Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Việt Nam sẵn sàng đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc

(Dân sinh) - Sáng 12/12, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung đã chủ trì họp báo quốc tế về việc Việt Nam đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021.

10 năm sau nhiệm kỳ đầu tiên năm 2008 - 2009, tháng 6 vừa qua, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bầu Việt Nam vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an với số phiếu cao kỷ lục 192/193 phiếu.

Theo Thứ trưởng Lê Hoài Trung, số phiếu này thể hiện sự tín nhiệm và tình cảm với Việt Nam và sự nhìn nhận của cộng đồng quốc tế về một nước Việt Nam có truyền thống trong quá khứ đã đấu tranh vì các mục tiêu cũng chính là các mục tiêu của Liên Hợp quốc, trong đó mục tiêu hàng đầu là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.

"Đó cũng là sự nhìn nhận và tôn trọng những thành tựu Việt Nam đạt được trong quá trình đổi mới như: Hoàn thiện nhà nước pháp quyền, phát triển kinh tế xã hội, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, các nhóm dân cư và về hội nhập quốc tế, thúc đẩy quan hệ", Thứ trưởng nói.

Chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an luân phiên hàng tháng, theo thứ tự alphabet tên tiếng Anh của các nước thành viên, theo Thứ trưởng Lê Hoài Trung, Việt Nam sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an  trong 2 tháng - tháng 1/2020 và 4/2021. Khối lượng công việc rất lớn, nhất là trong tháng đầu tiên của một nhiệm kỳ.

"Thông thường, các thành viên có 1 năm chuẩn bị trước khi đảm trách vai trò này nhưng chúng ta chỉ có 6 tháng kể từ khi đắc cử. Đây là một thách thức không nhỏ", ông nói.

Về những ưu tiên của Việt Nam khi tham gia Hội đồng Bảo an, Thứ trưởng Lê Hoài Trung nhấn mạnh, đóng góp của Việt Nam vào Hội đồng Bảo an dựa trên cơ sở là những chương trình nghị sự của Hội đồng. Việt Nam mong muốn thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, giải quyết những vấn đề toàn cầu, hòa bình an ninh, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.

Khi tham gia Hội đồng Bảo an, mục đích của Việt Nam là xây dựng môi trường hòa bình ổn định trên thế giới và khu vực. "Chính điều này đảm bảo cho chúng ta có một môi trường hòa bình để phát triển kinh tế - xã hội", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, đây là nhiệm vụ của ngành đối ngoại và cũng là trách nhiệm Việt Nam đóng góp vào thúc đẩy hợp tác đa phương để góp phần tăng cường hiệu quả phương thức giải quyết các vấn đề quốc tế, trong đó Việt Nam nỗ lực và tích cực vươn lên đóng vai trò nòng cốt, trung gian hòa giải trên những vấn đề phù hợp với lợi ích, trong khả năng và điều kiện của mình.

Làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam mong muốn đóng góp vào thúc đẩy việc phát huy vai trò hàng đầu của Hội đồng là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, cụ thể là ngăn ngừa xung đột, giúp giải quyết các vấn đề khủng hoảng; góp phần vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng, đồng thời thúc đẩy một số vấn đề mà các nước, nhóm nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương quan tâm như: Bảo vệ thường dân trong xung đột vũ trang, vấn đề tái thiết sau xung đột, phụ nữ và hòa bình, an ninh...

Cùng với đó, Việt Nam mong muốn qua dịp này thúc đẩy được quan hệ đối tác với các quốc gia trong Hội đồng Bảo an và các quốc gia khác.

Năm 2020, Việt Nam còn là Chủ tịch của ASEAN, do đó Việt Nam có điều kiện thúc đẩy vấn đề này.

Trước các vấn đề quốc tế lớn, các nguyên tắc giải quyết vấn đề khu vực, quan điểm của Việt Nam là tích cực và xây dựng. Việt Nam có những thành tựu trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội tạo ra vị thế nhất định, nhiều kinh nghiệm khi từng làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an năm 2008 - 2009, kinh nghiệm tổ chức các diễn đàn đa phương…

Thứ trưởng cho biết, Việt Nam tham gia Hội đồng Bảo an giúp thuận lợi cho quá trình phát triển, thúc đẩy quan hệ với các đối tác, gia tăng cơ hội giới thiệu quảng bá đất nước, con người, thành tựu của Việt Nam...

