Việt Nam: Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, nữ lãnh đạo các cấp tăng lên
Đánh giá về sáng kiến của Việt Nam đưa nội dung tăng quyền năng cho phụ nữ trong thời đại số vào Phiên họp đặc biệt của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thúy Anh cho biết, đây là cơ hội để đánh giá thành tựu về bình đẳng giới nói chung và việc trao quyền năng cho phụ nữ nói riêng.
Bởi theo bà Thúy Anh, công nghệ số đang tác động, ảnh hưởng đến phụ nữ, trong đó tạo ra không ít những cơ hội, thách thức cần đưa ra giải pháp trong thời gian tới.
Theo bà Thúy Anh, diễn ra vào thời điểm thế giới chuẩn bị đánh giá 25 năm thông qua Tuyên bố và Cương lĩnh Bắc Kinh, Phiên họp càng có ý nghĩa quan trọng, là dịp để các nhà Lãnh đạo ASEAN thể hiện sự cam kết ở mức cao đối với vấn đề bình đẳng giới, vấn đề trao quyền cho phụ nữ trong thời đại số.
Còn đối với Việt Nam, đây là năm cuối thực hiện mục tiêu Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020.
Về kết quả thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, bà Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, Việt Nam đã đạt được những thành tựu trong việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu hàng năm.
Về chỉ tiêu bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, Việt Nam đạt được một số thành tích như tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, nữ lãnh đạo các cấp tăng lên.
Bên cạnh đó, tỷ lệ nữ lao động, nữ doanh nhân cũng tăng lên; một số chỉ tiêu về mặt y tế, sức khỏe có tiến bộ.
Tuy nhiên, hiện Việt Nam vẫn tiếp tục phấn đấu thực hiện một số chỉ tiêu liên quan đến khoảng cách vùng miền; tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh; chỉ tiêu 30% tỷ lệ nữ lãnh đạo…
Khẳng định năng lực dẫn dắt và khởi xướng của Việt Nam
Cho biết: "Đây là cuộc họp đầu tiên, cấp cao nhất của các nhà Lãnh đạo ASEAN về vấn đề bình đẳng giới trong khu vực hiện nay", trả lời sự quan tâm của báo chí, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga -Cố vấn cao cấp Ban Thư ký quốc gia ASEAN 2020, đại diện Việt Nam tại Nhóm Phụ nữ ASEAN vì hòa bình - nhấn mạnh sáng kiến nổi bật của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020.
Diễn ra trong bối cảnh nhiều thách thức do đại dịch Covid-19, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga khẳng định, Phiên họp có ý nghĩa lớn về chính sách; đúng thời điểm thế giới cùng nhau đánh giá sau 25 năm thực hiện Cương lĩnh và Chương trình hành động của Bắc Kinh; 5 năm thực hiện chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, trong đó bình đẳng giới và trao quyền năng cho phụ nữ là mục tiêu thứ 5 trên tổng số 17 mục tiêu toàn cầu.
Theo Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, đây là thời điểm ASEAN tập trung bàn về các biện pháp để thực hiện tầm nhìn ASEAN 2025 trong bối cảnh tình hình mới của thời đại số và tác động của đại dịch Covid-19.
"Qua đó, các nước ASEAN cùng nhau xác định những thách thức, cơ hội mới; cùng nhau đưa ra giải pháp hữu hiệu nhằm thúc đẩy thực hiện cam kết quốc tế", bà Nga nhấn mạnh.
Trước sự quan tâm rộng rãi của các nước trong khu vực và trên thế giới, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga khẳng định, phiên họp đã thể hiện quyết tâm, thông điệp rõ ràng trong việc thực hiện cam kết tiên phong, ủng hộ đi đầu của Việt Nam nói riêng, các nước ASEAN nói chung trong thúc đẩy hợp tác đa phương và chủ nghĩa đa phương về vấn đề thúc đẩy bình đẳng giới.
Phiên họp không chỉ đánh dấu bước chuyển của ASEAN, theo đại sứ, còn là khẳng định năng lực dẫn dắt và khởi xướng của Việt Nam trong các hoạt động hợp tác khu vực và toàn cầu.
Theo đó, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga nhấn mạnh: “Việt Nam là nước tích cực và tiên phong trong lĩnh vực bình đẳng giới, đặc biệt về mặt chính sách và khuôn khổ chính sách. Đây còn là một trong những mục tiêu hàng đầu của phát triển kinh tế, xã hội đất nước trong thời kỳ đổi mới hiện nay".
"Đây là vấn đề của tiến bộ xã hội của nhân loại nhưng là một cuộc cách mạng đối với phụ nữ”, nữ đại sứ nhấn mạnh thêm.
Đánh giá cao vai trò Chủ tịch ASEAN trong 6 tháng đầu năm 2020, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga cho rằng, Việt Nam trở thành mô hình thành công ứng phó với dịch bệnh với phương châm vì người dân; sớm khôi phục các hoạt động kinh tế, xã hội.
Việt Nam đã tạo niềm tin của bè bạn quốc tế vào vai trò và năng lực lãnh đạo ASEAN của Việt Nam trong năm 2020; cùng các nước ASEAN tạo nên “điểm sáng hợp tác quốc tế trong bức tranh toàn cầu màu xám” liên quan đến các vấn đề suy thoái, bất bình đẳng xã hội, kinh tế suy thoái, các vấn đề an sinh xã hội, thất nghiệp... hiện nay, Đại sứ nói.
Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 diễn ra bằng hình thức trực tuyến với sự tham dự của lãnh đạo 10 nước ASEAN tại các đầu cầu mỗi nước chính thức khai mạc sáng ngày 26/6. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị.
Cùng dự có Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch AIPA 41 Nguyễn Thị Kim Ngân; Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020;
Các Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh; cùng lãnh đạo Bộ, ban ngành tham dự Lễ khai mạc.
Chiều cùng ngày 26/6, trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN 36, Phiên họp đặc biệt của các Nhà Lãnh đạo ASEAN về tăng quyền năng cho phụ nữ trong kỷ nguyên số đã diễn ra. Đây là lần đầu tiên một hoạt động về chủ đề tăng quyền năng cho phụ nữ được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN.
Phiên họp cấp cao đặc biệt này cũng là một hoạt động nhằm kỷ niệm 110 năm Ngày quốc tế Phụ nữ, 45 năm thành lập Ủy ban ASEAN về Phụ nữ, 25 năm thông qua Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh về bình đẳng giới và 20 năm thông qua Nghị quyết 1325 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh.
Phiên họp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, khẳng định cam kết mạnh mẽ ở cấp cao của ASEAN trong thực hiện đầy đủ và hiệu quả các mục tiêu đề ra trong Cương lĩnh Bắc Kinh, cũng như thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế-xã hội và hợp tác ASEAN.