Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Vốn chính sách góp phần giúp trên 1,7 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo

(Dân sinh) - Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, trong giai đoạn 2016 đến 31/8/2020, vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giúp trên 1,7 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 1,3 triệu lao động; gần 350 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 7,35 triệu công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; trên 130 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo….

Vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu trong cuộc sống cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là khu vực nông thôn, vùng DTTS và miền núi, vùng sâu, vùng xa, mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế - xã hội. Các đối tượng thụ hưởng được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm; làm quen với quan hệ tín dụng "có vay – có trả", từng bước nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, quản lý vốn, mạnh dạn vay vốn và sử dụng vốn có hiệu quả; giúp nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. 

Vốn chính sách góp phần giúp trên 1,7 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo - Ảnh 1.

Người nghèo được vay vốn ưu đãi.

Bên cạnh đó, thông qua các chương trình tín dụng chính sách xã hội, các đối tượng thụ hưởng có điều kiện trang trải các chi phí đáp ứng nhu cầu thiết yếu của cuộc sống như chi phí học tập cho con em, xây nhà ở, công trình nước sạch, vệ sinh môi trường; từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm bệnh tật, giảm tình trạng thất học và các tệ nạn xã hội; làm thay đổi cơ bản nhận thức của người nghèo, đồng bào DTTS, giúp họ thêm tự tin, tăng dần vị thế trong xã hội.

Vốn tín dụng chính sách xã hội tác động toàn diện đến mọi mặt của đời sống, làm thay đổi căn bản nhận thức của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, từ mặc cảm tự ti, sợ vay, không dám vay nay đã mạnh dạn vay vốn, tính toán làm ăn đạt hiệu quả thiết thực, tạo được lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng của Đảng và Nhà nước, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ tại vùng nghèo, vùng DTTS và miền núi.  

Đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo và các đối tượng chính sách khác ngày càng được cải thiện. Hệ thống chính trị ngày càng được củng cố, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường. Bên cạnh đó, vốn tín dụng chính sách xã hội có tác động trực tiếp đẩy lùi và ngăn chặn sự tác động tiêu cực của "tín dụng đen", góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, tăng cường và củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Vốn tín dụng chính sách xã hội tạo nguồn lực nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của các địa phương cùng với sự hỗ trợ của trung ương gắn với yêu cầu phát huy tinh thần tự lực, tự cường của hộ nghèo, đối tượng chính sách trong phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Với chủ trương đa dạng hóa nguồn lực cho mục tiêu giảm nghèo, nhiều tỉnh, thành phố đã phát huy tốt vai trò của vốn tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện các đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, tập trung dành nguồn lực từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH cho vay để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.

Tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đến nay đã thực sự đi vào cuộc sống, được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. NHCSXH và chính sách tín dụng là một trụ cột quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Nhờ trụ cột này, giai đoạn 2015 - 2018, số hộ nghèo giảm rất nhanh, góp phần đẩy lùi, ngăn chặn tín dụng đen, tạo nguồn lực cho các địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững gắn với các đề án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Tín dụng chính sách xã hội trong thời gian qua đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 do đã thiết lập, duy trì được mô hình tổ chức, phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách xã hội và cách thức tác nghiệp đặc thù, hiệu quả, phù hợp với hộ nghèo, đối tượng chính sách, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Phương thức quản lý tín dụng chính sách xã hội đặc thù thông qua hình thức: Phân công, phân cấp trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong việc xác nhận đối tượng thụ hưởng; thực hiện dân chủ, công khai trong cộng đồng dân cư; kết hợp sự tham gia của 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác với vai trò giám sát xã hội và làm ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình nghiệp vụ tín dụng chính sách. Đây là hướng đi đúng đắn, giúp cho việc giải ngân nguồn vốn tín dụng kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng; nâng cao vai trò quản lý nhà nước, đặc biệt của chính quyền cấp xã đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội; huy động được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị cùng chung tay giúp người nghèo, đối tượng chính sách khác.

Bên cạnh đó, NHCSXH đã thực hiện thành công hoạt động nghiệp vụ sáng tạo nhằm phục vụ tốt nhất cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác thông qua việc tổ chức giao dịch tại 10.428 Điểm giao dịch đặt tại trụ sở UBND cấp xã; phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội thành lập gần 174.000 Tổ TK&VV tại thôn, ấp, bản làng.

Tổ TK&VV là nơi giúp hộ nghèo, đối tượng chính sách thực hiện các thủ tục vay vốn, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, đảm bảo thực hiện cơ chế dân chủ. Đồng thời, là nơi để ngân hàng đưa các hoạt động nghiệp vụ về cơ sở phục vụ đối tượng thụ hưởng một cách hiệu quả. Hồ sơ, thủ tục cho vay của NHCSXH được thiết kế đơn giản, dễ thực hiện, phù hợp với trình độ của hộ nghèo, đối tượng chính sách. Thông qua phương thức này đã giúp người nghèo, đối tượng chính sách khác tiếp cận tín dụng chính sách xã hội được thuận lợi, tiết giảm chi phí, phát huy dân chủ cơ sở, công khai và tăng cường sự giám sát của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và của toàn xã hội trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội.

Mạng lưới Chi nhánh, Phòng giao dịch rộng khắp toàn quốc, hệ thống Điểm giao dịch xuống tận các xã/phường/thị trấn, mạng lưới Tổ TK&VV thành lập tại các thôn, ấp, bản, làng, với phương châm "phục vụ tại nhà, giải ngân tại xã" là một bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ tốt nhất cho người dân, đặc biệt là những người yếu thế. Hoạt động tín dụng chính sách khẳng định hiệu quả thiết thực và là điểm nhấn trong công tác giảm nghèo.