunei.
Phát biểu cảm tưởng tại lễ trao giải được tổ chức trực tuyến, đội Catfish bày tỏ: “Hành trình ADSE đã đưa chúng tôi đi từ những quan sát về môi trường xung quanh đến các giải pháp dữ liệu và cuối cùng là các hành động. Từ đó, chúng tôi thực sự tin rằng dù vẫn còn trẻ, song chúng tôi có thể góp phần xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn”.
Về phần mình, ông Thomas Zipperle, Giám đốc Tài chính của công ty SAP tại Đông Nam Á, cho biết chương trình ADSE hỗ trợ cho sự đa dạng văn hóa mà SAP tôn vinh và áp dụng trong khu vực ASEAN. Nền tảng SAP Analytics Cloud nhằm mục đích thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số tại các nước ASEAN và trao quyền cho thanh niên nhằm tạo ra những đổi mới bền vững để giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội”.
Trong khi đó, Tiến sĩ Yang Mee Eng - Giám đốc điều hành Quỹ ASEAN cho biết, tổ chức này và SAP chia sẻ mục tiêu chung là trang bị cho thanh niên các kỹ năng sẵn sàng cho tương lai, giúp họ phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên bình thường mới và ủng hộ chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng” của Năm Chủ tịch ASEAN Việt Nam 2020.
ADSE là chương trình hợp tác thường niên từ năm 2017 giữa Quỹ ASEAN và SAP. Chương trình đã hỗ trợ các thanh niên nâng cao kỹ năng phân tích dữ liệu và thúc đẩy sự hòa nhập kỹ thuật số trong khu vực. Đến nay, ADSE đã trang bị kỹ năng khoa học dữ liệu cho 16.309 sinh viên và 1.420 giảng viên từ 370 cơ sở đào tạo trong khắp khu vực. Trong những năm tới, ADSE sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động bằng cách cung cấp các cơ hội đào tạo về phân tích dữ liệu cho thanh niên và sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Thông tin trên Vietnamnet cho hay, theo bảng xếp hạng do EF English Proficiency Index (EPI) công bố mới đây, Việt Nam xếp thứ 65/100 quốc gia và khu vực về khả năng sử dụng tiếng Anh. Hà Lan tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng năm 2020.
Cụ thể, năm 2020, Việt Nam đạt 473/800 điểm, xếp thứ 13/24 châu Á và 65/100 quốc gia và khu vực trên thế giới. Như vậy, thứ hạng của Việt nam đã tụt 13 bậc so với năm ngoái. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam ở nhóm nước thông thạo tiếng Anh thấp.
Hai thành phố có khả năng thông thạo tiếng Anh cao nhất của Việt Nam vẫn là Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên, so với thế giới, mức điểm này vẫn chỉ thuộc nhóm thông thạo thấp.
Cũng theo báo cáo, châu Âu tiếp tục dẫn đầu thế giới về trình độ tiếng Anh với 8 nước nằm trong top 10. Trong đó, đứng đầu thế giới là Hà Lan với điểm đánh giá 652/800; theo sau lần lượt là: Đan Mạch, Phần Lan, Thụy Điển, Na Uy, Áo, Bồ Đào Nha, Đức, Bỉ…
Còn ở châu Á, Singapore tiếp tục là nước dẫn đầu với 611 điểm và cũng xếp thứ 10 thế giới. Đây cũng là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á được đánh giá thông thạo tiếng Anh ở mức độ rất cao. Xếp thứ 2 châu Á là Philippines với 562 điểm, xếp trong nhóm thông thạo cao. Các quốc gia và vùng lãnh thổ còn lại ở trong nhóm trung bình, thấp và rất thấp.
Năm 2020 là năm thứ 10 Tổ chức EF Education First của Thụy Sĩ thực hiện bảng xếp hạng khả năng sử dụng tiếng Anh EF English Proficiency Index, dựa trên dữ liệu từ hơn 2,2 triệu người thuộc 100 quốc gia và vùng lãnh thổ không sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ mẹ đẻ.
Đây cũng là lần đầu tiên, thang điểm của EF EPI được chuyển sang 800 thay vì 100 như trước đây để phù hợp với Khung tham chiếu trình độ ngôn ngữ chung của châu Âu.
Bảng xếp hạng vẫn chia làm 5 nhóm: Mức độ thông thạo rất cao (ứng với cấp độ C1 và C2), cao (ứng với cấp độ B2), trung bình (ứng với cấp độ B2), thấp (ứng với cấp độ B1) và rất thấp (ứng với cấp độ B1 và A2).