Chiều 10/7, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc đã ký kết Hiệp định thực thi về giảng dạy tiếng Anh của Chương trình Hòa Bình, theo đó, hàng năm, Hoa Kỳ sẽ cử 20 tình nguyện viên giảng dạy tiếng Anh cho các trường trung học Việt Nam.
Lễ ký kết diễn ra trước sự chứng kiến của ông H.E. Daniel Kritenbrink, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Lê Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ châu Mỹ, Bộ Ngoại giao và ông Bùi Thế Giang, Phó Chủ tịch Hội Việt - Mỹ. Đây là Hiệp định cấp Chính phủ hai nước, phía Việt Nam giao Bộ GD&ĐT đại diện ký kết.
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, để hỗ trợ các trường học Việt Nam nâng cao chất lượng giáo dục tiếng Anh, Việt Nam và Hoa Kỳ đã đàm phán Hiệp định Thực thi về giảng dạy tiếng Anh của Chương trình Hòa Bình từ khi Hiệp định khung giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được ký kết vào năm 2016.
"Sau 5 năm, Hiệp định đã được đàm phán và đi đến hoàn tất đàm phán để chính thức ký kết vào ngày hôm nay, nhân dịp kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ. Đây là sự kiện đặc biệt, góp một phần vào mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ", Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh.
Nội dung của Hiệp định thực thi gồm cấp ký Hiệp định thực thi, nguyên tắc hợp tác, tiêu chí và số lượng tình nguyện viên trong giai đoạn 2 năm đầu thí điểm, loại hình cơ sở giáo dục tiếp nhận tình nguyện viên, nội dung hoạt động của tình nguyện viên.
Sau khi Hiệp định có hiệu lực, hàng năm, Hoa Kỳ sẽ cử 20 tình nguyện viên giảng dạy tiếng Anh sang Việt Nam. Trải qua ba tháng đào tạo văn hóa, ngôn ngữ và kỹ năng toàn diện, tình nguyện viên của chương trình sẽ giảng dạy tiếng Anh tại các trường trung học ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Đại diện phía Hoa Kỳ, Đại sứ Daniel Kritenbrink nhận định: "25 năm chỉ như một khoảnh khắc ngắn trong hành trình lịch sử, nhưng nhìn vào tất cả những gì chúng ta đã đạt được cùng nhau, tiến trình của mối quan hệ song phương Hoa Kỳ-Việt Nam trong hai mươi lăm năm qua là rất phi thường".
Ngài Đại sứ đánh giá cao vai trò chủ tịch ASEAN năm 2020 của Việt Nam, đặc biệt, trong việc phối hợp với ASEAN ứng phó với đại dịch COVID-19 và các vấn đề liên quan đến phục hồi kinh tế.
Nói về Hiệp định thực thi, ông Daniel Kritenbrink khẳng định: "Hai Chính phủ một lần nữa đánh dấu mốc quan trọng khi ký Hiệp định này, sẽ đưa tình nguyện viên Chương trình Hòa Bình đến Việt Nam". Với việc ký kết Hiệp định này, Việt Nam trở thành quốc gia thứ 143 mà Chương trình Hòa Bình hoạt động kể từ khi thành lập năm 1961.
"Điều này tiếp tục thể hiện cam kết kiên định của Hoa Kỳ trong việc củng cố năng lực học tiếng Anh của học sinh Việt Nam. "Tôi tin rằng thành tựu lớn này sẽ phục vụ để thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa người Mỹ và công dân Việt Nam, đồng thời tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác song phương của chúng ta", ngài Đại sứ bày tỏ.
Hiện nay, có hơn 550 chương trình liên kết đào tạo giữa các trường đại học Việt Nam và nước ngoài; trong đó, khoảng 50 chương trình liên kết đào tạo giữa cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và Hoa Kỳ, chủ yếu là chương trình đào tạo trình độ đại học và trình độ thạc sĩ. Ngoài ra, hơn 30 chương trình đào tạo tiên tiến từ Hoa Kỳ đang được áp dụng tại cơ sở giáo dục đại học uy tín của Việt Nam.
190.000 sinh viên Việt Nam đang học tập ở nước ngoài, trong đó, khoảng 30.000 sinh viên học tập tại Mỹ. 21.000 sinh viên nước ngoài đang học tập tại Việt Nam ở nhiều cấp độ khác nhau. Hàng năm, Việt Nam cũng đón hàng ngàn sinh viên/giáo viên quốc tế đến Việt Nam tham gia các chương trình trao đổi.
Giữa Hoa Kỳ và Việt Nam còn có nhiều hoạt động hợp tác thuộc Đề án Ngoại ngữ Quốc gia, tài trợ cho Dự án BUILD-IT trong lĩnh vực giáo dục đại học, hợp tác trực tiếp giữa các cơ sở giáo dục của hai nước trong các lĩnh vực như khoa khọc - công nghệ, môi trường và biến đổi khí hậu, nông nghiệp, giáo dục STEM,…