Bà Trần Thị Hiệp-Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Thịnh cho biết, để đạt được chuẩn nông thôn mới, tiêu chí 11 về hộ nghèo cũng là một giải pháp cần thực hiện đồng bộ và hiệu quả mới mang lại kết quả cao.
Để đạt được tiêu chí về hộ nghèo, UBND xã đã chỉ đạo cho cán bộ xã và các thôn rà soát, phân loại đối tượng hộ nghèo, hộ có nguy cơ tái nghèo; các ban ngành, đoàn thể xã có kế hoạch thực hiện các mô hình hỗ trợ sản xuất, hướng dẫn nhân dân sản xuất, kinh doanh vươn lên thoát nghèo.
Kết quả, qua điều tra hộ nghèo trên địa bàn xã, đầu năm 2020, xã có 99 hộ/2699 hộ chiếm tỷ lệ 3,66%. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã trừ 27 hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội chiếm 2,67%, dưới 5% so với quy định của Bộ tiêu chí Quốc gia về chuẩn nông thôn mới.
Một trong những giải pháp trọng tâm để giảm được tỷ lệ hộ nghèo theo mục tiêu đề ra, đó là xã đã thực hiện hiệu quả các mô hình hỗ trợ nhân dân sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Mỗi hộ nghèo được hỗ trợ từ 12 đến 15 triệu đồng từ dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, mua bò cái giống, thúng máy, ngư lưới cụ…sản xuất. Thực hiện từ năm 2016-2020 có 142 hộ nghèo được hỗ trợ với kinh phí 1,821 tỷ đồng.
Anh Nỗ Văn Dũng, trưởng thôn Vịnh Hòa giới thiệu với chúng tôi một hộ vừa thoát khỏi hộ nghèo đầu năm 2020 là gia đình ông Bùi Văn Xin. Trước đây gia định ông Xin thuộc hộ nghèo là do thiếu lao động và công cụ sản xuất. Vợ chồng ông Xin đã ngoài 70 tuổi, thu nhập chính chỉ nhờ vào sức lao động của đứa con trai. Nhưng vì không có tiền mua sắm phương tiện sản xuất nên người con chỉ đi "bạn" (làm thuê cho chủ tàu), thu nhập bấp bênh, không ổn định.
Từ khi được địa phương hỗ trợ 12 triệu đồng mua Thuyền thúng chai composit, gia đình ông Cảnh đã chủ động trong công việc, người con trai đã có phương tiện đi đánh bắt hải sản hàng ngày, thu nhập ổn định mỗi ngày từ 200 ngàn đồng trở lên. Không chỉ nuôi cha mẹ, anh còn dành dụm sửa lại nhà cửa kiên cố.
Hộ gia đình anh Lê Văn Cảnh rơi vào hộ nghèo do bản thân anh Cảnh là lao động chính nhưng bị bệnh loãng xương, cánh tay bị liệt, thuộc trường hợp khuyết tật, mất sức lao động. Được địa phương hỗ trợ 15 triệu đồng mua 2 con bò giống chăm sóc vào năm 2016. Đến nay bò phát triển, anh đã bán bò trả được tiền hỗ trợ cho địa phương, hiện vẫn còn tích lũy 2 con bò lớn. Ngoài ra, từ nguồn vốn nuôi bò sinh lợi, anh Cảnh gửi vốn cho cha mẹ, anh em nuôi thêm lồng tôm hùm, thu nhập thêm, ổn định cuộc sống. Nguồn thu nhập từ nuôi bò và nuôi trồng thủy sản ổn định đã giúp gia đình anh Cảnh thoát khỏi hộ nghèo, dành sự trợ giúp của nhà nước cho những hộ trong thôn còn khó khăn hơn.
Theo đánh giá của UBND xã Xuân Thịnh, qua việc triển khai thực hiện dự án hỗ trợ của nhà nước về hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng sinh kế thuộc Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn xã Xuân Thịnh, ý thức trách nhiệm của người dân trong công tác giảm nghèo từng bước được nâng lên. Đặc biệt dự án về hỗ trợ phương tiện sản xuất Thúng chai, Ngư lưới cụ, các hộ tham gia dự án có tinh thần tình nguyện thực hiện mô hình, có tâm huyết thực hiện dự án và cam kết thoát nghèo, cũng như có trách nhiệm trong việc thực hiện dự án.
"Thông qua các chương trình giảm nghèo đã góp phần làm thay đổi diện mạo ở các thôn, đời sống của người dân được cải thiện. Người nghèo đã được tiếp cận tốt hơn các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống và đã có nhiều hộ thoát nghèo bền vững. Với các hạng mức hỗ trợ đã giúp người dân tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao kiến thức trong lĩnh vực chăn nuôi, sử dụng máy móc, công cụ hỗ trợ cho sản xuất…Chương trình giảm nghèo đã thu hút được sự tham gia, hưởng ứng nhiệt tình của toàn xã hội. Đặc biệt là sự đóng góp của người dân ở cộng đồng dân cư đã đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo tại địa phương"-Bà Trần Thị Hiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Thịnh chia sẻ.