Là cửa ngõ phía Tây của tỉnh Thái Bình, nơi tiếp giáp với nhiều vùng kinh tế năng động, huyện Vũ Thư có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên khi triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM (2011), kinh tế của huyện còn có nhiều khó khăn, tỷ trọng ngành nông nghiệp chiếm tới 44,9% cơ cấu nền kinh tế, lao động nông nghiệp chiếm 63,1% cơ cấu lao động, mặt bằng chung toàn huyện đạt bình quân từ 5 - 6 tiêu chí/xã.
Hạ tầng kinh tế xã hội và cơ sở vật chất ở các địa phương xuống cấp, thiếu sự đồng bộ, nhiều hạ tầng thiết yếu còn thiếu, đặc biệt là hệ thống đường giao thông nông thôn, cơ sở vật chất văn hóa và một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức chưa sâu sắc về chủ trương, ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình xây dựng NTM, việc chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM ở một số xã còn lúng túng, chưa có quyết tâm chính trị cao...
Trước thực trạng đó, Huyện ủy, UBND huyện Vũ Thư đã ban hành các nghị quyết, quyết định, chương trình hành động, xây dựng kế hoạch thưởng và triển khai thực hiện một số cơ chế chính sách hỗ trợ các địa phương trong xây dựng NTM như: Hỗ trợ quy hoạch chung cho các xã, hỗ trợ công tác dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng; hỗ trợ đường giao thông trục thôn, đường nhánh cấp 1 của đường giao thông trục thôn; hỗ trợ cát đá xây dựng đường trục xã, hỗ trợ xóa phòng học cấp 4... qua đó đã tạo động lực cho các xã phát huy nội lực để thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM.
Bên cạnh đó, thông qua phát động phong trào "Toàn dân chung sức xây dựng NTM", các cấp, các ngành, ủy ban MTTQ và các tổ chức đoàn thể từ huyện đến cơ sở đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng và phong phú... đã làm thay đổi nhận thức người dân, cán bộ cơ sở, khơi dậy tinh thần cách mạng của nhân dân hăng hái góp công, góp sức, góp của và phát huy vai trò chủ thể trong việc tham gia thực hiện các tiêu chí để xây dựng NTM.
Vì thế trong 9 năm (2011 - 2019) thực hiện chương trình người dân Vũ Thư đã tự nguyện hiến 589,171m2 đất, góp 100.234 ngày công lao động và đóng góp 584,4 tỷ đồng (= 33,3% tổng các nguồn lực của huyện trong xây dựng NTM) để xây dựng các công trình NTM.
Từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, huyện và tiền do nhân dân đóng góp các xã đã tập trung sửa chữa, cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới nhiều hạng mục công trình hạ tầng kinh tế - xã hội. Điển hình như tiêu chí giao thông, các tuyến đường trục xã, trục thôn, ngõ xóm được quan tâm đầu tư xây dựng đồng bộ. Toàn huyện đã xây mới, cải tạo, nâng cấp, cứng hóa được 1.035 km đường giao thông nông thôn (đạt 100%); trong đó có 156,28 km đường trục xã, 300km đường trục thôn, 578 km đường nhánh cấp 1 trục thôn và 143,1 km đường giao thông nội đồng. Các tuyến đường được duy tu, bảo trì thường xuyên, nhân dân tổ chức vệ sinh sạch sẽ, trồng hoa, cây cảnh hai bên đường tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp.
Cùng với chú trọng thực hiện tiêu chí giao thông thì các tiêu chí thủy lợi, cơ sở vật chất trường học, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn… cũng được tập trung nguồn lực đầu tư và đều đạt chuẩn theo quy định.
Lĩnh vực trồng trọt chuyển dịch theo hướng chuyển trọng tâm từ sản lượng sang chất lượng và giá trị, coi trọng sản xuất nông nghiệp hàng hóa; hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản có quy mô lớn và hiệu quả kinh tế cao, ổn định.
