WB gợi ý các giải pháp để Việt Nam giảm cú sốc lớn về kinh tế
Với những quan ngại về kinh tế và y tế trên toàn cầu đang gia tăng, WB cho rằng, nền kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, mặc dù cho đến nay cuộc khủng hoảng y tế do đại dịch gây ra vẫn được kiểm soát, chỉ có 325 trường hợp nhiễm bệnh, trong đó 267 người đã bình phục và không ai bị tử vong đến đầu tháng 4.
Dự báo tăng trưởng GDP của Ngân hàng Thế giới cho Việt Nam đã giảm một nửa so với trước khủng hoảng, dự kiến chỉ ở mức 3,0% vào năm 2020.
Biện pháp ứng phó về tài chính của Chính phủ, trong đó kết hợp hỗ trợ về thuế và an sinh xã hội, dự kiến sẽ làm giảm nhẹ tác động kinh tế ngắn hạn liên quan đến đại dịch Covid-19, nhưng những thách thức chính sẽ là làm sao để triển khai nhanh chóng và hiệu quả các biện pháp trên và chuẩn bị cho sự phục hồi dự kiến của nền kinh tế khi cuộc khủng hoảng y tế đã được ngăn chặn.
Nới lỏng chính sách tiền tệ và tín dụng dễ dàng tạo ra nguồn vốn đệm mà các doanh nghiệp bị ảnh hưởng mong chờ, nhưng cần giám sát chặt chẽ khi các ngân hàng ngày càng phải đối mặt với suy thoái kinh tế, ảnh hưởng đến chất lượng tài sản, nợ phải trả và khả năng sinh lời theo thời gian.
Các lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới có thể bao gồm: giám sát tài chính và vĩ mô; thực hiện các biện pháp an sinh xã hội; và những cải cách cần thực hiện để tối ưu hóa sự phục hồi của nền kinh tế.
Những trở lực ngày càng lớn sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng và yêu cầu huy động thêm vốn Covid-19 là một cú sốc khổng lồ, tàn phá xã hội và nền kinh tế trên toàn thế giới thường theo những cách gia tăng lẫn nhau.
Hầu hết các quốc gia đều đang rơi vào suy thoái và dự kiến sẽ chưa thể phục hồi trước cuối Quý 3 năm 2020, nhưng sự phục hồi hy vọng sẽ gia tăng mạnh mẽ trong suốt năm 2021. Những bất ổn lớn đến mức cả hậu quả về y tế và tài chính của dịch bệnh trên toàn cầu đều đang rất khó dự đoán.
Trong bối cảnh đó, các dự báo kinh tế cho Việt Nam đã được điều chỉnh giảm đáng kể. Sự bùng phát của dịch Covid-19 cho đến nay đã được ngăn chặn tại Việt Nam thông qua việc kết hợp các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát thông minh.
Tăng trưởng GDP dự kiến chỉ đạt 3,0% vào năm 2020, vẫn tích cực so với khu vực và quốc tế nhưng đây là tốc độ tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1986. WB vẫn hy vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi tương đối nhanh chóng và sẽ có tốc độ tăng trưởng GDP là 6,8% vào năm 2021.
Kết quả của Quý 1 vừa được công bố đã xác nhận tốc độ tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Việt Nam.
Mặc dù dịch bệnh mới được báo cáo ở Trung Quốc vào giữa tháng 1 và Việt Nam bắt đầu thực hiện các biện pháp hạn chế vào đầu tháng 2, tốc độ tăng trưởng GDP của quý 1 chỉ ở mức 3,8% - mức tăng thấp nhất kể từ năm 2009.
Trong khi một số lĩnh vực hoạt động tương đối tốt (như sản xuất và xây dựng), ngành dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là hoạt động du lịch và vận tải. Tốc độ tăng trưởng của thương mại bán lẻ (phản ánh mức tiêu dùng của các hộ gia đình) gần như không thay đổi (tăng 1,5% theo giá thực) so với mức tăng 9,3% trong quý 1 năm 2019.
Nỗ lực củng cố tài khóa của Chính phủ sẽ tạm thời bị gián đoạn bởi cuộc khủng hoảng do Covid 19 gây ra. Thâm hụt ngân sách chung dự kiến sẽ tăng từ 4,4% trong năm 2019 lên khoảng 5,8% GDP vào năm 2020, chủ yếu là do nguồn thu thuế thấp hơn vì các hoạt động kinh tế dự kiến sẽ suy giảm.