Qua trao đổi tham vấn các quốc gia, Thứ trưởng cho biết, đa số thành viên đều mong muốn Việt Nam phát huy các giá trị về phương diện đề cao độc lập dân tộc, ngăn ngừa xung đột, khát vọng hòa bình; phát huy kinh nghiệm tái thiết đất nước sau chiến tranh, về vấn đề hòa giải với các nước cựu thù; vai trò trong các thể chế khu vực và bản sắc ngoại giao đối ngoại…

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Lê Hoài Trung đã trả lời nhiều câu hỏi của báo giới liên quan đến những vấn đề Việt Nam ưu tiên thảo luận trong tháng nắm giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an, ngay sau khi trở thành Ủy viên không thường trực của Hội đồng (tháng 1/2020); những thuận lợi và thách thức khi đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, những đánh giá của Liên hợp quốc đối với việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam và những đóng góp của Việt Nam trong thời gian tới...

Trước câu hỏi, thời gian qua, Việt Nam đã tích cực tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, nỗ lực này đã được cộng đồng quốc tế đánh giá như thế nào? Thứ trưởng Lê Hoài Trung cho biết, Liên Hợp quốc đang có tổng cộng 14 phái bộ gìn giữ hòa bình. Việt Nam tham gia 2 phái bộ ở Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan. Ở Nam Sudan, Việt Nam đóng góp bằng việc cử bệnh viện dã chiến cấp 2. Gần 100 cán bộ chiến sĩ Việt Nam đã tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc tại 2 nơi này, ban đầu là các sĩ quan tham mưu, gần đây hơn là bệnh viện dã chiến cấp 2.

"Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia các lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam được Liên hợp quốc đánh giá là cao nhất trong các nước tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Các quốc gia đánh giá cao các cán bộ chiến sĩ của Việt Nam tham gia nghiêm túc nhiệm vụ, hoạt động rất hiệu quả, không những hỗ trợ lực lượng gìn giữ hòa bình các nước mà còn tham gia hỗ trợ cộng đồng địa phương. Sắp tới, Việt Nam có kế hoạch tham gia lực lượng công binh. Các nước thành viên Liên hợp quốc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình theo một số hình thức như: Sĩ quan tham mưu hoặc quan sát viên, đơn vị bộ binh, các lực lượng hỗ trợ (như y tế, công binh, trực thăng) và tới đây có thể là lực lượng cảnh sát…", ông Trung cho biết.

Về việc Việt Nam sẽ ứng xử thế nào trước các vấn đề quốc tế phức tạp, nhiều quan điểm khác nhau, thậm chí bất đồng, Thứ trưởng cho biết, Việt Nam lắng nghe quan điểm của các bên liên quan, dựa trên nguyên tắc lớn là Hiến chương Liên hợp quốc với nội dung: Duy trì hòa bình và hợp tác phát triển, tôn trọng độc lập chính trị, quyền dân tộc tự quyết, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không đe dọa dùng vũ lực hay sử dụng vũ lực; tôn trọng các nghị quyết đã có của Liên hợp quốc; tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của tất cả các bên liên quan….

Về các ưu tiên thảo luận trong vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an:

Tháng 1/2020, trong chương trình nghị sự, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ chủ trì cuộc họp của Hội đồng Bảo an.

Trong đó có cuộc thảo luận mở cấp Bộ trưởng với chủ đề kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hợp quốc, về tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, cũng như vai trò của tổ chức khu vực trong hợp tác với Hội đồng Bảo an trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.

Việt Nam cũng sẽ trao đổi về các vấn đề liên quan đến quỹ của Iraq, một số vấn đề liên quan đến khu vực Trung Đông, hoạt động của Liban.

Tháng 4/2021, Việt Nam đang trao đổi với các quốc gia, trong đó theo hướng sẽ có trao đổi về vấn đề hậu xung đột, gồm: Giải quyết bom mìn, nhân đạo, phụ nữ, trẻ em...

Cũng theo Thứ trưởng Lê Hoài Trung, Liên hợp quốc đánh giá sự tham gia của các cán bộ, chiến sĩ Việt Nam vào lực lượng gìn giữ hòa bình rất nghiêm túc, hoạt động hiệu quả, không những phục vụ cho các lực lượng gìn giữ hòa bình các nước mà tham gia hỗ trợ, phục vụ cho cả nhân dân, cộng đồng địa phương.

Vì vậy, Liên hợp quốc mong muốn Việt Nam cử thêm lực lượng tham gia. Một số sĩ quan của Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình đã được khen thưởng.

Thời gian tới, Việt Nam sẽ tham gia không chỉ trong lĩnh vực liên quan đến y tế mà đã chuẩn bị sẵn sàng để tham gia cả về lĩnh vực công binh.