Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Vườn Quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh): Phát hiện loài rắn hổ mang Trung Quốc nguy cấp, quý hiếm

(Dân sinh) - Sáng 25/4, Th.s Nguyễn Việt Hùng, Phó phòng khoa học Vườn quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh) cho biết, trong đợt Điều tra, khảo sát Đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia Vũ Quang vừa qua, các nhà khoa học đã phát hiện và ghi nhận được một loài rắn hổ mang Trung Quốc có tên khoa học là Naja atra Cantor, 1842, thuộc họ rắn hổ Elapidae.

Vườn Quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh): Phát hiện loài rắn hổ mang Trung Quốc nguy cấp, quý hiếm  - Ảnh 1.

Rắn hổ mang Trung Quốc được phát hiện qua bẫy ảnh của Vườn quốc gia Vũ Quang

Theo đó, loài rắn hổ mang Trung Quốc là loài động vật nguy cấp, quý hiếm thuộc Nhóm IIB, hạng VU trong danh lục đỏ IUCN, được phát hiện tại tiểu khu 139B có vị trí có độ cao 150m so với mực nước biển thuộc xã Thọ Điền, huyện Vũ Quang, (lâm phần của Vườn Quốc gia Vũ Quang quản lý).

Rắn hổ mang Trung Quốc (Naja atra Cantor, 1842) là loài rắn độc, có kích thước chiều dài lên tới 200 cm, thích săn mồi vào buổi tối khi thời tiết nóng; đặc điểm ăn nhiều cá, ếch, cóc, thằn lằn, rắn, chim, trứng chim và động vật gặm nhấm... bất kỳ thức ăn nào nó có thể ép xuống cổ họng; chúng thường giao phối với nhau vào cuối mùa xuân và đầu mùa hè.

Rắn hổ mang Trung Quốc có nọc độc cao. Tuy nhiên, các dấu răng rất khó phát hiện thấy trên vết thương. Nọc độc của nó là cả chất độc thần kinh và chất độc tim, với LD50 là 0,53 mg/kg, có thể tiêm tới 250 mg nọc độc trong một vết cắn.

Tại Việt Nam, trước đây rắn hổ mang Trung Quốc được ghi nhận phân bố ở khu vực các tỉnh phía Bắc. Với việc phát hiện loài này tại Vườn Quốc gia Vũ Quang đã ghi nhận vùng phân bố mới tại khu vực miền Trung và bổ sung vào danh lục các loài bò sát cho Vườn quốc gia Vũ Quang.

Phát hiện mới này cũng cho thấy tiềm năng rất lớn về đa dạng sinh học cần được nghiên cứu, tìm hiểu Vườn Quốc gia Vũ Quang.