WB hy vọng Chính phủ sẽ quay trở lại chính sách tài khóa thận trọng sau hậu quả của cuộc khủng hoảng toàn cầu, nhờ đó thâm hụt ngân sách nói chung sẽ giảm xuống lần lượt 4,7% và 4,0% GDP vào năm 2021 và 2022.
Thâm hụt dự kiến gia tăng sẽ làm ngân sách bị thiếu khoảng 5 tỷ USD vào năm 2020. So với các dự báo trước khủng hoảng, Chính phủ sẽ cần đảm bảo có thêm 1,8% GDP cho nguồn vốn đầu tư mới, làm nợ công tăng từ 54,1% lên 55,8% GDP trong các năm 2019 và 2020.
Vì Chính phủ sẽ tiếp tục củng cố tài khóa vào năm 2021, quỹ đạo nợ sẽ được duy trì bền vững trong trung hạn.
Tập trung vào các lĩnh vực, hoạt động có thể tạo ra việc làm, cải thiện năng suất
Để giảm thiểu những cú sốc lớn về kinh tế và y tế đối với nền kinh tế, Chính phủ đã thực hiện một loạt các biện pháp.
Cho đến nay, Chính phủ đã chuẩn bị một loạt các biện pháp tài khóa để giảm thiểu tác động đối với hầu hết doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng - bước đầu tiên trong một kế hoạch ứng phó kinh tế toàn diện.
Các biện pháp giảm thiểu ban đầu tập trung vào hai loại công cụ: Giãn thời gian nộp thuế và bảo hiểm xã hội, và hỗ trợ tài chính trực tiếp cho người lao động và các hộ gia đình dễ bị tổn thương.
Những công cụ này rất phù hợp với thông lệ quốc tế vì chúng nhằm mục đích giảm bớt khó khăn về dòng tiền cho hầu hết các doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng.
Giải pháp đúng hướng của chính phủ, doanh nghiệp và người dân có thể thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế nhanh, mạnh và bền vững hơn. Trong giai đoạn này, nên tập trung vào các lĩnh vực, hoạt động có thể tạo ra việc làm, cải thiện năng suất và tốc độ tăng trưởng trong dài hạn, như cơ sở hạ tầng, đổi mới sáng tạo, y tế và giáo dục.
Việc lựa chọn đối tượng mục tiêu, lý do và phương thức hỗ trợ chắc chắn đều là những quyết định không hề dễ dàng. Với các doanh nghiệp, có thể sẽ cần nhiều thời gian hơn để khôi phục cơ cấu nhân sự, hàng hóa tồn kho, chuỗi cung ứng, doanh thu và nguồn vốn sau nhiều tuần hay nhiều tháng tạm ngừng hoạt động.
Tương tự như vậy, việc thực hiện và lồng ghép hài hòa các chính sách điều tiết cũng cần nhiều thời gian để nền kinh tế toàn cầu thực sự hoạt động trở lại.
Vào thời điểm này, Chính phủ có thể bắt đầu định hình gói kích thích tài khóa và xây dựng lộ trình cho giai đoạn phục hồi do việc tổ chức thực hiện các chương trình cũng như hoạt động phối hợp giữa các bộ ngành và giữa cơ quan trung ương với địa phương và doanh nghiệp sẽ cần nhiều thời gian.
Một số hoạt động cải cách đòi hỏi phải điều chỉnh quy định pháp luật thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Các biện pháp kiểm soát dịch bệnh hiện đang được triển khai và các giải pháp phục hồi nền kinh tế có thể hỗ trợ, bổ sung cho nhau trên nhiều phương diện.
Bên cạnh đó, trong nền kinh tế toàn cầu thời kỳ hậu Covid-19 này, có thể xuất hiện hoặc đẩy nhanh những xu thế mới mà Việt Nam có thể khai thác như việc định hình lại chuỗi giá trị của nhiều công ty đa quốc gia nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Đồng thời, cũng có thể phát triển các thị trường mới cho nông sản và sản phẩm chế biến chế tạo hiện vẫn còn nhu cầu cao trên toàn thế giới trong khi nguồn cung ở một số quốc gia khác vẫn đang phải chịu sự gián đoạn lớn.