Toàn huyện có 41 hợp tác xã (HTX) làm dịch vụ thủy nông, thủy lợi nội đồng; 41 HTX làm dịch vụ bảo vệ thực vật, 41 HTX làm dịch vụ khoa học kỹ thuật; 35 HTX làm dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp; 9 HTX làm dịch vụ kho lạnh; 15 HTX xây dựng được cánh đồng lớn (> 50 ha ) có hợp đồng tiêu thụ lúa thương phẩm cho nông dân thường xuyên; 3 HTX làm dịch vụ máy nông nghiệp (làm đất, máy cấy, máy gặt); 6 HTX làm dịch vụ đánh chuột, đặc biệt có HTX nông nghiệp Nguyên Xá làm dịch vụ tín dụng nội bộ…
Các hợp tác xã đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp ký kết hợp đồng cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản cho thành viên, nên hầu hết các dịch vụ kinh doanh của các HTX qua nhiều năm đều có lãi; doanh thu bình quân 1 HTX trên 1 tỷ đồng/năm, một số HTX có doanh thu lớn trên 2 tỷ đồng/năm như: HTX NN Nguyên Xá, Tân Phong, Song An…
Từ hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn được củng cố đầu tư xây dựng đồng bộ đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhu cầu dân sinh và hoạt động phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân. Cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện đã có nhiều giải pháp tích cực trong thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tổ chức các hình thức sản xuất hợp lý, thúc đẩy phát triển công nghiệp, dịch vụ.
Trong đó có 1 số mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp và du lịch trải nghiệm hay như: Mô hình sản xuất công nghệ cao: trồng rau, cà chua, mướp đắng, dưa Kim Hoàng Hậu, trồng rau, quả trái vụ trong nhà màng để né tránh ảnh hưởng của thời tiết bất thuận đã cho hiệu quả kinh tế cao (gấp 3 - 5 lần so với phương pháp truyền thống);
Mô hình "Tổ hợp tác chăn nuôi" - xã Bách Thuận: gồm 17 hộ chăn nuôi lợn ở 6 thôn với tổng số diện tích chăn nuôi là 6.800m2, cung cấp cho thị trường lợn thịt mỗi tháng từ 25 - 30 tấn, các thành viên tham gia Tổ hợp tác trong quá trình chăn nuôi đã trao đổi kinh nghiệm, tiếp cận phương thức sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng cường liên kết để nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm... hay mô hình "chỉ đạo thực hiện phong trào nông dân SXKD giỏi" của Hội Nông dân xã Vũ Đoài: Hội Nông dân xã đã tổ chức cho 11/11 chi hội với 1.913 HV (đạt 86%) tham gia đăng ký phong trào thi đua nông dân SXKD giỏi.
Năm 2018 bình xét có 1.690 HV đạt danh hiệu SXKD giỏi các cấp (trong đó có 9 hộ đạt tiêu chuẩn danh hiệu SXKD giỏi cấp tỉnh, 48 hộ cấp huyện, 1.633 hộ cấp cơ sở), một số hội viên đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc" và được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.
Các lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát triển. Nhờ đó mà cơ cấu kinh tế ngành Nông nghiệp chuyển dịch tích cực, trong đó giá trị sản xuất trồng trọt giảm từ 51,7%(năm 2010) xuống 47,4% (năm 2018); giá trị sản xuất chăn nuôi và dịch vụ tăng từ 42,8% (năm 2010) lên 47,51% (năm 2018)...
Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn cũng được chú trọng thực hiện. Các chương trình phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, đào tạo nghề đã góp phần quan trọng tạo thêm nhiều việc làm ổn định và thu nhập khá cho lao động nông thôn, từng bước làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, từ đó tạo nguồn lực để xây dựng NTM. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện chưa trừ BTXH là 2,92% (giảm 0,27% so năm 2018), thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 47,184 triệu đồng/người, tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm thường xuyên đạt 96.6%.
Trong niềm vui phấn khởi của quê hương đổi mới, bà Trần Thị Hợi, thôn Ngô xá, xã Nguyên Xá (xã đầu tiên của huyện Vũ Thư về đích NTM năm 2013) cho biết: Nhờ có xây dựng NTM mà diện mạo nông thôn bừng sáng, đời sống vật chất và tinh thần của người dân chúng tôi được nâng lên rõ rệt. Các thế hệ trẻ được lao động, học tập, vui chơi trong điều kiện tốt nhất. Chứng kiến sự đổi thay của quê hương chúng tôi cảm thấy rất tự hào và sẽ tiếp tục chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, vững mạnh hơn.
Chia sẻ về kết quả sau 9 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, ông Phạm Đồng Thụy, Bí thư Huyện ủy Vũ Thư cho biết: "Với tinh thần đoàn kết, đồng thuận, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, đến nay, huyện Vũ Thư đã hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện NTM. Đây chính là động lực để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện không ngừng thi đua thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong những năm tiếp theo. Với quan điểm "Xây dựng NTM chỉ có khởi đầu mà không có kết thúc", Vũ Thư đang tập trung thực hiện các giải pháp hướng tới mục tiêu cao hơn, bền vững hơn".