Theo văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Kạn, do chịu ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục qua Bắc Bộ kết hợp với hội tụ gió trên mực 1.500 m nên đêm 17/5 và sáng 18/5, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã có mưa vừa, đặc biệt có nhiều nơi mưa to.
Lượng mưa đo được tính từ 19 giờ ngày 17/5 đến 7 giờ ngày 18/5 tại một số trạm như sau: Bằng Thành (huyện Pác Nặm) 68,2 mm; Nam Cường (huyện Chợ Đồn) 58,2 mm; Vũ Muộn (huyện Bạch Thông) 55,6mm; các trạm còn lại lượng mưa nhỏ hơn 50,0 mm. Đã xảy ra hiện tượng tố lốc tại một số huyện: Ba Bể, Bạch Thông, Chợ Mới, Ngân Sơn, Pác Nặm.
Tại huyện Bạch Thông, mưa to đã làm tấm lợp fibro xi-măng rơi vào đầu làm bị thương 2 người. Nạn nhân là chị Hà Thị Quốc và Ngô Phương Lan, ở thôn Pò Đeng, xã Tân Tú.
Mưa to, gió giật cũng đã làm 187 ngôi nhà bị tốc mái (huyện Bạch Thông 90 nhà; huyện Chợ Mới 3 nhà, huyện Ba Bể 94 nhà), 2 nhà bị sạt lở đất và 8 nhà bị ngập tại huyện Ba Bể. Mưa to cũng đã làm 107,5 ha lúa, 28,6 ha ngô, 2,8 ha bí xanh bị ngập tại huyện Ba Bể; 1,25 ha ao nuôi trồng bị thiệt hại tại huyện Ba Bể. Ước thiệt hại do mưa lũ gây ra vào khoảng 500 triệu đồng.
Ngay sau khi xảy ra thiên tai, chính quyền các địa phương đã tổ chức kiểm tra các khu vực bị thiệt hại, chỉ đạo người dân khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ”; huy động các lực lượng tại địa phương hỗ trợ người dân khắc phục hư hỏng về nhà ở và hướng dẫn chăm sóc cây trồng bị thiệt hại. Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp tổ chức trực ban theo quy định, liên tục cập nhật thông tin thời tiết, cảnh báo đến các cấp chính quyền, các đơn vị liên quan và người dân để chủ động phòng tránh.
Các khu vực trong tỉnh Tuyên Quang cũng đã có mưa vừa, mưa to và dông với lượng mưa phổ biến từ 20-40 mm/12 giờ. Một số khu vực có mưa rất to như xã Thượng Lâm (huyện Lâm Bình): 89mm/12 giờ; xã Phù Lưu (huyện Hàm Yên): 78mm/12 giờ; xã Lăng Quán (huyện Yên Sơn): 74mm/12 giờ…
Mưa lớn kèm dông, lốc trên địa bàn đã làm 1 người bị thương, 204 ngôi nhà bị đổ sập, tốc mái, 4 phòng học bị tốc mái, hư hỏng. Mưa lớn cũng khiến 72 ha rừng bị đổ, gãy; 63 ha lúa, 12 ha rau màu bị bị hư hỏng; 1 công trình thủy lợi đầu mối bị lũ cuốn trôi hoàn toàn; làm sạt lở đường giao thông liên thôn xã Hồng Thái, huyện Na Hang, làm nhiều cột điện bị đổ…
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, UBND các huyện Hàm Yên, Na Hang, Yên Sơn đã chỉ đạo cán bộ đến các xã bị ảnh hưởng nắm tình hình và thống kê thiệt hại; huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ các hộ bị tốc, thủng mái nhà; chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Ủy ban nhân dân các xã hướng dẫn nhân dân các biện pháp, kỹ thuật chăm sóc diện tích hoa màu bị ảnh hưởng để cây trồng phục hồi, đảm bảo kịp mùa vụ; chỉ đạo Hạt giao thông huyện Na Hang khắc phục các điểm sạt lở để đảm bảo lưu thông giao thông trên địa bàn các xã.